Xe chở khách ghép, tiện chuyến là hoạt động bất hợp pháp nhưng đang hoạt động khá công khai và quảng cáo rầm rộ trên các trang web, mạng xã hội.
Điều đáng nói, các loại xe làm dịch vụ này không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không được cấp phù hiệu, biển hiệu... nên gây ra nhiều hệ lụy cho lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng như việc bảo đảm an toàn cho hành khách.
Gọi xe ghép, tiện chuyến không khó...
Đang đau đầu tìm kiếm các chuyến xe khách chạy từ Hà Nội về Thái Nguyên nhưng không ưng ý, anh Lê Văn Tiến ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) được bạn "mách nước" gọi xe ghép của một tài xế quen. Sau đó, anh Tiến gọi đến số điện thoại 0915783… và đăng ký thành công chuyến đi vào lúc 7h sáng 28-11 với giá 150.000 đồng cho quãng đường di chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên.
Chị Hoàng Nguyên Hạnh ở phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) cũng cho biết, chị được giới thiệu vào nhóm Facebook "Hội Xe tiện chuyến - xe ghép - xe hợp đồng" đi Hải Phòng. Hội nhóm này thường chào giá mỗi lần đi xe 4 chỗ có giá trung bình 250.000-300.000 đồng/người/chuyến; nếu đi xe "dịch vụ 5 sao" thì có giá 400.000-500.000 đồng/người/chuyến.
Tìm hiểu giao dịch tại nhóm "Hội Xe tiện chuyến - xe ghép - xe hợp đồng", phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận đây là kênh bán vé, giao dịch sôi động nhất về loại hình xe ghép, xe tiện chuyến. Các cung đường từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại khá đa dạng các loại xe từ 4 chỗ đến 7 chỗ.
Theo lái xe Nguyễn Văn M., chuyên lái xe tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, từ khi làm dịch vụ lái xe ghép, thu nhập của anh ổn định hơn với lượng khách đều đặn 2 chuyến mỗi ngày từ Thái Nguyên về Hà Nội và ngược lại. Dù biết việc này là không đúng quy định nhưng do thu nhập khá nên anh M. vẫn... làm liều.
Có nhiều cách để tìm kiếm dịch vụ ghép xe như trên Google, Facebook, Zalo…, để lựa chọn, đặt các chuyến xe thuận tiện nhất. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi cung đường có mức giá khác nhau nhưng nhìn chung rẻ hơn so với gọi xe công nghệ hoặc thuê xe hợp đồng mà vẫn được đi xe cá nhân, vừa sạch sẽ, tiện dụng lại không bị đi lòng vòng như xe khách. Chẳng hạn, tuyến Hà Nội - Tuyên Quang có giá trung bình 200.000-250.000 đồng/người/chuyến; Hà Nội - Thái Nguyên là 150.000 đồng/người/chuyến; Hà Nội - Nam Định là 150.000-200.000 đồng/người/chuyến; Hà Nội - Hải Phòng 250.000-400.000 đồng/người/chuyến.
Khó khăn trong xử lý vi phạm
Các xe ô tô cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn nhận chở ghép khách và thu tiền mà không nộp thuế là hoạt động chui, vi phạm theo quy định tại Điều 25, Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an ngày 16-6-2020 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cụ thể, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải. Như vậy, các phương tiện không có biển số nền màu vàng mà chở khách đều vi phạm theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, do tiện ích, giá rẻ so với các phương tiện vận tải khác nên nhiều người vẫn thỏa hiệp với sai trái và sử dụng dịch vụ xe chở khách ghép, tiện chuyến. Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), có thực tế là nhiều hành khách khi bị tra hỏi đã nói dối rằng họ là người nhà đi cùng tài xế. Ngoài ra, các tài xế có nhiều chiêu trò né tránh vi phạm như hoạt động vào khung giờ cao điểm hoặc đi vào khung giờ mà lực lượng chức năng ít xuất hiện.
“Thông thường, các xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình, còn với xe cá nhân dù bị phát hiện chở khách sai quy định nhưng lực lượng chức năng không thể kiểm tra hành trình hoạt động nên gặp khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm”, Trung tá Trần Quang Vinh cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc giao dịch giữa lái xe và khách hàng đều thông qua các trang mạng xã hội nên rất khó xử lý vi phạm. Do đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm hành vi giao dịch chở khách ghép diễn ra trên không gian mạng.
Thực tế thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố phải tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng các vi phạm nêu trên vẫn diễn ra và hoạt động công khai. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tổng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm vi phạm, trong đó bao gồm cả các trường hợp quảng cáo dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến trên không gian mạng.
https://hanoimoi.vn/xe-cho-khach-ghep-tien-chuyen-ram-ro-cong-khai-kem-he-luy-649519.html
Ngày đăng: 08:41 | 30/11/2023
Nhóm phóng viên / HNM.com.vn