Những nạn nhân thoát chết trong vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình, những thân nhân người đã chết đang ngày ngày mệt mỏi hầu tòa. Đúng là vô phúc đáo tụng đình, gian nan tìm công lý.
Mệt mỏi vì hầu tòa
Gần chục ngày nay, việc xét xử các bị cáo trong vụ án làm chết 9 người do tai biến trong chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình một năm về trước đã trở thành sự kiện được giới luật học và giới y khoa đặc biệt quan tâm. Vụ án cũng trở thành tâm điểm cả dư luận.
Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương (giữa) trong vụ sự cố chạy thận nhân tạo khiến 9 người chết ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận
Người ta quan tâm xem, bị cáo Hoàng Công Lương - một bác sĩ trẻ và đầy triển vọng, có thoát tội không; cơ quan bảo vệ pháp luật có bỏ lọt tội phạm không?... Tuy nhiên, điều ám ảnh tôi nhất trong gần chục ngày theo dõi phiên tòa, đó chính là hình ảnh những người nông dân, được xác định là các bị hại trong vụ án.
Ngày nào cũng vậy, người thân của các nạn nhân bị tử vong và những người may mắn thoát lưỡi hái tử thần đều đến Tòa từ rất sớm. Họ là những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng, người con, người bà con thân thích của những người đã mất, có người vượt mấy chục cây số, khăn gói đến tòa.
Bà Bùi Thị Vân, trú tại xóm Ót, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết, từ khi toà án có giấy mời, ngày nào bà cùng người thân cũng phải đến tòa từ sáng sớm đến chiều. Sau khi may mắn thoát chết, sức khỏe của bà đã suy giảm trông thấy.
Trước sự cố, mỗi tuần bà chạy thận 2 lần. Bên cạnh đó bà vẫn đi làm cỏ ngô, cỏ lúa, đi gặt hoặc trông cháu. Nhưng sau khi may mắn thoát chết, bà phải chạy thận tuần 3 lần, sức khỏe giảm sút nên giờ bà không thể tham gia công việc đồng áng được nữa.
Vì sức khỏe giảm sút, lại phải tăng lên 3 lần 1 tuần nên có khi bà ở liền dưới thành phố tới 3 tuần mới về nhà 1 lần. Có lúc mệt đến mức đầu gối rủn ra, không bước nổi. " Nhiều lúc tôi nghĩ nếu hôm đó chết đi lại sướng, chứ sống thế này khổ lắm" - bà than.
Cũng theo bà Vân, "suốt tuần qua tôi cùng người nhà ngày nào cũng phải chầu chực tại tòa án. Tiền chi phí xe cộ đi lại, tiền thuê ăn uống, tiền thuê ngủ trọ, đều rất tốn kém. Đó là chưa kể đợt năm ngoái khi sự cố xảy ra, tôi được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai để điều trị thì người nhà tôi cũng phải xuống phục vụ cả chục ngày trời".
Bà Vân cũng cho biết, đa số bệnh nhân chạy thận như bà đều là nông dân, bao năm điều trị đã nghèo xơ nghèo xác, thêm vụ điều trị tại bệnh viện Bạch Mai và vụ hầu tòa này, càng thêm khó khăn.
Ấy vậy mà cả năm trời, mới chỉ nhận được 2 triệu tiền hỗ trợ của Bệnh viện, còn bao nhiêu chi phí thì gia đình bà đều phải lo trang trải.
Khi được hỏi là bà có ước tính được mức thiệt hại là bao nhiêu và đề nghị được bồi thường bao nhiêu thì bà chỉ biết nói: "Tôi nào có biết thiệt hại bao nhiêu, tòa cho được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu thôi"! Nghe bà nói mà thấy xót xa, tính mạng và sức khỏe của mình bị xâm hại đến vậy mà cũng chỉ trông chờ xem: "Tòa cho được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu".
