Thông tin này đã được ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) trao đổi tại cuộc tọa đàm “An toàn thương hiệu trong thời đại kinh tế số” tại Hà Nội ngày 30.1.
Theo đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi 400 tài khoản kinh doanh buôn bán, quảng cáo mặt hàng giả, hàng cấm thì Facebook cũng xóa được khoảng 70%.
Đây mới chỉ là bước đầu của một động thái được cho là quyết liệt hơn trước. Và dư luận nói chung, đặc biệt là giới doanh nghiệp và người tiêu dùng, muốn động thái này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn.
“Mặt trận” hàng giả, hàng cấm đi qua những kênh nhập chính ngạch hay tiểu ngạch qua biên giới, cửa khẩu, nhưng khi vào nội địa thì tỏa ra muôn ngã phân phối, kinh doanh; trong đó, kênh phân phối qua mạng đang ngày càng được tận dụng nhiều hơn. Kênh này với “ưu thế” không cần bày biện hay cất giấu tại các sạp, quầy. Còn “bày” hàng trên mạng, cũng đang là khoảng trống về việc kiểm tra của lực lượng chức năng. Chỉ khi nào có khách khớp lệnh thì mới xuất hàng từ kho mang đi giao. Chính vì thế, hàng giả hàng cấm đang tận dụng triệt để kênh bán hàng online, trên đó không chỉ rao bán hàng giả, động vật hoang dã, mà còn cả tiền giả và thậm chí cả vũ khí…
Hàng giả gây ra hậu quả cho doanh nghiệp và cả một nền sản xuất đã đành, mà người tiêu dùng mua phải cũng lãnh đủ. Với những loại hàng giả như thuốc men, thực phẩm, hàng giả ẩn họa nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Kinh doanh online đang trở thành môi trường thuận lợi cho những đối tượng kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng làm ăn, kiếm chác bởi hầu hết trường hợp khách hàng không được tận mắt sờ, ngắm và cảm nhận sản phẩm mà chỉ qua hình ảnh; rồi đa phần phải thanh toán trước, đến khi nhận hàng rồi mà không vừa ý muốn đổi lại cũng là cả một quá trình nhiêu khê.
Theo số liệu của Cục Quản lí cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, số vụ khiếu nại hàng hóa liên quan đến kinh doanh qua mạng chiếm khoảng 10% tổng số khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017. Có không ít trường hợp khiếu nại sản phẩm trên thực tế giao đến người mua hoàn toàn khác với hình ảnh sản phẩm giới thiệu trên online. Đó mới chỉ xét ở khía cạnh hình thức mẫu mã, về chất lượng sản phẩm thì nhiều điều còn đáng bị phiền trách hơn.
Suy cho cùng, những tài khoản Facebook bán hàng giả bị xóa thì các đối tượng có thể lại tiếp tục mở tài khoản mới. Tuy nhiên, với một động thái quyết liệt xử lí, với biện pháp mạnh tay, cũng sẽ có tác động cảnh báo và răn đe, chí ít là đối với những người mua hàng để họ biết điều chỉnh khi quyết định mua hàng hóa, sản phẩm trên online.
CEO \'chợ hàng giả khét tiếng\' Alibaba lên tiếng chống hàng giả
CEO của Alibaba, Jack Ma, đề nghị tống giam những người làm hàng giả trong khi Alibaba được coi là một chợ hàng giả khét ... |
Buôn hàng giả là gây quỹ cho khủng bố
Alastair Gray đã có một bài diễn thuyết cảnh báo cho tất cả mọi người về sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu ... |
Ngày đăng: 16:08 | 31/01/2018
/ https://laodong.vn