Theo dự kiến của TAND TPHCM, vào ngày 8.1.2018 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn hai có liên quan đến những “đại gia” như Trầm Bê, Phan Huy Khang và số người tòa triệu tập lên đến gần 200 người.
Gần 200 người được tòa "mời" là ai?
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TPHCM, sáng 8.1, phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam – VNCB) giai đoạn hai sẽ diễn ra và dự kiến kéo dài đến ngày 7.2. Đây là vụ án có số người được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng lên đến con số gần 200 người.
Đặc biệt, trong số những người được tòa mời đến tham dự phiên tòa giai đoạn hai này, có những ông như Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV), bà Hứa Thị Phấn (tức bà Sáu Phấn)…
Vụ án Phạm Công Danh giai đoạn hai bị truy tố xét xử tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Phạm Công Danh và 45 đồng phạm ra tòa lần này liên quan đến hàng loạt ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam. Trong 46 bị cáo, có bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank).
Với giai đoạn hai vụ án Phạm Công Danh, theo cáo trạng truy tố của cơ quan tố tụng, từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lấy 29 pháp nhân của 29 công ty do chính Phạm Công Danh thành lập để dùng 29 hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng là Sacombank, TPbank và BIDV. Để vay được tiền của 3 ngân hàng này, Phạm Công Danh dùng “chiêu” mang tiền của VNCB gồm hơn 6.600 tỷ đồng gửi vào các ngân hàng nêu trên rồi cầm cố (tài sản thế chấp cho 29 công ty của Danh) nhằm vay tiền của 3 ngân hàng rồi lại rút tiền ra tiêu xài. Hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho chính ngân hàng do Danh làm quản lý là VNCB, thiệt hại lên đến hơn 6.100 tỷ đồng.
Cũng theo truy tố của VKS, mặc dù biết Phạm Công Danh không được vay tiền tại VNCB, nhưng ông Trầm Bê và Phan Huy Khang giúp sức cho Danh rút tiền của VNCB bằng cách mang tiền từ chính VNCB rồi đi gửi tại Sacombank sau đó dùng hồ sơ khống của các công ty vay tiền Sacombank. Đến hạn trả tiền theo hợp đồng, Phạm Công Danh không thực hiện trả nợ tại Sacombank, nên Sacombank thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo vay bằng chính khoản tiền bảo lãnh của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.
Tương tự, tại ngân hàng khác, trong số tiền vay gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng, thì Phạm Công Danh cũng dùng “chiêu” như tại Sacombank, dùng hồ sơ khống, vay bằng khoản tiền của chính VNCB gửi để thế chấp, sau đó chính VNCB bị thiệt hại vì Phạm Công Danh không trả nợ, nên số tiền là tài sản đảm bảo vay bị các ngân hàng cho vay xử lý thu hồi nợ.
Thiệt hại “khủng”… và hình phạt 30 năm tù
Nhắc đến Phạm Công Danh, VNCB, dư luận bức xúc về số tiền gây thiệt hại lên đến hơn 9.000 tỷ đồng mà TAND TPHCM và cuối tháng 1.2017 TAND Cấp cao tại TPHCM đã xét xử. Vụ “đại án” Phạm Công Danh gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng được TAND TPHCM xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, đối với Phạm Công Danh 30 năm tù về 2 tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Chưa hết, Phạm Công Danh còn liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương – Oceanbank) gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng và bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vào hồi cuối tháng 8 năm ngoái (2017).
Như vậy, với phiên tòa xét xử Phạm Công Danh giai đoạn hai, cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng sắp diễn ra đầu năm nay (2018), với khung truy tố tội danh cho Phạm Công Danh như nêu trên thì tổng hợp các hình phạt từ nhiều vụ án do Phạm Công Danh gây ra với số tiền thiệt hại cực lớn là hơn 15.600 tỷ đồng nhưng lãnh chung hình phạt vẫn là… 30 năm tù.
Trong "đại án" Phạm Công Danh, VNCB, dư luận cũng biết đến những đồng phạm với Phạm Công Danh, đó là những con người làm công ăn lương và bị chính Phạm Công Danh lợi dụng để đứng tên làm giám đốc hàng loạt công ty nhằm lập hồ sơ khống vay tiền. Phải nói đến những phiên tòa lần trước xét xử Phạm Công Danh, những bị cáo làm công ăn lương, như lái xe, bảo vệ rồi bỗng dưng được làm giám đốc công ty, họ ngậm ngùi, chua xót khai rằng được nhờ làm giám đốc, bảo ký hồ sơ chứ chẳng biết gì hành vi của Phạm Công Danh, đến khi bị Cơ quan điều tra làm việc, mới hay mình phạm pháp.
Hàng loạt người làm công ăn lương bị Phạm Công Danh đẩy vào tù tội, đều cho rằng mỗi tháng làm giám đốc chỉ hưởng chục triệu đồng, trong khi họ ký hồ sơ vay tiền tỷ, tiền trăm tỷ đồng nhưng không hưởng lợi mà tất cả đều đổ dồn về cho Phạm Công Danh.
Trong lần xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn hai sắp diễn ra cũng vậy, rất nhiều bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng ký cho vay theo chỉ đạo của cấp trên, họ cũng chẳng ai khác là những con người làm công ăn lương, nói trắng ra là họ những con người làm thuê và bị vướng vào lao lý do chính những ông chủ làm ăn vi phạm pháp luật.
Ông Trầm Bê bị truy tố đến 20 năm tù
Cựu chủ tịch Sacombank, ông Phạm Công Danh và 44 người bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. |
Những điều trái khoáy trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
Để có tiền để tăng vốn điều lệ cho VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn cũng ... |
Ngày đăng: 15:58 | 07/01/2018
/ https://laodong.vn