Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa qua, nhiều đại diện các tập đoàn, DNNN cho rằng cơ chế hiện nay đang có nhiều điểm bó, khiến họ không dám mạnh dạn làm. Những vấn đề DNNN phản ánh tới đây cần gỡ thế nào? Để làm rõ vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Ông Đặng Quyết Tiến |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” (Đề án 360). Vậy Đề án này có những điểm nhấn nào khác trước, để tiến trình tái cơ cấu DNNN đạt được chất lượng, hoàn thành mục tiêu, thưa ông?
Một trong những điểm nhấn của Đề án 360 là khẳng định việc cơ cấu lại DNNN là việc tổng thể với các giải pháp như: cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN, cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài không vực dậy được. Như vậy cổ phần hóa chỉ là một phương thức trong việc tái cơ cấu lại DNNN. Không như trước đây coi tái cơ cấu DNNN chỉ là cổ phần hóa, thoái vốn, bán bớt vốn nhà nước đi, thu tiền về, và chuyển đổi hết để thu gọn DNNN lại.
Lần này thu gọn DNNN là thu gọn có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Đồng thời, vẫn phải duy trì được những DNNN mang tính nòng cốt, góp phần ổn định KTVM, nâng cao năng lực cạnh tranh trong những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực DNNN vẫn đang làm tốt, như lĩnh vực viễn thông, khai khoáng, tài chính…; Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Hiện nhiều DNNN than rằng, các thủ tục, quy trình chờ phê duyệt thường quá lâu, khiến mất đi nhiều cơ hội kinh doanh nên đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, thưa ông?
Một trong những mục tiêu được đặt ra trong Đề án 360 là hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DNNN. Trong đó, tách chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp với chức năng quản lý của chủ sở hữu. Trước đây thì ta tách mới được chức năng của quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu.
Hiện chủ sở hữu vẫn can thiệp vào chức năng điều hành của doanh nghiệp. Chủ sở hữu ở đây là chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, còn hoạt động SXKD là thuộc về quản trị doanh nghiệp, tức là phải do hội đồng thành viên, là do lãnh đạo DN quyết định. Chủ sở hữu vốn nhà nước là nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hiệu quả đồng vốn bỏ ra chứ nếu can thiệp vào hoạt động SXKD sẽ trở thành cản trở.
Do đó lần này, Chính phủ phân cấp phân quyền mạnh hơn, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhưng gắn với trách nhiệm người đứng đầu và gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực từ cơ quan chủ sở hữu, từ các cơ quan quản lý Nhà nước và từ cộng đồng, từ người dân và cả xã hội. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên về phân cấp phân quyền, có vấn đề liên quan đến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
Cũng phải có sự phân cấp mạnh hơn trên cơ sở tổng kết mô hình của Ủy ban, xác định rõ vai trò của Ủy ban - tránh vấn đề Ủy ban chỉ là một cấp trung gian, thêm đầu việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu phân cấp mạnh như Đề án 360 thì vai trò của Ủy ban là giám sát vốn, quản lý hoạt động vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo tiêu chí, đánh giá hiệu quả đồng vốn xem nó tạo ra giá trị gia tăng thế nào, đồng thời giám sát doanh nghiệp hoạt động theo mục tiêu định hướng. Ủy ban là cổ đông lớn, chỉ quyết định về định hướng, còn các vấn đề điều hành liên quan đến SXKD, phê duyệt các dự án… để cho hội đồng thành viên và ban điều hành của doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Một dự án đầu tư đưa ra, khi phê duyệt dự án đó, các bộ quản lý Nhà nước, các bộ chuyên ngành đã có ý kiến tham gia hay thẩm định. Dự án nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì đã trình Quốc hội quyết. Như vậy, khi các bộ đã rà soát, đã thẩm định rồi, dự án được phê duyệt rồi thì việc ra quyết định đầu tư là do doanh nghiệp. Cơ quan chủ sở hữu chỉ đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư và giám sát hiệu quả đầu tư thay vì thẩm định lại, phê duyệt lại dự án. Để Ủy ban hoạt động hiệu lực và hiệu quả, đảm bảo quyền tự chủ hoạt động của DNNN thì phải thay đổi theo cách thức như vậy. Vì vậy, đây chính là một trọng tâm trong hoàn thiện thể chế lần này.
Để phát triển lớn mạnh hơn thì DNNN cũng cần được tăng vốn. Vậy vấn đề này sẽ được tháo gỡ thế nào?
Một trong những mục tiêu quan điểm lần này là khi đã cơ cấu lại rồi thì phải có chính sách hỗ trợ, cần phải đầu tư để doanh nghiệp đó phát triển lớn hơn. Đây là một vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, trong đó có sửa các sửa đổi các quy định tại Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan. Ví dụ, với những ngân hàng đang có vốn Nhà nước - là những DNNN có nhiệm vụ quan trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia - Nhà nước cần đầu tư cho các ngân hàng đó tăng vốn để phát triển mạnh hơn. Những vấn đề như vậy sẽ được đưa vào Luật 69 sửa đổi.
Còn cơ chế tiền lương cho DNNN sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
Đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN hợp lý, có tính cạnh tranh cũng là vấn đề cần hoàn thiện đặt ra trong lần này. Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng và trình quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý DNNN theo nguyên tắc thị trường, gắn với tốc độ tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động SXKD.
Đồng thời, trong giai đoạn này phải xây dựng nghị định chung thay thế nghị định trước đây về tiền lương theo hướng lương hưởng theo đúng thực trạng doanh nghiệp, đảm bảo DN làm ăn hiệu quả có đồng lương xứng đáng. Doanh nghiệp thua lỗ yếu kém phải chịu lương thấp, không thể cùng một bảng lương cứng với doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như hiện nay. Bên cạnh đó sẽ đi sâu cải cách chế độ tuyển dụng, đề bạt cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp…
Đấy chính là những điểm nhấn để cỗ xe DNNN lăn bánh. Khi đã vào đường ray, lăn bánh rồi thì với quy mô và nguồn lực có sẵn, DNNN sẽ lăn bánh nhanh hơn. Lăn bánh nhanh hơn sẽ tạo ra lực kéo theo khu vực doanh nghiệp khác để doanh nghiệp của cả quốc gia phát triển.
Đó chính là tinh thần thể hiện trong Đề án 360.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện
‘Điểm tên" loạt doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nghìn tỷ
Chính phủ điểm mặt những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, âm nặng vốn chủ sở hữu. |
Ngày đăng: 21:04 | 06/04/2022
/ thoibaonganhang.vn