Thời gian gần đây giá dầu thế giới biến động liên tục, nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày/lần, khiến hai thị trường có sự lệch pha.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để trả giá xăng dầu về thị trường. Hiện nay giá dầu thế giới biến động tăng từng ngày nhưng việc điều hành giá trong nước lại đang được thực hiện 10 ngày một lần, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thua lỗ. Việc chưa để giá xăng dầu do thị trường quyết định cũng khiến việc quản lý thị trường này thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao nhất.

“Nhà nước nên kiểm soát bằng các các công cụ như thuế, phí… chứ không nên điều hành giá theo kỳ như hiện nay”, TS Trinh nói và cho biết khi giá xăng được “thả nổi”, tự động thị trường sẽ hình thành nhiều mức giá cao, thấp khác nhau và vận hành trơn tru, ổn định.

Xăng dầu ngày càng đắt đỏ: Có nên để thị trường quyết định giá? - 1

Xăng dầu liên tục tăng nóng đang tạo áp lực lớn lên kinh tế, xã hội. (Ảnh: H.H)

Vẫn theo ông Trinh, chúng ta đã có quy định pháp luật về cạnh tranh, về giá…nên không lo việc “thả nổi” giá xăng dầu thì không quản lý được thị trường này. Trái lại, khi thị trường được tự do sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào thị trường.

“Thực tế chứng minh càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, người dân sẽ càng được lựa chọn dịch vụ tốt và giá rẻ nhất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy hạ giá thành, giá bán lẻ, chứ không phải sẽ rơi vào hỗn loạn hay tăng giá”, ông Trinh nhận xét.

Tuy vậy, chuyên gia cũng cho rằng việc thả nổi xăng dầu khó thực hiện ngay được do thị trường còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn nắm thị phần chi phối.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng chúng ta đang hướng đến xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhưng không thể vì vậy mà buông nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. “Việc điều hành giá xăng dầu từng bước tiến đến tự do hóa ở một số khâu, phân khúc thị trường chứ không phải toàn bộ thị trường xăng dầu”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Đáng chú ý, chuyên gia này cho rằng không nên “ghìm” giá xăng dầu bằng giảm thuế và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá cũng chỉ nên thực hiện khi có những đợt tăng giá đột xuất, chưa dự đoán được. Nguyên nhân là giá xăng dầu trong nước hiện thấp hơn nhiều nước, lãnh thổ có chung đường biên giới trong ASEAN và châu Á. Việc hạ thấp thuế xăng dầu có thể sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới, dẫn đến tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu lậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách.

Thêm nữa, nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc nhà nước giảm giá xăng dầu. Điều này vô hình chung lại hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng bừa bãi nhiên liệu, năng lượng, xăng dầu. Hoặc các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Ngoài ra, hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Đặc biệt, giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh, nên không thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định.

Đánh giá về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Long cho rằng chúng ta đã điều hành giá xăng dầu khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá xăng dầu thế giới đến giá trong nước. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới. Tuy nhiên, việc điều hành giá cần có phương án để tiệm cận giá thế giới.

“Trong điều hành giá chúng ta không nên dùng quá nhiều các biện pháp can thiệp vào thị trường. Với xăng dầu phải điều hành theo sát giá thị trường thế giới. Nếu khoảng cách giữa hai kỳ điều chỉnh giá quá dài, dẫn đến lệch pha, không theo kịp với diễn biến giá xăng dầu thế giới”, ông Long nói.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chia sẻ với VTC News, đại diện một doanh nghiệp cho biết nguyên tắc kinh tế thị trường là mọi hàng hoá phải để thị trường quyết định giá. Nhưng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đầu vào của nhiều ngành kinh tế nên cần có sự điều tiết của nhà nước để đảm bảo anh ninh năng lượng và tránh cú “sốc” cho nền kinh tế khi giá tăng quá cao.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu”. Ông Diên cũng cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song, ông nhấn mạnh: “Hãy yên tâm, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.

https://vtc.vn/xang-dau-ngay-cang-dat-do-co-nen-de-thi-truong-quyet-dinh-gia-ar678701.html

Ngày đăng: 08:29 | 25/05/2022

Hòa Bình / VTC News