Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương sau khi ngưng thu phí thì xe tải, container (loại xe ít vào đây khi còn thu phí) tăng vọt, gây quá tải và nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao
Ngày 24-1, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ) - đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Trung Lương, cho biết sau khi ngưng thu phí trên đường cao tốc này từ ngày 1-1, lưu lượng xe qua đây liên tục gia tăng, hiện đã cao hơn từ 20%-25% so với thời gian còn thu phí, nhiều nhất là xe tải và container. Trong khi đó, chuẩn bị vào thời gian cao điểm Tết nguyên đán 2019, lưu lượng phương tiện dự báo tiếp tục gia tăng khiến giao thông trên tuyến đường này càng thêm căng thẳng.
"Bò" trên cao tốc
Trong suốt 2 ngày có mặt trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, chúng tôi ghi nhận đủ loại xe lưu thông lên tuyến này ở cả 2 hướng từ TP HCM về miền Tây và ngược lại. Trong đó, lượng xe tải tăng đột biến và không ít xe đã cũ, chở hàng nặng nên như "bò" trên đường. Nhiều xe còn dàn thành hàng ngang khiến các phương tiện phía sau không thể vượt và bị chậm lại, bóp còi inh ỏi, giao thông mất kiểm soát.
Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 ôtô xảy ra ngày 19-1 trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, hướng về miền Tây (đoạn qua tỉnh Long An) do xe phía sau cố vượt, trong khi khoảng cách an toàn không bảo đảm Ảnh: GIA MINH |
Ông Vinh, người thường xuyên lưu thông qua đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, cho biết hồi tuyến đường này còn thu phí, các loại xe có thể chạy với tốc độ trung bình 90-100 km/giờ nhưng hiện nay chỉ khoảng 60-70 km/giờ. Vì vậy, thời gian lưu thông qua đây cũng kéo dài đến hơn 1 giờ, thay vì trước đây chỉ mất chừng 30-40 phút. Ông Vinh cho biết thêm nguy hiểm nhất là các loại xe chạy vào làn dừng khẩn cấp rất nhiều để vượt các phương tiện chạy chậm phía trước khiến tai nạn luôn chực chờ. "Hôm 23-1, tôi chứng kiến 2 xe tải đang dừng ở làn đường khẩn cấp chuyển hàng cho nhau thì một xe khách cũng chạy vào làn đường này để vượt lên. Do khuất tầm nhìn và lại đang chạy nhanh, xe khách suýt tông vào 2 xe tải khiến không ít người thót tim" - ông Vinh kể.
Tình trạng xe tải chạy chậm và dàn thành hàng ngang đang diễn ra phổ biến. "Khi xảy ra ùn ứ, nhiều xe đang chạy hàng ngang lại chen lấn, mạnh ai nấy đi, rất lộn xộn" - ông Vinh nói.
Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, trên đường cao tốc này, hướng từ Trung Lương về TP HCM, đoạn cổng vào bị thu hẹp do chỉ còn 4 làn đường (2 làn ra và 2 làn vào) và chỉ có một nhân viên bảo vệ nên xe chạy loạn xạ. Tương tự, tại khu vực đường dẫn vào tỉnh Long An, điểm thu phí có 3 làn xe nhưng bị đóng hết 2 làn, gây dồn ứ khi lượng xe tăng cao. Tại đây cũng chỉ có 1 nhân viên mặc đồng phục bảo vệ nhưng ngồi phía trong bấm điện thoại, mặc các loại xe qua lại. "Từ khi hết thu phí thì việc trông coi rất hời hợt, thỉnh thoảng còn có xe máy chạy vào cao tốc" - một người chạy xe ôm tại khu vực này nói.
Căng mình đối phó
Trước tình trạng trên, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 4 cho hay đơn vị này đã phối hợp với Cục CSGT - Bộ Công an, tổ chức lực lượng chốt trực tại các điểm đầu để tránh tình trạng xe máy chạy vào cũng như chủ động phân làn, tổ chức giao thông. Đồng thời, đơn vị hiện đã bổ sung hệ thống chiếu sáng và sửa lại trạm dừng nghỉ, cây xăng để các xe vào đổ xăng dịp Tết thuận lợi hơn. Thông qua các phương án tổ chức giao thông, đánh giá lưu lượng phương tiện và kết cấu hạ tầng, các đơn vị sẽ tổng hợp báo cáo Tổng cục Đường bộ và trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để xem xét có thu phí hay không.
Riêng tình trạng lượng xe tăng đột biến, đặc biệt là xe tải, container, để bảo đảm an toàn, ông Nguyễn Văn Thành cho biết sẽ cắm bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ gần vị trí trạm Bến Lức và Tân An (Long An) cũng như tăng cường việc công tác duy tu, sửa chữa, vệ sinh mặt đường cao tốc... Ông Thành nhìn nhận thực trạng nhiều xe tải, container, lưu thông trên cao tốc với tốc độ chậm, không tương ứng với thiết kế của tuyến đường này dẫn đến ùn ứ và lộn xộn ở một số thời điểm.
Trong khi đó, theo một chỉ huy CSGT thuộc Cục CSGT, hiện đơn vị đã triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, trong đó đã xử lý nhiều xe chạy dưới tốc độ cho phép thông qua camera. "Tuy nhiên, khó khăn là cả đoàn xe đi dưới tốc độ nhưng chỉ xử phạt được xe đi đầu tiên vì khoảng cách đường trống nhưng không chạy, các xe phía sau bị ùn lại nên không thể xử phạt. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi xử lý hơn 30 trường hợp chạy dưới tốc độ cho phép" - vị này nói.
Còn theo đại diện Công an tỉnh Tiền Giang, hiện có ít nhất 2 tổ CSGT thuộc tỉnh này thực hiện điều tiết tại vòng xoay khi vừa hết cao tốc và tại ngã tư Đồng Tâm đổ về hướng miền Tây. CSGT tỉnh Tiền Giang cũng đã có phương án phối hợp với thanh tra giao thông điều tiết 24/24 giờ đối với các điểm có nguy cơ ùn ứ xe.
Không kịp quay đầu dịp Tết Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cũng đang lo ngại trước tình trạng lượng xe liên tục dồn đến cao tốc TP HCM - Trung Lương, nguy cơ xảy ra kẹt xe nghiêm trọng những ngày cao điểm Tết nguyên đán 2019 - làm xe chở khách về miền Tây không kịp quay đầu. Theo ông Huân, đơn vị đã khảo sát và báo cáo Sở GTVT TP HCM lên phương án phối hợp với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cùng việc kiến nghị Tổng cục Đường bộ lên phương án giải quyết. |
GIA MINH - MINH SƠN
Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đang như... đường làng!
Sau khi ngưng thu phí từ ngày 1-1, cao tốc TPHCM- Trung Lương được hầu hết các phương tiện chọn đi và gây ra tình ... |
Cao tốc TP HCM - Trung Lương dừng thu phí
0h ngày 1/1, cao tốc đầu tiên tại miền Nam, rút ngắn khoảng cách từ Sài Gòn về miền Tây, hết hạn hợp đồng bán ... |
Ngày đăng: 10:12 | 25/01/2019
/ nld.com.vn