“Gửi xe đây em ơi!”, “Gửi xe vào phố đi bộ hả? Vào đây đi em”… Những lời mời chào ấy từ lâu đã khiến cơ quan chức năng đau đầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 100 trường hợp bị xử lý, xử phạt hơn 400 triệu đồng. Con số này không phải đáp án cho bài toán - làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng trông giữ xe tự phát xung quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận? Mà nó, chỉ là “kết quả phụ” cho quá trình đi tìm lời giải…
Hậu giãn cách xã hội vì Covid-19, “cái khó ló cái khôn”
Chỉ với một vòng khảo sát cho thấy, Covid-19 đúng là một “làn sóng” khiến rất nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế.
Dọc các tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lương Văn Can, Lý Thái Tổ… vốn được xem là “đất vàng” kinh doanh. Những gia đình có nhà mặt phố thì sống nhờ vào việc cho thuê cửa hàng. Nhưng “làn sóng” Covid-19 đi qua, nhất là sau thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chủ cửa hàng đã phải trả mặt bằng, hoặc đóng cửa không hẹn ngày mở lại, hoặc trưng biển sang nhượng.
Điều này đồng nghĩa với việc những gia đình có mặt bằng cho thuê bỗng nhiên mất đi khoản thu cố định. Giữa thời buổi khó khăn, tìm được người thuê lại cũng là cả một vấn đề lớn. “Diện tích vỉa hè có, thậm chí trong nhà trước kia cho thuê để kinh doanh bỗng nhiên bỏ không, nhìn thôi đã thấy sốt ruột rồi” - Một chủ nhà than vãn.
Nhiều người dân tranh thủ nhận trông giữ xe để tăng thu nhập, dù biết là vi phạm |
Về phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động để chống dịch, ngày 18-3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép mở lại các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ... Quyết định này đã giải tỏa “cơn khát” được giao lưu cộng đồng sau những tháng ngày “sống chung” với dịch bệnh của người dân.
Chính vì vậy, thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, vào những ngày cuối tuần, lượng người dân đổ về không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận khá đông, có hôm lên tới trên 20.000 lượt người, khiến cuộc sống “bình thường mới” trở nên nhộn nhịp hơn.
Vấn đề đặt ra ở đây là, người thì đông, vậy phương tiện gửi ở đâu?
Cũng theo khảo sát của phóng viên An ninh Thủ đô và con số thống kê của lực lượng chuyên trách cho thấy, diện tích được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép làm nơi trông giữ xe chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của người dân. Vậy 80% còn lại thì gửi ở đâu? Không lẽ đã tới nơi mà vì không có điểm gửi xe lại phải quay về?
Và thế là, những nhà dân quanh khu vực này nhanh chóng chớp lấy thời cơ để kiếm tiền. Đây chính là lý do dẫn tới việc xuất hiện hàng loạt điểm trông giữ xe tự phát. Có những hộ gia đình thậm chí dọn dẹp hết cả bàn uống nước, tủ… chỉ để trông xe. Đúng là “cái khó ló cái khôn”.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các bãi trông xe được cấp phép, người dân chỉ phải trả 5.000 đồng/ lượt vé ngày và 8.000 đồng/ lượt vé đêm. Còn tại các điểm trông giữ xe tự phát, con số dao động từ 20.000 -30.000 đồng, thậm chí có điểm lên tới 50.000 đồng/ lượt. Nhưng đây là thỏa thuận giữa người trông xe và khách có nhu cầu.
