Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca mắc COVID-19 sớm nhất để bắt đầu giai đoạn hai quá trình điều tra nguồn gốc đại dịch.
Hôm 12/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc phát hiện ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là "cực kỳ quan trọng", kêu gọi Trung Quốc cung cấp "tất cả dữ liệu và quyền truy cập để có thể bắt đầu loạt nghiên cứu tiếp theo càng sớm càng tốt".
"Giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm việc kiểm tra thêm dữ liệu thô từ các trường hợp mắc COVID-19 sớm nhất, xảy ra vào năm 2019. Quyền truy cập vào dữ liệu là cực kỳ quan trọng để nâng cao hiểu biết khoa học của chúng ta về đại dịch”, WHO cho biết.
WHO đang hối thúc Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô cho giai đoạn hai điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Reuters) |
WHO cũng đang làm việc với một số quốc gia thông báo đã phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. WHO sẽ thu thập các mẫu bệnh phẩm sinh học được lưu trữ năm 2019 để phục vụ quá trình nghiên cứu.
Theo đánh giá của WHO, Italy là một trong số các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, đánh giá độc lập tại các phòng thí nghiệm, trong đó có việc kiểm tra lại các mẫu bệnh phẩm của những người mắc COVID-19 trước khi đại dịch bùng phát.
"Chia sẻ dữ liệu thô và cho phép kiểm tra lại các mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm ở Italy phản ánh sự đoàn kết khoa học. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc, hỗ trợ để thúc đẩy các nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng và hiệu quả”, WHO cho hay.
Sau khi kết thúc điều tra giai đoạn một, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kết luận, nhóm chuyên gia của WHO vẫn chưa tiếp cận đầy đủ phòng thí nghiệm virus học của Vũ Hán.
Báo cáo hồi tháng 3 từ nhóm điều tra của WHO không đưa ra kết luận chắc chắn. Họ cho biết virus lây nhiễm từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là kịch bản có thể xảy ra nhất, trong khi rò rỉ từ các phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra".
"Trung Quốc đã viết thư cho WHO về cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn về 'giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm' của SARS-CoV-2. Họ cũng cho rằng nghiên cứu về nguồn gốc đã bị chính trị hóa, hoặc WHO đã hành động do áp lực chính trị. Để giải quyết 'giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm', điều quan trọng là phải có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, đánh giá phương pháp khoa học tốt nhất theo cơ chế của WHO”, WHO cho biết.
Theo WHO, việc phân tích và cải thiện các quy trình và an toàn trong phòng thí nghiệm "bao gồm cả ở Trung Quốc, là điều quan trọng đối với an ninh và an toàn sinh học tập thể".
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các cơ quan tình báo nước này đưa ra báo cáo đánh giá lại nguồn gốc COVID-19 và xác định xem liệu dịch bệnh này có rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay lây nhiễm từ động vật sang con người.
Ổ dịch phức tạp bậc nhất Trung Quốc, trên 50 ca bệnh/ngày
Thành phố Dương Châu (Giang Tô) báo cáo 54 ca mắc COVID-19 hôm 10/8, mức cao kỷ lục kể từ đợt bùng phát dịch hôm ... |
Số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc cao trong năm
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất kể từ tháng 1 với 181 trường hợp mắc mới trong ngày, trong khi ... |
Ngày đăng: 07:48 | 13/08/2021
/ vtc.vn