Cần xây mới cảng tại Đà Nẵng nhưng thành phố cần làm một cách thuyết phục, đồng bộ các vấn đề về quy hoạch, kết nối hạ tầng vận chuyển...
TS Lê Minh Sơn - trưởng Bộ môn kiến trúc (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng đồng tình với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu.
Cảng Tiên Sa vẫn còn dư khả năng khai thác. Ảnh: Baodautu
Cụ thể, Phó Thủ tướng có nhấn mạnh Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu phải so sánh các phương án tổ chức giao thông đến Bến cảng Tiên Sa và Bến cảng Liên Chiểu để chọn phương án tối ưu (trong đó, khẳng định rõ sự cần thiết có hay không đầu tư Bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu về vận tải hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông, hiệu quả đầu tư của Dự án và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững).
Theo TS Lê Minh Sơn, yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thận trọng giữa hai phương án giúp Đà Nẵng vừa tận dụng được tối ưu các lợi thế nhưng cũng đồng thời tiết kiệm được chi phí đầu tư, đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn cho phát triển chung của thành phố.
Trên cơ sở đó, ông chỉ ra mấy lý do thực tế Đà Nẵng cần cân nhắc khi xem xét nghiên cứu chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu.
Thứ nhất, về công suất hàng: Công suất hàng qua cảng thực tế hiện nay của Tiên Sa khoảng 7 triệu tấn/1 năm, trong khi đó công suất mà cảng đáp ứng được là khoảng hơn 10 triệu tấn/1 năm. Do đó việc đầu tư xây dựng thêm một cảng mới hiện nay là chưa cần thiết nếu chỉ bàn về vấn đề công suất.
Thứ hai, về tổ chức hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa:
Từ năm 1905-1916 người Pháp Đã xây dựng và cho vận hành riêng một tuyến đường sắt từ Cảng Tiên Sa với Hội An để vận chuyển hàng hóa. Do đó bây giờ thành phố có thể nghĩ đến phương án đầu tư 1 làn đường riêng biệt để vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa kết nối với đường vành đai ngoài của thành phố. Dù sao kinh phí đầu tư cho cách này là rất nhỏ và hầu như không tốn kém gì so với việc đầu tư xây dựng một cảng mới (tuyến đường AH17 đang sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa ra quốc lộ hiện nay rất rộng).
Thứ ba, vấn đề về nạo vét đáy để duy trì độ sâu cho tàu lớn ra vào:
Bản thân Tiên Sa có tính chất địa lý tự nhiên là một cảng nước sâu, rất thuận lợi cho tàu lớn ra vào, tuy nhiên việc nạo vét và duy tu luồng hàng hải để tàu thuyền ra vào cũng phải làm.
Khu vực dự kiến xây dựng cảng Liên Chiểu là một vùng nước nông, do đó ngoài việc đầu tư một lượng vốn cực khủng để xây dựng cảng mới, thì vấn đề nạo vét lòng biển để tàu thuyền ra vào sau này sẽ là một gánh nặng không biết thuộc trách nhiệm của ai.
Thứ tư, vấn đề gió bão và môi trường:
Cảng Tiên Sa là một cảng kín gió, rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào quanh năm. Khu vực Liên Chiểu thì ngược lại, do đó vấn đề đầu tư vốn cho việc khắc phục các trở ngại thiên nhiên này sẽ là rất lớn.
Mặt khác, Khu vực xây dựng cảng Liên Chiểu lại nằm bên trong Vịnh Đà Nẵng nên việc chất xả thải của các tàu thuyền sẽ bị ứ đọng và gây ô nhiễm dãy bờ biển ở đường Nguyễn Tất Thành (sự cố ô nhiễm kênh Phú Lộc cho vịnh Đà Nẵng đã là một cảnh báo).
"Việc triển khai nghiên cứu và đầu tư xây dựng một cảng mới cho Đà Nẵng về lâu dài là cần thiết. Tuy nhiên trước mắt thành phố cần làm một cách thuyết phục các vấn đề như: lập bản đồ quy hoạch khu vực dự kiến xây dựng cảng mới và mối liên hệ của nó với các khu vực lân cận, tránh trường hợp các dự án bất động sản phân lô nền đất làm cản trở kết nối giữa cảng mới đến các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc Nam dự kiến trong tương lai", TS Lê Minh Sơn kết luận.
Đà Nẵng đề xuất xây dựng cảng Liên Chiểu hơn 32.000 tỷ đồng
Sau khi cảng Liên Chiểu được đầu tư, Đà Nẵng sẽ chuyển cảng hàng hoá Tiên Sa sang phục vụ du lịch. |
Ngày đăng: 10:33 | 14/01/2019
/ http://baodatviet.vn