Trong tiềm thức của người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây- Hà Nội), ao cá Bác Hồ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là "di sản" của làng cổ Đường Lâm. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy nuối tiếc, bức xúc vì ao cá đang bị lấn chiếm.

Ao cổ bị... "thắt cổ chày"

Ao cá Bác Hồ (giáp ranh thôn Mông Phụ - Đoài Giáp) thuộc khu di tích Làng cổ Đường Lâm có diện tích hơn 19.000 m2, được người dân trong xã hiến đất nhập thành.

Ông Cát Mạnh Hoà (78 tuổi, thôn Đoài Giáp) cho hay, để ghi nhớ công ơn của Bác, những năm 1960-1961, có 9 hộ gia đình ở Đường Lâm (trong đó có gia đình của ông) đã nhường ao, hiến đất để nhập thành một ao lớn mang tên ao cá Bác Hồ.

“Chúng tôi về tận Ao cá Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch để rước cá về làm giống. Thời điểm đó, người dân đến xem đông như trẩy hội, ai cũng phấn khởi. Thế nhưng, bây giờ ao cá Bác Hồ không còn hiện trạng như xưa, đã bị một số cá nhân “xẻ” để xây dựng nhà cửa”, ông Hoà bức xúc.

xe thit ao ca bac ho o lang co duong lam
Ông Cát Mạnh Hoà. Ảnh: PV

Một hộ dân khác cũng tình nguyện hiến đất nhập ao là gia đình bà Cao Thị Minh (thôn Đoài Giáp – xã Đường Lâm). Bà Minh chia sẻ, khi địa phương có chủ trương làm ao cá Bác Hồ, gia đình bà hưởng ứng ngay, lập tức hiến đất để nhập thành ao lớn.

“Ao cá Bác Hồ ngày đó, trong ký ức của tôi rất thiêng liêng, là niềm tự hào của người dân làng cổ Đường Lâm. Ao rộng hơn 19.000 m2, hình chữ nhật, nhưng bây giờ bị lấn chiếm, trở thành hình “thắt cổ chày”. Đất của các gia đình chúng tôi tình nguyện hiến tặng để làm ao cá Bác Hồ, nay người ta lại ngang nhiên chiếm dụng làm của riêng"- bà Minh bức xúc.

Biến một góc ao làng thành của nhà mình

Nói về việc ao cá Bác Hồ bị chiếm dụng, ông Phan Văn Bản - nguyên là cán bộ làm công tác Mặt trận thôn Mông Phụ, cho hay, thời kỳ những năm 1990, chính quyền địa phương bắt đầu cho các cá nhân thầu ao để thả cá, làm kinh tế, một trong số cá nhân đó có ông Hà Cao Trung - là cán bộ xã thời điểm đó.

Khi nhận thầu, ông Trung đã xây dựng nhà trên bờ ao. Thời điểm đó, ông Cát Xuân Mới (thôn Đoài Giáp) đã làm đơn kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra xã Đường Lâm. Giải trình về việc này, ông Trung đã trình ra một giấy lưu không mang tên ông Hà Văn Minh (là em trai ông Trung) với nội dung là được đồng ý cắm đất do ông Tạ Thụy - Chủ tịch xã thời đó ký, nhưng nội dung cắm đất ở khu vực nào thì không rõ ràng.

xe thit ao ca bac ho o lang co duong lam
Người dân xã Đường Lâm bức xúc vì ao cá Bác Hồ bị chiếm dụng. Ảnh: PV

"Từ khi ông Trung có tờ giấy lưu không đó, ngôi nhà ở của ông Trung nghiễm nhiên trở thành hợp pháp. Năm 2009, ông Trung được chính quyền cấp sổ đỏ cho mảnh đất trên bờ ao cá Bác Hồ. Khi được làm sổ đỏ, ông Trung đã xây lấn ra ao cá Bác Hồ khoảng 1000m2, tách một góc ao làng thành của riêng nhà mình. Từ đó đến nay, ông Trung xây nhà rất to và quây rào chắn kiên cố cả một góc ao làng", đơn kiến nghị của người dân nêu.

Phía bờ ao đối diện nhà ông Trung xuất hiện gia đình ông Năm Mây (người thân của ông Trung) mua một mảnh đất bên bờ ao, đóng cọc, đổ đất, xây dựng nhà cửa rồi đổ đất, lấn đất ao làng. Diện tích lấn chiếm ước chừng khoảng 1000 m2.

Năm 2017, trong dự án cải tạo Ao cá Bác Hồ của địa phương có xây dựng một con đường nhỏ bao xung quanh ao để làm không gian tập thể dục cho người dân. Thế nhưng, con đường này uốn lượn bên ngoài góc ao của ông Hà Cao Trung đã xây dựng trái phép từ việc cắt bớt một góc ao của làng, dự án cũng "lờ" đi diện tích đất mà gia đình ông Năm Mây đã chiếm dụng.

xe thit ao ca bac ho o lang co duong lam
Hình dáng, diện tích của Ao cá Bác Hồ không còn như trước. Dự án cải tạo này không biết vô tình hay hữu ý “hợp thức hóa” sự chiếm dụng một phần Ao cá Bác Hồ của những người nêu trên. Ảnh: PV

Bức xúc trước tình trạng này, hàng chục hộ dân làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt kí vào đơn đệ trình lên các cấp chính quyền, đề nghị vào cuộc giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công, "biến của công thành của riêng" đang diễn ra tại khu vực Ao cá Bác Hồ; Đề nghị trả nguyên hiện trạng Ao cá Bác Hồ, để người dân Đường Lâm đồng lòng bảo vệ di sản, giữ gìn cảnh quan cho di tích quốc làng cổ Đường Lâm.

Sự việc này đã nhiều lần được đề cập đến tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân, chính quyền địa phương cũng đã nắm được tình hình.

Theo tìm hiểu của Lao Động, trong văn bản số 161 gửi Thanh tra thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây ngày 30.1.2019, UBND Thị xã Sơn Tây khẳng định - quá trình kiểm tra diện tích thửa đất tại Ao cá Bác Hồ (thôn Mông Phụ) có diện tích hơn 19.000 m2, hiện nay đang bị một số hộ dân lấn chiếm, đề nghị xử lý sai phạm (nếu có).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến trình kiểm tra, xử lý như thế nào vẫn là dấu chấm hỏi đối với người dân làng cổ.

Theo tìm hiểu của Lao Động, trong văn bản số 161 gửi Thanh tra thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây ngày 30.1.2019, UBND Thị xã Sơn Tây khẳng định - quá trình kiểm tra diện tích thửa đất tại Ao cá Bác Hồ (thôn Mông Phụ) có diện tích hơn 19.000 m2, hiện nay đang bị một số hộ dân lấn chiếm, đề nghị xử lý sai phạm (nếu có).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến trình kiểm tra, xử lý như thế nào vẫn là dấu chấm hỏi đối với người dân làng cổ.

Nhóm PV

xe thit ao ca bac ho o lang co duong lam "Xẻ thịt" ao cá Bác Hồ ở làng cổ Đường Lâm

Trong tiềm thức của người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây- Hà Nội), ao cá Bác Hồ có ý nghĩa đặc biệt ...

Ngày đăng: 21:49 | 16/05/2020

/ laodong.vn