Các tuyến xe buýt điện tại TP HCM hiện chủ yếu phục vụ khách tham quan, du lịch còn với người đi học, đi làm thì… thua

Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, 3 tuyến xe buýt điện không trợ giá lộ trình quanh trung tâm TP HCM (tuyến D1) và khu đô thị Phú Mỹ Hưng (tuyến D2 và D3) đã tạo thêm một sự lựa chọn mới cho người dân và du khách. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, những tuyến vận tải này cần tăng tần suất hoạt động.

Không thể cùng đến trường và sở làm

Các tuyến buýt điện trên ban đầu được rất nhiều người kỳ vọng sử dụng để đến cho làm, chỗ học… Bởi các phương tiện trên tuyến nhỏ gọn dễ di chuyển trong điều kiện giao thông đông đúc và mức đi toàn tuyến chỉ 12.000 đồng/người. Đặc biệt, hành khách trên xe cũng không phải chịu cảnh ngột ngạt, nóng bức do thành xe được thiết kế hở.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng hành khách sử dụng tuyến xe điện trên hiện hầu hết vẫn là các gia đình đi vui chơi, người già, hưu trí và khách nước ngoài muốn tham quan đường phố và chủ yếu đông vào 2 ngày cuối tuần. Chị Nguyễn Phương Giang (ngụ quận 7) cho biết rất khó sử dụng xe buýt điện đưa con đi học mà chỉ có thể để đưa con đi chơi, hóng gió vào những ngày cuối tuần vì thời gian hoạt động không phù hợp với thời điểm đến trường của học sinh.

Chị Lê Hạnh (hướng dẫn viên du lịch) nhận xét các tuyến xe buýt điện tại khu vực trung tâm TP phục vụ khá tốt cho du lịch nhưng bất tiện nếu lựa chọn sử dụng thường xuyên cho đi làm. Lý do là thời gian giãn cách giữa các chuyến xe là 30 phút và xe chỉ đi qua các điểm du lịch nên những người tới công ty, trường học gặp nhiều khó khăn. Còn tuyến D2 và D3 cũng chủ yếu di chuyển qua các trung tâm thương mại, giải trí ở khu vực quận 7 nên khó thích hợp để đi làm. Chị Hạnh cũng đánh giá do xe thiết kế hở, không có thanh chắn ở lối lên xuống nên khá nguy hiểm khi có trẻ em. Hơn nữa, một số người cũng lo lắng việc bị giật đồ khi đang ngồi trên xe.

Theo một tài xế thuộc tuyến D1, do mô hình này khá phù hợp để đi vui chơi nên những ngày cuối tuần, lượng khách đi lại khá lớn. Tuy nhiên, phần lớn lượng khách vẫn là những người đi tham quan, trong đó khá nhiều đối tượng là người nước ngoài, người từ các địa phương khác lần đầu tới TP HCM do chưa rành đường và muốn sử dụng loại xe này để đi tham quan, mua sắm, còn lượng khách sở tại thì ngày càng ít.

xe buyt dien chi tien di choi

Lượng người sử dụng xe buýt điện ở khu vực trung tâm TP HCM hiện chủ yếu là đi tham quan, đến các điểm du lịch hoặc đi mua sắm

Bổ sung mô hình mới

Từ thực tế trên, khá nhiều người đề nghị các tuyến xe buýt điện có thêm nhiều phương tiện, thu hẹp thời gian giãn cách giữa các chuyến và lộ trình cũng cần điều chỉnh qua nhiều trường học, các trụ sở cơ quan, công ty... nhằm phù hợp hơn cho những người muốn sử dụng để đi làm, tới trường. Có ý kiến cho rằng phải xem xe buýt điện là loại hình vận tải hành khách công cộng đúng nghĩa để kết nối hành khách sử dụng xe buýt thường từ ngoại thành vào nội thành chứ không chỉ để phục vụ gần như riêng cho du lịch như hiện nay.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhìn nhận các tuyến buýt điện hiện đang bổ sung một mô hình mới cho hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TP. Loại hình này giúp người dân cũng như du khách có thêm sự lựa chọn trong việc đi lại, qua đó phục vụ được đúng nhu cầu của nhiều người và đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận tần suất hoạt động của các tuyến xe buýt điện còn khá thưa thớt, thời gian giãn cách dài. Vì vậy, theo ông Trung, đơn vị đang tiếp tục đánh giá và tổng hợp lại để báo cáo Sở Giao thông Vận tải với định hướng cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư tuyến mở rộng thêm nhằm đưa mạng lưới xe điện phủ khắp cũng như tăng tần suất hoạt động.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, ngoài định hướng mở rộng mô hình xe buýt điện, đơn vị cũng đang nghiên cứu mở mới các tuyến xe buýt trên địa bàn TP nhằm tăng cường độ bao phủ của các phương tiện giao thông công cộng. Trung tâm cho biết trong năm nay sẽ mở ít nhất 10 tuyến xe mới.

Thích thú với mô hình xe đạp công cộng

Khu ĐHQG TP HCM vừa đưa vào thí điểm dự án xe đạp thông minh E-bike - hệ thống xe đạp công cộng thông qua phần mềm Easy Move cài đặt trên các thiết bị di động. Để sử dụng các xe đạp này, người dùng đăng ký tài khoản trên ứng dụng Easy Move, xác nhận thông tin và sau đó dùng ứng dụng quét mã QR trên các xe đạp. Hệ thống nhận tín hiệu thuê xe được hoạt động dựa trên viên pin năng lượng mặt trời trên mỗi chiếc xe và thời gian nhận tín hiệu chỉ mất khoảng 5-10 giây.

Việc thí điểm đã bắt đầu từ ngày 9-4 và hiện các xe đạp đang được đặt cố định tại 3 trạm là Trường ĐH Công nghệ Thông tin, KTX khu A và KTX khu B trong khu ĐHQG và được nhiều sinh viên đón nhận. Theo ông Nguyễn Thiện Thông, giám đốc điều hành dự án, việc thí điểm sẽ thực hiện trong 3 tháng, sau đó, đơn vị sẽ đánh giá lại với định hướng nhân rộng mô hình này. Sau giai đoạn thí điểm, E-bike dự kiến thu phí thuê xe khoảng 30.000 đồng/tháng.

xe buyt dien chi tien di choi Giá vé xe buýt tại TPHCM dự kiến tăng: Liệu có hợp lý khi hệ thống buýt còn bất cập?

Sau những thành quả có được từ hệ thống xe buýt của TPHCM với lượng khách đạt mức 306,59 triệu lượt năm 2017, giá vé ...

xe buyt dien chi tien di choi Tăng hơn 1.800 chuyến buýt ở Sài Gòn phục vụ 3 ngày lễ lớn

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM vừa lên kế hoạch tăng hơn 1.800 chuyến buýt phục vụ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ...

Bài và ảnh: GIA MINH

Ngày đăng: 08:30 | 19/04/2018

/ https://nld.com.vn