Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT đề xuất đưa hoạt động vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng, thoáng nóc vào quản lý tại dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ.

Nhiều bất cập với mô hình xe buýt 2 tầng, thoáng nóc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng theo Quyết định số 2055 ngày 21/9/2018 và Quyết định số 533 ngày 22/04/2022 của Bộ GTVT.

Đến nay, có 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP Du lịch Việt Nam- Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on- Hop off tham gia hoạt động thí điểm tại 6 địa phương với tổng số 24 phương tiện.

Theo Bộ GTVT, việc thí điểm đã mang lại những kết quả tích cực, không chỉ giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, các địa phương cũng gặp nhiều thách thức trong triển khai bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn chế về hạ tầng và thời tiết, cũng như yêu cầu đầu tư lớn và khó khăn trong quảng bá.

Tại TP.HCM, các chuyến xe còn đón, trả khách ngoài vị trí đã được chấp thuận; thời gian đón, trả khách kéo dài, đặc biệt là giờ cao điểm; tập trung nhiều phương tiện chiếm dụng lòng đường; vi phạm hệ thống biển báo giao thông đường bộ khu vực đón, trả khách; tự ý thực hiện vạch sơn kẻ đường.

 
Bộ GTVT chỉ ra còn nhiều bất cập trong hoạt động của xe buýt 2 tầng, thoáng nóc chở khách du lịch

Bộ GTVT chỉ ra còn nhiều bất cập trong hoạt động của xe buýt 2 tầng, thoáng nóc chở khách du lịch

Ngoài ra, các đơn vị thí điểm cũng không thực hiện đúng cam kết về công tác báo cáo trong phương án đề xuất, như: không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định thí điểm, sử dụng các phần mềm quản lý riêng như kiểm tra GPS phương tiện, đặt tour, bán vé, tổng hợp sản lượng và in hóa đơn điện tử.

Trong một số trường hợp, dữ liệu quản lý phương tiện, điều hành, giám sát... không được cập nhật tự động, dẫn đến dữ liệu hệ thống không đầy đủ.

Bên cạnh đó, một số nội dung quản lý như nhiệm vụ của bộ phận an toàn giao thông, theo dõi lý lịch phương tiện, theo dõi và cảnh báo thời hạn hết hiệu lực của các giấy tờ theo xe: đăng ký, lưu hành, bảo hiểm tai nạn dân sự, bảo hiểm vật chất xe, tem phù hiệu… vẫn đang được triển khai thực hiện thủ công.

Về nhận diện phương tiện, trước đây, các đơn vị thí điểm cam kết sử dụng phương tiện có màu đỏ đặc trưng, tuy nhiên, khi thí điểm lại có thêm quảng cáo trên thân xe, không đảm bảo yếu tố nhận diện thống nhất cho phương tiện thí điểm.

Chính thức đưa vào luật để quản lý

Từ đó, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định liên quan đến dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc vào Nghị định quản lý hoạt động vận tải, Thông tư hướng dẫn hoạt động vận tải đường bộ ngay sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông có hiệu lực.

Theo dự thảo Nghị định, xe buýt nội tỉnh sử dụng xe ô tô thoáng nóc chở khách du lịch phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; phải có phù hiệu "XE BUÝT" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT ban hành.

Dự thảo yêu cầu phải công bố danh mục tuyến xe buýt nội tỉnh sử dụng xe ô tô hai tầng thoáng nóc; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến sử dụng nguồn ngân sách địa phương) và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;

Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;

Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách…

Đơn vị kinh doanh vận tải tuyến xe buýt nội tỉnh phải thực hiện lưu trữ lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 3 năm.

Đặc biệt sẽ được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.

https://www.anninhthudo.vn/xe-buyt-hai-tang-thoang-noc-cho-khach-du-lich-se-duoc-quan-ly-ra-sao-post590576.antd

Ngày đăng: 10:17 | 25/09/2024

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn