Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 9/2 đề nghị TP HCM cần xét nghiệm kháng thể thật nhanh nhóm nhân viên bốc xếp hàng hóa ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM. Theo ông Sơn, TP HCM cần quy định thời gian lấy mẫu xong bao lâu phải có kết quả, tránh để mẫu lâu quá một ngày, không theo kịp sự lây lan của virus. Việc đẩy nhanh xét nghiệm còn góp phần giúp lý giải tại sao F1 âm tính mà F2 lại dương tính. Các xét nghiệm tại TP HCM hiện tiến hành theo phương pháp RT-PCR có giá trị khẳng định, tuy nhiên thời gian có kết quả hơi lâu, nhanh nhất trong một ngày.

Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng nCoV.

Xét nghiệm này thường chỉ định cho các trường hợp sau hai tuần bị phơi nhiễm, thời gian đủ để cơ thể sản xuất ra kháng thể. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh nhưng nếu làm sớm trong hai tuần đầu khi cơ thể chưa sinh ra kháng thể thì kết quả vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm nCoV. Trong trường hợp kết quả dương tính, cũng không thể xác định được kháng thể được sinh ra trong lần nhiễm gần đây hay lần nhiễm trong quá khứ. Khi đó, cần làm bổ sung xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.

Do đó xét nghiệm kháng thể mang ý nghĩa sàng lọc nhanh nhưng không khẳng định, mà cần xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR.

Thứ trưởng Sơn đánh giá dịch ở TP HCM lần này so với Đà Nẵng từ tháng 7/2020 có sự khác biệt. Dịch ở Đà Nẵng tấn công các bệnh viện, đầu não ngành y tế, khiến hệ thống y tế suy yếu rất nhiều.

"TP HCM lần này rất tỉnh táo trong công tác phát hiện, đặc biệt chủ động phát hiện nguồn từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sân bay Vân Đồn bùng phát ổ dịch", ông Sơn nói. Thứ trưởng cho rằng thành phố đã truy F1, F2 quyết liệt. Tuy nhiên, cần tăng cường truy vết, đẩy nhanh các biện pháp kỹ thuật để đánh giá bệnh phát từ lúc nào, ai đã mắc, đã hết bệnh chưa, lây cho những ai.

0922 23
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông đề nghị các đơn vị TP HCM nâng mức đáp ứng lên cao nhất trong công tác điều trị, xét nghiệm, xây dựng cơ chế phối hợp. Thành phố cũng cần tăng cường đoàn kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung, khu cách ly y tế, khu phong tỏa của thành phố... trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tính đến ngày 9/2, tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận 7 trường hợp mắc Covid-19 cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay. Ngoài 7 trường hợp này, ghi nhận 25 trường hợp nhiễm liên quan đến nhân viên sân bay chiều qua được Bộ Y tế công bố với mã số bệnh nhân từ 2014 đến 2038.

Hôm 29/1, ngay khi nhận được thông tin có sự lây nhiễm tại sân bay Vân Đồn, Ban chỉ đạo TP HCM đã họp khẩn. Nhận định nguy cơ của sân bay là rất lớn, CDC TP HCM quyết định thực hiện lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 30/1. Kết quả, đã xét nghiệm tổng cộng 8.130 mẫu và phát hiện các trường hợp nhiễm nêu trên.

"Dù chưa phát hiện lây nhiễm ở các nhân viên trong sân bay phục vụ có tiếp xúc với hành khách, nhưng đây được xem là diễn biến ổ dịch khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu", ông Dũng đánh giá. Các chuyên gia nhận định dịch có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng thời gian tới.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết thành phố hiện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế trên toàn địa bàn, thực hiện phòng chống dịch với phương châm thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động. TP HCM đảm bảo dự trữ đầy đủ các test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan y tế trung ương đóng trên địa bàn thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu trong 24 giờ.

Hiện TP HCM lấy mẫu giám sát lần hai đối với nhân viên Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam, triển khai xét nghiệm hàng ngày đối với nhân viên sân bay phục vụ hành khách trước khi vào ca làm việc hôm sau.

Tổ thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 ở TP HCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, người từng điều hành chống dịch ở Đà Nẵng, đứng đầu, được thành lập ngày 9/2.

Như vậy, 5 ngày qua, TP HCM ghi nhận 31 ca nhiễm và 2 ca nghi nhiễm chưa được Bộ Y tế định mã số bệnh nhân, trong đó một ca liên quan cụm dịch Hải Dương, còn lại liên quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Thêm hai nhân viên Tân Sơn Nhất nghi nhiễm nCoV Thêm hai nhân viên Tân Sơn Nhất nghi nhiễm nCoV

CDC TP HCM sáng 9/2 ghi nhận hai ca nghi nhiễm sau khi xét nghiệm giám sát 830 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.

TP.HCM cách ly 660 người liên quan 29 nhân viên Tân Sơn Nhất mắc COVID-19 TP.HCM cách ly 660 người liên quan 29 nhân viên Tân Sơn Nhất mắc COVID-19

Tối 8/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã truy vết và cách ly 660 người liên quan 29 ca mắc ...

Ngày đăng: 15:20 | 09/02/2021

/ vnexpress.net