Từ chỗ là sản phẩm đặc dụng của những cường quốc như Mỹ, máy bay quân sự không người lái (UAV) xuất hiện với tần suất ngày càng phổ biến trên mọi chiến trường quốc tế. Triển vọng phát triển ngành sản xuất UAV chưa bao giờ đáng lạc quan như thời điểm này. Năm 2024, quân đội các nước có thể mong chờ gì từ UAV?
Sôi động thị trường UAV
Năm 2015, khi thị trường UAV toàn cầu mới chỉ đạt tổng giá trị 4 tỷ USD, Thượng viện Mỹ đã đưa ra một báo cáo ước tính con số trên sẽ đạt 14 tỷ USD trong năm 2025. Nhưng ngay trong năm 2023, thị trường UAV toàn cầu đã chạm đến con số 37,46 tỷ USD. Nếu vẫn giữ được mức tăng trung bình 16,45%/năm thì ngành sản xuất UAV thế giới hoàn toàn có thể mơ đến khả năng tổng giá trị thị trường vào khoảng 148,19 tỷ USD trong năm 2032.
UAV phục vụ mục đích quân sự và tình báo hiện là phân khúc thị trường phát triển nhanh nhất. Hàng trăm công ty lớn nhỏ đang mọc lên khắp thế giới trong cuộc chạy đua phát triển UAV quân sự. Khách hàng của họ không chỉ có quân đội các nước mà cả các lực lượng vũ trang phi chính phủ. Giá thành UAV đã hạ xuống đến mức các nhóm du kích, khủng bố cũng có thể dễ dàng đặt mua hàng chục chiếc UAV rồi tự mình cải biến tùy theo yêu cầu của chiến trường.
Loại UAV có mức tăng trưởng thị trường nhanh nhất là những chiếc máy bay đường dài ở tầm bay trung bình. Ví dụ nổi tiếng nhất là chiếc General Atomics MQ-1 Predator của Mỹ được xuất xưởng vào năm 1995 và triển khai thực chiến vào đầu thập niên 2000. Trong gần 10 năm liền, Predator là sự lựa chọn duy nhất của quân đội các nước NATO và đồng minh khác của Mỹ trước khi bị thay thế dần bởi mẫu General Atomics MQ-9 Reaper. Một số nước thành viên NATO hiện vẫn còn chần chừ việc chuyển sang sử dụng Reaper vì giá thành cao quá. Đây chính là cơ hội để những công ty UAV khác nhảy vào thị trường.
Ngành UAV của Israel đang tận dụng tốt cơ hội kể trên. Công ty sản xuất UAV hàng đầu của họ, Israel Aerospace Industries (IAI), đã từng phải chật vật trong suốt thập niên 1990 do không tìm được khách hàng cho mẫu UAV IAI Heron của họ. Vậy nhưng mọi chuyện thay đổi sau khi IAI cho "trình làng" chiếc IAI Heron tại triển lãm hàng không Paris năm 1990. Heron sau đó trở thành mẫu UAV trinh thám bán chạy trên thị trường thế giới và đang được quân đội 15 quốc gia sử dụng, trong đó có cả Việt Nam. IAI còn thiết kế hai mẫu UAV trinh thám dựa trên thiết kế Heron là dành riêng cho Pháp (EADS Harfang) và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay IAI đang tập trung làm marketing mở rộng thị trường cho mẫu IAI Eitan, một loại UAV đa nhiệm vụ hoàn toàn có thể cạnh tranh với Reaper về mặt khả năng và giá cả.
Trong khi nhiều nước châu Âu đang gặp khó khăn trong việc "khai mở" ngành phát triển và sản xuất UAV nội địa, "người hàng xóm" Thổ Nhĩ Kỳ của họ lại đang tận hưởng những thành quả đáng kinh ngạc. Tập đoàn Baykar ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong năm doanh nghiệp sản xuất UAV lớn nhất thế giới. Thành công của Baykar đến từ sự đầu tư "mạnh tay" của Ankara cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân chất lượng cao được dẫn dắt bởi hai anh em Haluk Bayraktar (CEO) và Selcuk Bayraktar (Chủ tịch HĐQT).