Anh Nguyễn Văn H, 26 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm cho biết: “Cả tuần đi làm, đến cuối tuần đưa bạn gái lên hồ Hoàn Kiếm chơi, đi cả một quãng đường cũng phải tới chục cây số mà vì không có chỗ để xe rồi quay về thì rất mất công, mà cũng mất hứng. Dù biết giá vé cao so với quy định, nhưng ít ra còn có nơi trông xe cho nên mình sẵn sàng bỏ tiền ra thôi”. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã xử lý gần 100 trường hợp trông giữ xe tự phát, phạt hơn 400 triệu đồng |
Dù là thực tế diễn ra, tuy nhiên, việc xuất hiện các điểm trông giữ xe tự phát không chỉ làm hình ảnh văn minh, an toàn của quận trung tâm Thủ đô trở nên méo mó, mà còn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Do vậy, trên cơ sở nắm tình hình địa bàn, cùng với quá trình tuần tra kiểm soát và thông tin phản ánh từ cán bộ cơ sở cũng như nhân dân, Đội Cảnh sát GT-TT, CAQ Hoàn Kiếm đã ngay lập tức tham mưu cho Ban chỉ huy CAQ tổ chức điều tra cơ bản, xác định rõ vi phạm và phân công lực lượng kiểm tra, xử lý;
Phối hợp với các lực lượng có liên quan, triển khai các tổ công tác liên ngành gồm Đội Cảnh sát GT-TT, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm, Phòng Đô thị quận Hoàn Kiếm, Thanh tra GTVT và Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT, CATP Hà Nội kiểm tra, xử lý theo Kế hoạch 05 của Ban chỉ đạo 197 quận;
Huy động các đội nghiệp vụ của Công an quận xử lý nghiêm các điểm trông giữ xe tự phát. Kết quả cho thấy, kể từ khi mở lại không gian đi bộ và vùng phụ cận cho đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý gần 100 trường hợp vi phạm...
Bao giờ mới hết trông giữ xe tự phát?
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Chỉ huy Đội Cảnh sát GT-TT, CAQ Hoàn Kiếm cho biết, đại đa số các điểm trông giữ xe tự phát này đều không thừa nhận hành vi vi phạm. Họ trả lời số phương tiện đang giữ là của hàng xóm, hoặc người thân gửi nhờ nên rất khó để có căn cứ xử phạt.
Ngay cả khi giá trông xe dù cao gấp rất nhiều lần so với mức giá Nhà nước quy định, thì cũng là thỏa thuận giữa người trông xe và khách hàng, gây nên sự lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Công an quận Hoàn Kiếm cũng cho biết thêm, lực lượng chuyên trách mỏng, trong khi đó lại phải chia ra để giải quyết tình trạng bán hàng rong, trà chanh - trà đá, tuần tra phòng chống trộm cắp, móc túi, phát tờ rơi… trong không gian phố đi bộ nên chỉ cần vắng bóng công an, người dân lại tiếp tục nhận xe trông giữ.
Vi phạm là một người, còn phương tiện là của một người khác nên không thể tạm giữ được. Vì vậy, ngoài việc xử phạt với số tiền quy định rất nhỏ, thì không có biện pháp nào mạnh hơn để răn đe, do vậy, người dân cứ thản nhiên tái phạm.
Đội Cảnh sát GT-TT đã nhiều lần khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển lên khu vực hồ Hoàn Kiếm, tránh việc gián tiếp làm gia tăng các điểm trông giữ xe tự phát. Nhưng nhiều người lại nói, di chuyển bằng phương tiện công cộng thì không thuận tiện, thêm vào đó xe buýt 22h đã không chạy nữa, trong khi người dân 21h mới ra khỏi nhà, vậy là không phù hợp.
Chưa kể nhiều gia đình có điều kiện sử dụng phương tiện là ôtô để đi chơi, thì biết tìm chỗ nào mà gửi xe? Vậy bao giờ mới hết trông giữ xe tự phát? Đây thực sự là bài toán khó, chưa có lời giải đang đặt ra những thách thức cho CAQ Hoàn Kiếm nói riêng và các lực lượng chức năng nói chung.
“Trước mắt, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không nhận trông giữ xe trái phép và yêu cầu ký cam kết. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng có liên quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay và nghiêm…” - Chỉ huy Đội Cảnh sát GT-TT, CAQ Hoàn Kiếm nói.
Ngày đăng: 10:15 | 26/04/2022
Thùy An / Theo ANTĐ