VTC News phỏng vấn ông Hoàng Đức Thắng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - về các giải pháp ghìm giữ giá xăng, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy và phục hồi kinh tế.
Ông Thắng nói: “Xăng dầu được ví như “máu” của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng cao sẽ trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, kéo theo giá hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19”.
- Một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước cao kỷ lục là phải “cõng” nhiều thuế và phí. Dư luận cho rằng xăng cùng lúc bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường là không hợp lý. Để “ghìm” giá mặt hàng thiết yếu này có nên bỏ thu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế. Việc giá xăng dầu tăng cao trong các kỳ điều hành gần đây, đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua cơn “bạo bệnh” vì dịch COVID-19, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Hiện mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đang chịu áp dụng nhiều sắc thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (trên giá nhập tại cảng) và thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít). Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia (thuế thu từ xăng dầu chiếm rất lớn), giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách. Nhưng xăng dầu lại là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế. Nếu giá xăng tăng quá cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác, gây lạm phát, tạo ra khó khăn “kép” cho nền kinh tế.
Theo tôi để giải quyết cân bằng 2 vấn đề, có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống một mức nào đó. Bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường.
- Giá dầu thế giới biến động liên tục, nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày/lần, khiến hai thị trường có sự lệch pha. Nhiều ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều hành, ông thấy sao?
Điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần đang tồn tại nhiều bất cập. Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mà kinh tế thị trường thì phải phải vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường như cạnh tranh, quy luật cung - cầu…
Tôi cho rằng không chỉ xăng dầu, mà cả các mặt hàng khác cũng phải vận hành dựa trên các nguyên tắc này. Mục tiêu của chúng ta trong điều hành giá là phải linh hoạt, kịp thời, đúng thời điểm, tránh những cú “sốc” cho nền kinh tế. Quy định trước đây điều hành giá 15 ngày/lần, nay giảm xuống 10 ngày/lần (nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo).
Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai kỳ điều hành vẫn còn khá xa, làm cho giá trong nước luôn lệch pha với giá thị trường thế giới, bởi giá thế giới thì tăng giảm hàng ngày, trong khi giá trong nước chậm lại 10 ngày, thậm chí nhiều hơn.
Bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá này cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa hai kỳ điều hành, có thể 1 tuần, 5 ngày, hoặc ngắn hơn sao cho giá trong nước trùng pha với giá thế giới.
- Việt Nam ở trong nhóm vừa có thu nhập thấp vừa có giá xăng cao. Đa số người dân cho rằng giá xăng dầu hiện đang quá đắt đỏ so với thu nhập của họ. Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp?
Người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động tự do… là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong những năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp như chính sách vay vốn ưu đãi, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở xã hội…
Giá xăng dầu tăng cao sẽ trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, kéo theo giá hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.
Đặc biệt, kết hợp việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường. Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp...).
Tôi được biết cũng có đề xuất cho rằng Nhà nước lập quỹ để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Mong muốn này là chính đáng nhưng cần cân nhắc. Bởi việc lập quỹ sẽ kéo theo nhiều vấn đề, liên quan đến quản lý và khả năng tài chính quốc gia.
- Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được vận hành khá lâu, ít nhiều mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, có nên tiếp tục duy trì quỹ hay không là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Ông nghĩ sao về đề xuất bỏ quỹ này để giá xăng dầu vận hành theo thị trường?
Tôi đã nói ở trên, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đầy đủ và đồng bộ nhưng phải có vai trò quản lý của nhà Nhà nước. Mục tiêu của việc điều hành giá xăng dầu là để hạn chế, không để tác động của giá thế giới tạo ra những biến động, những “cú sốc” tác động bất lợi đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Vấn đề ở đây là điều hành Quỹ BOG thế nào cho linh hoạt và hiệu quả. Điều hành quỹ nhưng vẫn phải để giá phản ánh giá thị trường ở mức độ nhất định, chứ không làm “triệt tiêu” quy luật khách quan của thị trường.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong khi mục tiêu của Chính phủ trong mấy năm qua và những năm tới vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nếu không có Quỹ Bình ổn xăng dầu, cơ quan điều hành sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết bởi quỹ này được xem như “van” điều tiết, nhằm chống việc tăng sốc giá xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới liên tục leo thang.Trong tương lai, khi chúng ta ổn định nguồn cung, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì nghiên cứu bỏ quỹ này.
Lâu dài cần chiến lược bài bản, kịch bản rõ ràng
- Ngoài những giải pháp đã áp dụng trong thời gian qua, chúng ta cần dự phòng giải pháp nào để giảm bớt cú sốc của giá xăng dầu vào nền kinh tế?
Trong bối cảnh nguồn cung dầu khan hiếm, nhu cầu xăng dầu lại tăng mạnh đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch, xung đột Nga – Ukraine chưa ngã ngũ, các lệnh cấm vận vẫn liên tục được đưa ra…dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới.
Biểu đồ: ZingNews
Trong bối cảnh này, chúng ta phải bám sát diễn biến và dự báo chính xác các diễn biến, giá cả thị trường thế giới, để có chiến lược sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông, tiêu dùng hợp lý.
Trước mắt cần sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết hiện có để để điều hành giá trong nước linh hoạt, chủ động, hiệu quả. Trong khi Quỹ Bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp cần thiết lúc này là nghiên cứu giảm bớt thuế để giữ giá bán xăng dầu trong nước không tăng thêm, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được khôi phục sau dịch COVID-19. Trường hợp khẩn cấp, có thể nghiên cứu giải pháp bơm tiền vào Quỹ Bình ổn để điều tiết giá, khi giá xăng dầu thế giới giảm sẽ trích lập quỹ bù vào sau.
An ninh năng lượng, nhất là xăng dầu, là vấn đề quan trọng với quốc kế, dân sinh. Chính phủ cần yêu cầu Liên Bộ Công Thương – Tài chính có chiến lược bài bản, xây dựng kịch bản rõ ràng để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, chủ động, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chính phủ cũng phải đưa ra chương trình tầm quốc gia để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Trong đó, tiếp tục rà soát lại, điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận... cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp trước tình hình thực tiễn, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Những nội dung nào trong thẩm quyền thì tự xử lý, nội dung ngoài thẩm quyền thì trình Quốc hội để có các giải pháp tối ưu.
Riêng vấn đề của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc nhà máy này, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước.
Về lâu dài, chúng ta cần xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu để ổn định nguồn cung và chủ động điều tiết giá. Dự trữ chiến lược không chỉ liên quan đến giá thành mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu, đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, chúng ta phải nâng cao năng lực khai thác, chế biến, đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường trong nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu.
Ngoài ra trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ngày càng tăng cao thì tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu, chuyển đổi năng lượng thay thế chính là những giải pháp hữu hiệu.
- Ông đánh giá thế nào về điều hành giá xăng dầu thời gian qua?
Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua của các bộ ngành vừa qua đã có nhiều nỗ lực, kịp thời, phù hợp, đảm bảo khả năng chấp nhận của nền kinh tế.
Tuy nhiên muốn diều hành không chỉ dựa vào ý chí chủ quan, cần có chiến lược, cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều hành, linh hoạt và đảm bảo hiệu quả.
- Xin cám ơn ông!
https://vtc.vn/xang-dau-nhu-mau-nen-kinh-te-dieu-hanh-gia-can-chien-luoc-bai-ban-ar679576.html
Ngày đăng: 10:35 | 30/05/2022
HOÀ BÌNH / VTC News