Đổ rác thải, phế thải xuống lòng kênh, xây dựng công trình trên mặt kênh, bờ kênh, xả nước thải không qua xử lý vào hệ thống thủy lợi... là những hành vi vi phạm phổ biến tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Kiên quyết xử lý dứt điểm những vi phạm này không chỉ bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn công trình mà còn đẩy nhanh tiến độ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2023.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm trên kênh Phụng Châu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Kim Văn
Phát sinh 311 vụ vi phạm
Công trình thủy lợi có vai trò quan trọng trong hoạt động tưới tiêu, phòng, chống hạn hán, úng ngập, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quan sát tại các huyện trọng điểm phòng, chống hạn hán, sản xuất nông nghiệp, như: Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa... không khó bắt gặp nhiều công trình thủy lợi bị xâm hại với các hành vi xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, làm cầu đi lại trên mặt kênh, bờ kênh...
Điển hình, các tuyến kênh: Đà Hà, La Khê, N13B, đoạn xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) bị người dân địa phương chiếm dụng làm chuồng trại chăn nuôi trên mặt kênh, đào bờ, làm đường ống dẫn dòng xả nước thải tái chế giấy chưa qua xử lý vào tuyến kênh... Trên các kênh Phụng Châu, Máng 7 bị một số hộ dân ở các xã: Phụng Châu, Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) đổ bê tông lên mặt kênh để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, bán hàng, rửa xe... Trên tuyến kênh Tây, Thanh Lan, đoạn thị trấn Thường Tín, xã Vân Tảo (huyện Thường Tín)... bị một số người dân làm cầu bắc qua làm lối đi lại...
Ngoài ra, nhiều tuyến kênh ở các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức... còn bị một số hộ dân đổ rác thải, phế thải, xả nước thải chăn nuôi, sản xuất làng nghề chưa qua xử lý xuống lòng dẫn, gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Một số hồ thủy lợi thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn... tiếp tục bị xâm hại. Điển hình tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), hộ gia đình ông Nguyễn Trung Thành có hành vi đổ đất, san nền trong phạm vi bảo vệ hồ Lập Thành với diện tích 120m2...
Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, 19/23 quận, huyện, thị xã để phát sinh 311 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Trong đó, huyện Thường Tín dẫn đầu thành phố về số vụ vi phạm với 97 vụ; kế tiếp là các huyện Sóc Sơn (40 vụ), Phú Xuyên (35 vụ), Chương Mỹ (27 vụ), Ứng Hòa (21 vụ)... Hành vi vi phạm chủ yếu là: Cắm kè tre, cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm dòng chảy để làm lều quán, chuồng trại chăn nuôi; tự ý làm cầu giao thông qua sông, kênh mương; cắm đăng đó, dựng vó bè, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông... Những hành vi trên không chỉ làm co hẹp mặt cắt kênh, sông, cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến năng lực dẫn, thoát nước mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của các doanh nghiệp thủy lợi mỗi khi nạo vét, tu bổ kênh mương...
Kênh N13B (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) bị chiếm dụng làm chuồng trại chăn nuôi.
Phải xử lý triệt để
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện vi phạm đã lập biên bản và gửi hồ sơ đến cấp xã, cấp huyện để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị xã mới xử lý 73 vụ phát sinh trong năm 2022 và 145 vụ vi phạm xảy ra từ những năm trước. Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã chưa xử lý dứt điểm, tồn đọng 298 vụ xảy ra trong năm 2022. Các huyện còn nhiều vụ chưa xử lý dứt điểm là Thường Tín, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo các huyện nêu trên cho biết, nguyên nhân phát sinh, chậm xử lý vi phạm là do nhiều hộ dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, nhất là thủ tục xin phép xả nước thải, làm cầu tạm qua kênh mương, cải tạo, sửa chữa nhà ở trong vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi... Hơn nữa, nhiều công trình thủy lợi hiện nay vẫn chưa được cắm mốc giới nên cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý... Đặc biệt, một số tuyến kênh, như: Phụng Châu, Máng 7... hiện chưa được kín hóa bề mặt, bốc mùi hôi thối, tạo nguy hiểm cho trẻ nhỏ, nhất là những thời điểm các công trình này làm nhiệm vụ dẫn nước từ sông Nhuệ, sông Đáy... phục vụ sản xuất. Do vậy, một số hộ dân tự tiện đổ bê tông, che chắn mặt kênh, vi phạm pháp luật thủy lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến công trình.
“Địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng một số người dân không hợp tác tự giải tỏa công trình vi phạm... Hơn nữa, để cưỡng chế vi phạm pháp luật về thủy lợi, xã cần rất nhiều thủ tục hành chính và mất nhiều thời gian...", Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) Tống Văn Thái giải thích.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương phải xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc, đặc biệt là các vụ nghiêm trọng, không để phát sinh vi phạm mới; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy lợi để nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ công trình thủy lợi... Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí cắm mốc giới hệ thống công trình thủy lợi để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, xử lý vi phạm...
“Để nâng cao năng lực dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân, trước mắt, các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình trong phạm vi lòng sông, trực tiếp gây cản trở dòng chảy… Mục tiêu quan trọng nhất là luôn bảo đảm an toàn công trình và phục vụ sản xuất về lâu dài”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ yêu cầu.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1052771/xu-ly-dut-diem-vi-pham-ve-thuy-loi
Ngày đăng: 08:22 | 11/01/2023
KIM NHUỆ / hnm