Nga đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng khí đốt ổn định mới, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng khí đốt nội địa, trong bối cảnh châu Âu cắt giảm đáng kể nhập khẩu từ Moscow.
Hãng tin Izvestia của Nga ngày 28/4 trích dẫn dữ liệu biên bản cuộc họp của Ủy ban Năng lượng của Hội đồng Nhà nước Nga, cơ quan cố vấn hàng đầu của Tổng thống Nga, ước tính việc xuất khẩu khí đốt của Mocsow trong năm 2023 sẽ sụt giảm khoảng 50% so với năm 2022.
Theo Izvestia, năm 2022, Nga xuất khẩu hơn 100 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Số liệu của Statista cho thấy Moscow bán khoảng 203 tỷ mét khối khí tự nhiên qua các tuyến đường ống trong năm 2021. Như vậy, con số của năm 2023 có thể chỉ còn bằng 1/4 so với giai đoạn trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine.
Trong vòng hơn một năm qua, Phương Tây đã biến Nga thành quốc gia hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt nhất thế giới. Washington cùng đồng minh châu Âu, vốn từng là khách hàng khí đốt lớn nhất của Moscow, cũng tìm cách bóp nghẹt nguồn thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng.
New York Times đánh giá, Nga thời gian qua đã làm tốt một cách đáng ngạc nhiên trong việc nắm giữ thị phần của mình trên thị trường dầu mỏ bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây, dù họ phải bán dầu với một mức giá chết khấu đáng kể so với giá trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, câu chuyện với khí đốt khó khăn hơn vì phần lớn khí đốt của Nga được xuất khẩu bằng đường ống. Do tranh cãi với các nước châu Âu xung quanh vấn đề thanh toán từ năm ngoái, Moscow đã quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt cho một loạt quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi các tuyến đường ống Nord Stream then chốt chạy dưới đáy biển Baltic bị tấn công phá hoại tháng 9/2022, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu sụt giảm nghiêm trọng và không thể khôi phục về mặt kĩ thuật trong ngắn hoặc trung hạn.
Trước khi bị phá hoại, nếu vận hành ở công suất cao, chỉ riêng tuyến Nord Stream 1 có thể bơm 55 tỷ mét khối khí sang châu Âu một năm. Theo ước tính của chuyên gia Viktor Katona của Kpler, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU bằng đường ống có thể giảm 2/3 trong năm 2023.
Từ phía châu Âu, dù chưa tấn công trực diện ngành vào ngành khí đốt của Nga, khối đã chứng minh kế hoạch giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng khác của Nga diễn ra khá thuận, dù họ hứng chịu không ít tác động tiêu cực về kinh tế.
Theo New York Times, châu Âu đã bù đắp phần thiếu hụt của Nga bằng cách tăng nguồn cung nội địa, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), chủ yếu từ Mỹ, Qatar và cắt giảm nhu cầu. Thời tiết ấm áp trong mùa Đông mới nhất phần nào giúp EU không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung.
Báo cáo mới đây của EU chỉ ra rằng rằng, mức tiêu thụ khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 thấp hơn gần 18% so với mức trung bình giai đoạn này từ năm 2017 đến năm 2022. Những thực tế đó cũng khiến giá khí đốt ở châu Âu giảm, hiện chỉ còn khoảng 10% so với mức đỉnh kỉ lục hồi tháng 8/2022.
Trong bối cảnh khối lượng xuất khẩu và giá khí đốt giảm, Nga được cho là đang thúc đẩy các dự án đường ống khí đốt khác để bù đắp nguồn thu. Moscow hiện đang chuẩn bị xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới sang Trung Quốc, bên cạnh tuyến ống Power of Siberia đang vận hành hiệu quả.
Một nỗ lực khác cũng đang được tiến hành để biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan năm ngoái từng tuyên bố nước này sẽ tạo ra trung tâm quốc tế để chuyển khí đốt của Nga sang một số quốc gia châu Âu.
Hiện có một tuyến dẫn khí nối từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ là TurkStream, đi qua biển Đen và đến vùng Đông Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất 31,5 tỷ mét khối/năm. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream còn cung cấp năng lượng cho số ít quốc gia châu Âu như Serbia, Hungary, những nước được Nga coi là "thân thiện".
Ngoài ra, nhà chức trách Nga đang thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng khí đốt trong nước, bao gồm tăng mức khí hóa trong lĩnh vực vận tải lên 82,9% vào năm 2030 cũng như xây dựng 94 nhà LNG quy mô nhỏ trước năm 2035, theo Izvestia.
LNG được đánh giá là chìa khóa để Moscow cải thiện năng lực lưu trữ, phân phối cũng như xuất khẩu khí đốt đến các thị trường xa hơn mà việc xây dựng đường ống không khả thi.
https://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/xuat-khau-giam-manh-nga-vat-va-tim-dau-ra-cho-khi-dot-i691859/
Ngày đăng: 11:27 | 29/04/2023
Thái Hà / cand.com.vn