Thế độc chiếm của dịch vụ xe ôm công nghệ tại thị trường Việt Nam đang dần bị phá dỡ từ tháng 7.2018 khi hai ứng dụng đặt xe mới là Go-Viet (với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của “đại gia” Go-Jek của Indonesia) và FastGo (Việt Nam) từ thử nghiệm đi đến chính thức cung cấp dịch vụ.
Thời gian gần đây nhiều tài xế đối tác GrabBike chạy sang Go-Viet và FastGo. |
Hết “một mình một chợ”
Khi Uber sáp nhập vào Grab, Grab cũng không tiếp nhận hết số tài xế UberMOTO, vì thế không ít tài xế Uber chạy sang ứng dụng VATO (Việt Nam). Tuy nhiên, VATO đã không chớp được thời cơ phát triển, cho tới thời điểm này gần như hết cơ hội. Song, người tiêu dùng cũng không phải chờ quá lâu. Chỉ sau khoảng 3 tháng, hai ứng dụng mới là GoViet và FastGo chính thức tham gia thị trường. GoViet đang tung ra dịch vụ xe ôm Go-Bike tại TPHCM với giá 5.000 đồng/cuốc (dưới 8km, xuất phát từ Quận 1); trong khi đó, FastGo với dịch vụ FastBike đã triển khai tại Hà Nội và TPHCM cũng tung ra cả chục nghìn suất 0 đồng cùng với tặng mã khuyến mãi, tặng tiền cho khách hàng...
Trên thực tế khi Grab “một mình một chợ” thì hệ lụy cũng nảy sinh: Nhiều tài xế nhận được cuốc xe hằng ngày ít đi vì lượng tài xế tăng lên đáng kể, dẫn đến thu nhập giảm xuống. Trong khi đó, một bộ phận tài xế cậy thế độc chiếm thị trường nên trở tính chảnh chọe, nhận cuốc rồi không thèm đón khách hoặc từ chối cuốc đặt xe dùng mã khuyến mãi v.v… Tình trạng này khiến chính Grab phải đau đầu và Cty đã đưa ra một số chính sách để giải quyết nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
“Cuộc chiến kim tiền”
Chỉ ở mảng dịch vụ xe ôm công nghệ cũng đã thể hiện đỉnh điểm của một “cuộc chiến kim tiền” đang diễn ra. Go-Viet và FastGo đang áp dụng chế độ thưởng khá hậu hĩnh cho các tài xế chạy nhiều cuốc/ngày giúp không ít bác tài có thu nhập 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí hơn 1 triệu đồng mỗi ngày. Những cuốc xe 0 đồng của FastGo và 5.000 đồng của Go-Viet đang thu hút người dùng đến với hai thương hiệu này càng giúp cho giới tài xế có thêm cơ hội được thưởng. Đơn cử FastGo, tài xế chạy từ 5-20 cuốc/ngày sẽ được thưởng từ 50.000-400.000 đồng. Cùng với chính sách không thu chiết khấu %, tài xế FastBike chạy 20 chuyến/ngày có tổng thu nhập có thể lên đến gần 2 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, Go-Viet đưa ra chính sách thưởng 220.000 đồng/ngày cho những tài xế thực hiện được 13 cuốc xe/ngày.
Theo công bố mới đây của FastGo, ứng dụng này đã thu hút hơn 10.000 tài xế từ Grab (tính cả tài xế UberMOTO) chuyển qua và cũng đã hoàn thành 10.000 cuốc xe ôm giá 0 đồng. Cho dù Go-Viet chưa công bố cụ thể số tài xế hiện tại nhưng chắc chắn rằng hai “lính mới” đang giành giật dữ dội tài xế Grab bằng các chính sách thưởng và ưu đãi chiết khấu hậu hĩnh hơn. “Cuộc chiến kim tiền” đang diễn ra nhằm giành giật tài xế xe ôm công nghệ, thị phần cũng như quảng bá thương hiệu nhưng dường như không có chỗ cho các ứng dụng yếu thế khác như ABER, T.NET, VATO… Với Grab, ứng dụng này đã phải đối phó lại với Go-Viet và FastGo bằng cách tung ra những chương trình thưởng cho tài xế GrabBike và cả GrabCar đồng thời khuyến mãi cho khách hàng những cuốc xe ôm dưới 5km miễn phí tại một số quận nội thành TPHCM.
Xét ở góc độ tiềm lực tài chính, hiện Grab vẫn có lợi thế hơn hai đối thủ nhờ những vòng gọi vốn gần đây đã huy động được cả chục tỉ USD nhằm thực hiện chiến lược “siêu ứng dụng” (Super App) trên toàn khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Go-Jek cũng có một khoảng ngân sách lên đến 500 triệu USD để mở rộng thị trường ra Việt Nam, Thái Lan… Riêng FastGo mới gọi vốn được 2,5 triệu USD và đang kỳ vọng có thể huy động tiếp lên đến 50 triệu USD trong thời gian tới. “Cuộc chiến” xe ôm công nghệ đang là “cuộc đấu” của kim tiền và không có chỗ cho những ứng dụng thiếu chỗ dựa vững mạnh về tài chính.
Go-Jek có gì để cạnh tranh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Là một trong những startup trị giá tỷ USD của khu vực, Go-Jek đã chính thức tiến đánh các thị trường lân cận ngoài sân ... |
Cuộc đua mới của xe ôm công nghệ ở Sài Gòn
5.000 đồng một chuyến đi dưới 8 km, Go-Viet đang hút một lượng lớn khách hàng. Tài xế cũng đổ về vì ưu đãi. Trong ... |
Grab sắp đón một loạt đối thủ xe công nghệ tại thị trường Việt Nam
Go-Jek vừa tuyên bố đầu tư vào thị trường Việt Nam với số tiền hàng trăm triệu USD. Một ứng dụng thuần Việt là ABER ... |
Ngày đăng: 16:06 | 28/08/2018
/ https://laodong.vn