Trên thị trường thế giới, mẫu Bayraktar TB2 của Baykar được chú ý bởi mức giá rẻ hơn đối thủ cạnh tranh có cùng khả năng. Chiếc TB2 có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trinh sát lẫn tấn công ở mức giá mà người sử dụng có thể triển khai với số lượng lớn mà không phải lo nghĩ gì về khả năng thiệt hại. Chẳng vậy mà những chiếc TB2 đang xuất hiện với tần suất lớn trên các chiến trường khắp thế giới, từ Syria đến Donbas, hiệu quả trên chiến trường là lời quảng cáo hữu hiệu nhất cho sản phẩm này.
Tuy vậy không thể không nhắc đến một khuyết điểm của những sản phẩm UAV Thổ Nhĩ Kỳ: vẫn còn sử dụng quá nhiều linh kiện ngoại nhập. Ngành UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một số bước tiến vượt bậc trong vòng 20 năm qua, nhưng Baykar và nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa tự sản xuất được các bộ phận như pin, camera theo dõi trên cao, v.v... Bất kỳ trục trặc nào xảy ra với mạng lưới logistics toàn cầu gần như chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành UAV Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra là các động thái chính trị từ phía chính phủ các nước, ví dụ như Canada đã cấm xuất khẩu mẫu WESCAM MX-15D EO/IR camera theo dõi mục tiêu được lắp đặt vào những chiếc TB2. Lý do được đưa ra là Ottawa phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các lãnh thổ của người Kurd ở Syria và can thiệp vào cuộc chiến Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.
Rất ít nhà quan sát nước ngoài nắm rõ các số liệu chính xác về ngành sản xuất UAV của Iran, nhưng quan điểm chung là quốc gia này đang là "tay chơi" lớn trên thị trường. Hai mẫu HESA Shahed 129 và Shahed Saegheh đang được Nga sử dụng trên quy mô lớn tại chiến trường Ukraine. Cả hai loại trên đều dựa trên các mẫu UAV của Mỹ là MQ-1 Predator và Lockheed Martin RQ-170 Sentinel. Khả năng của chúng không bằng với các sản phẩm của Mỹ, đặc biệt trên phương diện tầm bay và mức độ phụ thuộc vào các trạm radar mặt đất. Nhưng giá thành thấp cộng với khả năng cung ứng tốt đang giúp các mẫu UAV Iran cạnh tranh tốt trên thị trường.
Theo nhà nghiên cứu quân sự John McCornell (Mỹ) thì: "Chúng ta có thể nghi ngờ về con số 6.000 UAV Nga bị bắn hạ từ đầu cuộc chiến được phía Ukraine đưa ra, nhưng kể cả khi sự thật chỉ bằng một nửa tuyên bố của họ, đấy vẫn là một chi tiết đáng sợ. Nó cho biết các nhà sản xuất UAV ở Iran có thể cho xuất xưởng sang Nga hàng trăm chiếc máy bay mới dưới dạng sản phẩm toàn vẹn hoặc bộ kit để người Nga tự lắp ráp. Các chỉ huy quân đội Nga sẵn sàng sử dụng UAV thay thế tên lửa dẫn đường để đánh sập cơ sở hạ tầng của Ukraine. Một chiếc UAV như vậy có thể mang 2-4 tên lửa cùng kích thước với mẫu AGM-114 Hellfire của Mỹ. Sau khi đã phóng hết tên lửa rồi, UAV đâm thẳng vào mục tiêu để gây thêm sát thương... Nếu những chiến thuật UAV được Nga sử dụng trở thành "bộ mặt mới" của chiến trường hiện đại thì Iran sẽ nắm lợi thế rất lớn về mặt kinh tế và địa chính trị".
