Trước Tết Đoan Ngọ, người dân trong con hẻm ở quận 8 làm hàng trăm nghìn bánh ú lá tre để bán khiến không khí rộn ràng.
Khoảng ba ngày trước Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch, tức ngày 7/6 dương lịch), gia đình ông Nguyễn Văn Trí (51 tuổi, đường Pham Thế Hiển, quận 8) tất bật gói bánh ú lá tre, loại bánh không thể thiếu trong ngày này của dân Nam Bộ.
"Nghề làm bánh ú lá tre có trong xóm từ trước năm 1975. Xưa cả con hẻm dài đều làm nhưng nay chỉ còn khoảng 20 hộ gói bánh thôi. Cứ gần Tết Đoan Ngọ, cả xóm lại tất bật ngâm gạo, rửa lá, luộc bánh... vui lắm", ông Trí cho biết.
Ông Trí kiểm tra những thau gạo nếp đang ngâm với nước tro. "Gạo phải ngâm trong hai ngày mới thấm cái vị thơm của nước tro. Nhà nào cũng làm vài trăm ký gạo nếp, đậu xanh", ông nói.
Đậu xanh sau khi ngâm được nấu chín với đường, vo thành viên nhỏ để làm nhân bánh.
"Trong mỗi nhân bánh đều cho thêm miếng mứt bí đao cho đậm đà. Nhà nào cũng vo hàng nghìn nhân đậu xanh nên phải làm trước ít nhất một ngày khi gói mới kịp", bà Yến, chủ cơ sở, chia sẻ.
Những bó lá tre được nhập từ Tây Ninh rồi rửa sạch. Lá tre phải xanh bản to, không rách thì gói mới ra chiếc bánh đẹp, có mùi thơm nhẹ.
Phụ nữ thường đảm nhiệm gói còn cánh đàn ông thì luộc bánh, giao hàng... Bánh gói xong được treo trên thanh tre cho dễ buộc thành chùm 60 cái.
"Hầu như nhà nào cũng phải làm hàng nghìn bánh nên nhiều khi phải thuê thêm người gói cho kịp số lượng. Cả năm chỉ có mỗi dịp Tết Đoan Ngọ tất bật, bao nhiêu bánh cũng bán được hết", bà Bảy Xuân cho biết.
Từng chùm bánh được cho vào nồi loại lớn và dùng củi luộc mới thơm ngon. Nước lúc nào cũng phải ngập bánh, mỗi nồi chứa khoảng 500 cái.
Mất khoảng bốn tiếng thì bánh chín, trong thời gian đấy người nấu phải luôn canh để châm nước và thêm củi lửa.
Khắp con hẻm đều đỏ lửa, khói bay nghi ngút, cảnh gói, vớt bánh diễn ra cả đêm trước ngày Tết Đoan Ngọ. Mỗi chùm bánh có giá bán sỉ khoảng 300.000 đồng.
"Bánh ngon là khi ăn thì lá tre vẫn còn xanh, lớp ngoài có màu vàng nhạt còn nhân đậu mềm, có màu nâu của tro. Khi ăn bánh có vị thơm nhẹ, ngọt thanh và dẻo", bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi) chia sẻ.
Chị Phương Hồng Duyên (quận 11) ghé xóm mua 300 bánh ú lá tre về bán. "Tôi chỉ bán trên mạng thôi mà đắt hàng lắm, bao nhiêu bánh cũng có người mua nên năm nay tôi lấy nhiều hơn", chị nói.
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á. Ở Việt Nam, ngày này còn được gọi là Tết giết sâu bọ. Người dân quan niệm, buổi sáng sớm ăn bánh tro, chè, trái cây, rượu nếp thì sẽ giết sâu bọ, bệnh tật trong người.
Quỳnh Trần
Tại sao chúng ta ăn Tết Đoan ngọ?
Theo người xưa, Đoan ngọ là khi mặt trời lên tới đỉnh điểm, là thời khắc tốt nhất để đẩy lùi "quan ôn", dịch bệnh, ... |
Tiệm vịt quay bán gần 2.000 con ngày Tết Đoan Ngọ ở Sài Gòn
Nắm bắt nhu cầu người dân tăng cao, các tiệm bán vịt quay ở Sài Gòn tăng cường nhập hàng về, lên đến hàng nghìn ... |
Ngày đăng: 09:21 | 06/06/2019
/ VnExpress