Không thể áp dụng quy định xây nhà ở riêng lẻ ở vùng nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng để xử lý sai phạm đất rừng Sóc Sơn.
Ngày 30/12/2018, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Đào Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội than thở, khó xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn do quy định pháp luật còn hạn chế, chưa bao trùm được thực tế.
Ông Dũng lấy ví dụ đơn cử như việc nhiều công trình xây dựng trên đất rừng của nhiều hộ gia đình tại huyện Sóc Sơn không phải xin phép xây dựng do quy định của pháp luật từ ngày 1/1/2015 những công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không cần loại giấy phép này.
"Vi phạm rõ ràng phải xử lý nhưng lại không có chế tài, cũng là nguyên nhân khiến hơn 5% công trình vi phạm xây dựng chưa được xử lý" - ông Dũng nêu.
Tuy nhiên, nhiều luật sư trong lĩnh vực đất đai lại không đồng tình với ý kiến của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Bởi, không thể "đánh đồng" đất rừng với các loại hình đất ở nông thôn.
Đất rừng Sóc Sơn - TP. Hà Nội bị xẻ tan hoang bởi các công trình xây dựng trong nhiều năm qua.
Luật sư Nguyễn Văn Long cho biết, đất rừng được quản lý riêng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong các văn bản đó cũng nếu rất rõ tiêu chuẩn định hình rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Cùng với đó là các chế tài xử lý khi vi phạm trên đất rừng.
"Luật Đất đai năm 2013 cũng đề cập đến hành vi vi phạm khi nghiêm cấm hành vi không sử dụng đất hay sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, rừng phòng hộ cần được bảo vệ với mục đích môi trường, chống thiên tai...
Chính vì thế việc xây dựng công trình trên đất rừng không chỉ là hành vi xâm chiếm đất rừng, chặt gỗ rừng trái phép mà ngay cả hành vi kinh doanh trên đất rừng phòng hộ hay đặc dụng cũng sẽ bị nghiêm cấm và có chế tài xử phạt nặng. Đất rừng có hình thức quản lý riêng, khác với đất vườn, phi nông nghiệp... ở nông thôn nên không thể đánh đồng được" - luật sư Long cho biết.
Theo vị luật sư này, đất rừng phần lớn là ở vùng nông thôn. Trong đó, đất rừng phòng hộ thường được giao cho người dân quản lý, chăm sóc và trồng cây... trong thời gian được giao nhiệm vụ này người dân có thể xây nhà tạm để phục vụ cho việc chăm sóc, bảo vệ rừng còn nếu là những công trình nhà ở kiên cố là vi phạm pháp luật, cũng không cơ quan nào cấp phép cho việc xây dựng đó vì vi phạm pháp luật.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hướng đánh giá: "Tất cả những công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ đều sai, quy định của Nhà nước cũng rất rõ rành khi đưa ra chế tài phạt tiền, cưỡng chế phá bỏ công trình vi phạm, người vi phạm phải hoàn trả hiện trạng phần lấn chiếm... Nếu lấn chiếm đất rừng gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự".
Ông Hướng cho rằng, không nên phức tạp hóa việc xử lý những vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn bởi kết luận thanh tra đã có từ năm 2006 của Thanh tra Chính phủ và năm 2013 của Sở TN&MT Hà Nội, chế tài xử phạt cũng có đủ.
"Công trình nào xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn thì cần phải phá bỏ, trả nguyên hiện trạng ban đầu. Mặc dù việc trả nguyên hiện trạng ban đầu là không thể nhưng đối tượng vi phạm vẫn phải khắc phục phần nào và trong quá trình tháo dỡ không được làm ảnh hưởng tới môi trường thiên nhiên xung quanh..." - ông Hướng nói.
Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Vì sao chưa cưỡng chế 18 công trình vi phạm
Do thanh tra TP Hà Nội đang trong quá trình thanh tra toàn diện nên UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dừng cưỡng chế 18 ... |
Hà Nội tạm dừng cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn trong tháng 11
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), cho biết UBND TP Hà Nội đã thống nhất cưỡng chế ... |
Ngày đăng: 13:04 | 01/01/2019
/ http://baodatviet.vn