Những người dân chân chất lần đầu tiên “đáo tụng đình”’ cũng là cực chẳng đã. Họ phải kéo nhau ra tòa vì người thì đã mất mà cả năm trời Bệnh viện cứ nhùng nhằng cái việc bồi thường.
Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai
Sau 4 ngày xét hỏi đối với các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ngày thứ 5 của phiên tòa, hội đồng xét xử chuyển sang xét hỏi các vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự.
Người đầu tiên được mời lên bục xét hỏi là bà Bùi Thị Căn, vợ ông Bùi Văn Pơi - người đã tử vong trong vụ chạy thận. Người đàn bà cả đời chỉ biết nương rẫy, trỉa ngô, làm cỏ, nuôi lợn, thả gà, lần đầu tiên đứng trước công đường, dù là để đòi quyền lợi cho mình, nên lúng túng như gà mắc tóc.
Bà Bùi Thị Căn đứng im trước các câu hỏi dồn dập của hội đồng xét xử (ảnh: H.H)
Khi vị thẩm phán hỏi về những chi phí ma chay, tang lễ, bà đều không biết trả lời ra sao. Vậy bà yêu cầu bồi thường những gì? Bao nhiêu? Tôi không biết, chỉ xin được bồi thường để trả nợ nần do vay mượn lo ma chay, đám xá, đi lại,...
Điều khiến nhiều người trong phòng xử án thương người đàn bà này nhất là lúc bà cứ đứng đực người ra, không biết trả lời thế nào khi vị thẩm phán bắt bà trình bày xem cái phong tục tập quán đi vía thông gia là gì mà lại đòi bồi thường.
Bà Căn lúng túng mãi không biết giải thích thế nào nên đành đứng im cho đến lúc hội đồng xét xử cho về chỗ ngồi.
Không chỉ người ít được giao tiếp như bà Căn lúng túng, mà ngay cả một người được học hành như chị Chiến – con gái của nạn nhân Lê Thị Chung - hiện đang là cán bộ ban Quản lý dự án huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) cũng không ít lần phải định thần mới trả lời được những câu hỏi nhát gừng, không chủ, không vị, không đại từ nhân xưng của thẩm phán Vũ Duy Tuấn.
Xin nói thêm là trong suốt mấy ngày xét hỏi, cái kiểu hỏi nhát gừng, kẻ cả với các từ biểu cảm “ừm, ừm” của vị thẩm phán này khiến nhiều người rất khó chịu.
Đặc biệt là đối với các bị hại và người nhà của họ, vừa trải qua những mất mát, người mất thì cỏ đã xanh mộ mà người thân vẫn phải lặn lội chốn công đường, người may mắn thoát chết thì sức khỏe đang dần suy yếu. Và dường như các mà họ "bị hỏi" dường như thiếu hẳn đi lòng trắc ẩn, hay sự cảm thông.
Họ không phải đến công đường để xin xỏ, mà họ đến để đòi công lý và quyền lợi chính đáng của mình và người thân.
Những người dân chân chất lần đầu tiên “đáo tụng đình”’ cũng là cực chẳng đã.
Xin đừng làm thêm một lần thất vọng.
Tòa bất ngờ công bố chứng cứ mới khi xét xử Hoàng Công Lương
Sau khi luật sư cung cấp đoạn ghi hình cuộc nói chuyện của lãnh đạo bệnh viện về hợp đồng ký với Công ty Thiên ... |
Vụ án Hoàng Công Lương \'có thể oan sai vì vắng cựu giám đốc\'
Luật sư cho rằng, vụ án đi vào bế tắc và kéo dài khi không mời được nguyên giám đốc Trương Quý Dương đến toà. |
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án
Luật sư bào chữa cho Trần Văn Sơn cho rằng thân chủ của họ không có hợp đồng lao động tại bệnh viện, do đó, ... |
Ngày đăng: 10:00 | 25/05/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn