Hàng loạt hầm chui sẽ được xây dựng với kỳ vọng giải quyết bài toán kẹt xe tại một số khu vực trên địa bàn TP HCM.
Nhằm giải quyết căn cơ bài toán kẹt xe tại nút giao thông An Phú (quận 2), UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất phương án xây dựng nút giao thông tại đây.
Nhiều dự án hầm chui
Nút giao thông An Phú là điểm đầu của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong những tuyến đường huyết mạch lưu thông từ trung tâm TP về quận 2, quận 9 và ngược lại. Trước đây, khi chưa có tuyến cao tốc, khu vực này vốn đã thường xuyên ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm, các ngày lễ, tết. Sau khi tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác, nút giao thông này càng trở nên quá tải, hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài.
Công trình nút giao thông ĐHQG ở cửa ngõ TP HCM đang được xây dựng.
Trước bức xúc của người dân, UBND TP HCM đã trình Bộ GTVT dự án nút giao thông An Phú nhưng nhiều lần vẫn chưa được phê duyệt. Trước đó, làm việc với UBND TP HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đồng tình phương án xây dựng nút giao An Phú với hầm chui 2 chiều theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại để kết nối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ; kết hợp hầm chui theo hướng từ đường cao tốc này với đường Lương Định Của. Ngoài ra, xây cầu vượt theo hướng từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc và cầu vượt theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ...
Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây hầm chui 2 chiều (4 làn xe), tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 800 tỉ đồng. Số tiền này sử dụng vốn dư của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tại dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, TP HCM đang triển khai dự án nút giao An Sương (thuộc địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn) để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ phía Tây. Theo thiết kế, dự án với quy mô 3 tầng, giai đoạn 1 xây dựng hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22, mỗi hướng 1 hầm, tổng mức đầu tư trên 514 tỉ đồng.
Ngoài 2 dự án trên, dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) bao gồm hầm chui và cầu vượt đang được TP HCM khẩn trương xây dựng, nhằm giảm kẹt xe triền miên ở khu vực ra vào cảng Cát Lái. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT TP HCM xây dựng nút giao thông Đài Liệt sĩ kết hợp xây dựng hầm chui theo hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết từ nay đến cuối năm 2017 sẽ thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm để kéo giảm ùn tắc giao thông, trong đó có dự án nút giao thông ĐHQG, nút vòng xoay An Sương và một phần nút giao thông Mỹ Thủy.
Phải nghiên cứu kỹ
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư dự án nút giao thông Mỹ Thủy), với mật độ phương tiện lưu thông ra vào cảng Cát Lái ngày càng cao, việc thực hiện dự án hầm chui và cầu vượt tại nút giao Mỹ Thủy hoàn toàn phù hợp. Sau khi dự án hoàn thành sẽ kéo giảm ùn tắc giao thông cho nhiều tuyến đường xung quanh như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Vành đai 2, Nguyễn Văn Linh...
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng việc thực hiện hầm chui sẽ giải quyết được bài toán kẹt xe cho TP HCM nhưng hiện nay tại nhiều giao lộ, diện tích đất quá nhỏ, không thể xây dựng hầm chui. Đối với các dự án ở khu vực ngoài trung tâm TP, nên thiết kế theo dạng kết hợp cầu vượt, đường và hầm chui để tận dụng quỹ đất. Tuy nhiên, việc xây dựng hầm chui rất tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao.
Nói về dự án nút giao thông An Phú, ông Phạm Sanh cho rằng đây là một bài toán rất khó bởi ngay từ đầu, khi thực hiện dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đã không tính đến tình huống kẹt xe như hiện nay. "Ở các nước phát triển, người ta tách riêng biệt cao tốc và đường bộ chứ không nhập nhằng như chúng ta. Do đó, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có đường tránh riêng cho các phương tiện lưu thông lên cao tốc và ngược lại. Không thể để giao cắt giữa cao tốc với đường bộ, kể cả đường dẫn" - ông Phạm Sanh lưu ý.
Còn theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hầm chui và cầu vượt chỉ có tác dụng duy nhất là tạo ra giao thông khác cao độ ở ngã tư. Để giải quyết bài toán kẹt xe, ngoài phương án xây dựng hầm chui, phải nghiên cứu kỹ để hạ tầng giao thông luôn phải đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của các phương tiện. Tránh tình trạng sau khi đưa vào sử dụng, thấy quá tải thì bắt đầu "chắp vá" như một số dự án của TP trong thời gian qua.
Nhiều hầm chui "lỡ hẹn" Trước đó, UBND TP HCM có chủ trương đầu tư dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) với tổng chiều dài khoảng 480 m, tổng mức đầu tư 839 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2016-2017. Tiếp đó, UBND TP HCM cũng giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu thực hiện dự án hầm chui tại ngã tư Thủ Đức (dọc theo hướng xa lộ Hà Nội - quận Thủ Đức và quận 9), tổng vốn đầu tư 1.466 tỉ đồng... Tuy nhiên đến nay, 2 dự án trên chưa được triển khai. |
Ngày đăng: 22:19 | 20/08/2017
/ Thành Đồng/NLĐ Online