Sau khi truy tố 5 bị can trong vụ nâng điểm thi, công an Hà Giang đã gửi văn bản đề nghị xử lý 210 phụ huynh có con được nâng điểm.
Đại tá Lê Văn Canh - người phát ngôn Công an tỉnh Hà Giang - cho biết trên báo Tuổi trẻ một thông tin rất đáng chú ý, đó là Công an tỉnh đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm.
Trước đó, theo kết quả điều tra vụ án, tại hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang có 309 bài thi của 107 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Tương ứng với số này là 210 bố, mẹ của thí sinh được xác định có liên quan việc nâng điểm (trong đó có 2 thí sinh trong cùng một gia đình).
Qua xác minh của công an, các vị phụ huynh trên hiện đều đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang hoặc làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác, trong đó có nhiều vị đang đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức.
Đây là một thông tin khiến nhiều người cảm thấy rất thỏa đáng, bởi vì ngoài việc xử lý những người “bán điểm thi” thì phải xử lý cả người mua điểm, bởi không có người mua đặt ra yêu cầu, chi tiền mua điểm thì người bán sẽ bán cho ai? Có cung thì mới có cầu, không thể xử lý những người sửa điểm, còn số người mắc tội “đưa hối lộ” hay “lợi dụng chức vụ” để vi phạm pháp luật thì lại bị bỏ qua.
Vấn đề là Hà Giang sẽ xử lý những phụ huynh này bằng hình thức nào?
Bởi đây là những cán bộ chủ chốt, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, thậm chí như thông tin trên báo chí cho biết, con gái của quan đầu tỉnh cũng có tên trong danh sách các thí sinh được nâng điểm.
Liệu rồi đây sẽ có những mức kỷ luật các phụ huynh có con được nâng điểm với hình thức phê bình, khiển trách, cảnh cáo, rút kinh nghiệm hay không?
Không biết rồi đây, Hà Giang hay Sơn La, Hòa Bình sẽ xử lý các phụ huynh có con được nâng điểm thế nào, nhưng không thể để dây dưa, kéo dài nhiều hơn nữa, bởi đã 1 năm trôi qua và kỳ thi năm nay đang đến rất gần.
Chỉ cần nhắc lại 1 điều quan trọng, nếu như tìm ra bằng chứng rõ ràng có việc đưa tiền (theo như lời khai của bị can ở Sơn La là trung bình 1 tỷ đồng/1 trường hợp nâng điểm) để nâng điểm thi thì phải xác định tội trạng của các phụ huynh này là “đưa hối lộ” và phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Không thể xuê xoa, không thể coi nhẹ tội trạng này, bởi sự lũng đoạn của hành vi đưa hối lộ để mua điểm cho con của họ mang đến nhiều hệ lụy nặng nề cho toàn xã hội.
Gian lận thi ở Sơn La: 11 thí sinh được nâng điểm khai gì?
Cơ quan an ninh điều tra xác định trong số 44 thí sinh được nâng điểm, 11 người thừa nhận cung cấp thông tin cho ... |
Truy tố nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang nhờ người nâng điểm cho con
Các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang xác định 5 bị can, chủ yếu là cán bộ trong ngành giáo dục tỉnh Hà Giang, đã lợi ... |
Ngày đăng: 16:04 | 05/06/2019
/ http://baodatviet.vn