Mong chờ điều gì?
Hiện quân đội tại hơn 80 quốc gia trên thế giới sở hữu UAV trong biên chế, trong khoảng 15 nước là đã dùng UAV trong thực chiến trong vòng 2 năm qua. Các lực lượng này đã rút ra bài học gì từ trên chiến trường? Thứ nhất là giá thành luôn quan trọng nhất. Những chiếc UAV quân sự cỡ nhỏ giá trong tầm 3.000-100.000 euro/chiếc hiện đang bán rất chạy cho các tổ chức quân sự phi chính phủ như Hamas hay Hezbollah. UAV dân sự không bị kiểm soát chặt như UAV quân sự mà lại có thể đảm nhận trách nhiệm trinh sát hay tấn công chỉ với một vài cải biến.
Các công ty quân sự toàn cầu vì thế mà đang dồn sức vào lĩnh vực phát triển thiết bị có thể lắp đặt vào UAV dân sự. Đơn cử như công ty Neger của Brazil đang bán một hệ thống theo dõi UAV có thể dễ dàng tích hợp các mẫu máy bay của bên thứ ba. Cảnh sát Brazil đang sử dụng hệ thống này để theo dõi các nhà tù nhằm ngăn chặn tội phạm tuồn ma túy vào tù. Một ví dụ khác là công ty BHE Bonn Hungary Electronics của Hungary với thiết bị radar kiểm soát chiến trường trên không BXDD. Người dùng chỉ cần lắp thiết bị vào UAV của họ là có thể phát hiện được máy bay không người lái của kẻ thù và thu được những số liệu về kích thước, tốc độ bay và nơi bắt nguồn tín hiệu điều khiển UAV.
Một khía cạnh khác cần nhắc đến là khả năng trang bị vũ khí của UAV quân sự. Nhà quan sát quân sự nào cũng có thể nhận ra rằng UAV đang ngày càng được trang bị thêm nhiều tên lửa. Các nhà sản xuất UAV chắc hẳn sẽ phải nghĩ tới việc thay đổi thiết kế sao cho máy bay của họ có thể được trang bị "tận răng" mà vẫn đảm bảo được tốc độ và tầm bay.
Mặt khác nếu như trước đây UAV do nước nào sản xuất thì chỉ sử dụng được tên lửa của nước đó. Bây giờ UAV phải có khả năng mang được bất kỳ loại tên lửa nào mà người sử dụng có trong kho.
Xu hướng thứ ba là thu nhỏ và thông minh hóa. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang thử nghiệm triển khai mẫu UAV Drone40 của công ty khởi nghiệp DefendTex tại Úc. Mỗi chiếc Drone40 chỉ to bằng cánh tay người đàn ông và mang được nhiều nhất là một quả lựu đạn 40mm. Nhưng điểm mạnh của nó là được trang bị GPS để tự động bay đến mục tiêu, tự thả lựu đạn rồi tự quay về. UAV đang phát triển không chỉ theo hướng thay thế máy bay tiêm kích truyền thống. Ưu thế mấu chốt của UAV là giảm thiểu được cái giá cả về tiền bạc và con người. Nói đơn giản thì DefendTex và nhiều công ty UAV khác chỉ đang tìm cách "tối đa hóa" ưu thế trên mà thôi. Theo lời nhà nghiên cứu John McCornell: "Rất có thể chiến trường trong tương lai sẽ là nơi lúc nào cũng tối đen và ầm ĩ vì hàng nghìn chiếc UAV đi thành đàn đã chiếm lấy bầu trời".
https://antgct.cand.com.vn/Khoa-hoc-Van-Minh/xu-huong-may-bay-quan-su-khong-nguoi-lai-2024-i723928/
Ngày đăng: 15:00 | 02/03/2024
Lê Công Vũ / antgct.cand.com.vn