Swaminathan, người đứng đầu bộ phận khoa học của WHO, nhận định biến chủng B.1.617 là một trong những yếu tố khiến Covid-19 ở Ấn Độ "tăng thẳng đứng".
"Ở một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ, tình trạng lây lan ở mức độ thấp đã xảy ra trong nhiều tháng. Chủng B.1.617 xuất hiện tại quốc gia này và nhiều khả năng lây lan dần, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã bị bỏ qua, cho tới khi đại dịch Covid-19 đạt điểm tăng theo chiều thẳng đứng", Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói ngày 8/5.
Swaminathan nhận định biến chủng B.1.617, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, là một trong những yếu tố góp phần gây ra thảm họa tại quê hương bà. "Có nhiều tác nhân tăng tốc điều này, một trong số đó là virus lây lan nhanh hơn".
"Vào thời điểm đó, làn sóng dịch rất khó để ngăn chặn, bởi nó đã lây nhiễm cho hàng chục nghìn người và nhân lên với tốc độ gần như không thể ngăn cản", Swaminathan cho biết.
Ấn Độ ngày 8/5 ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong vì nCoV, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ, cùng hơn 400.000 ca nhiễm mới. Quốc gia này phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát, vốn đã khiến hệ thống y tế đứng trên bờ vực sụp đổ. Nhiều chuyên gia nghi ngờ số ca tử vong và ca nhiễm tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với thực tế.
Soumya Swaminathan trong cuộc phóng vấn với AFP tại Geneva,Thụy Sĩ, ngày 8/5. Ảnh: AFP. |
WHO gần đây liệt B.1.617, bao gồm một số chủng con mang đột biến và đặc điểm hơi khác nhau, là "biến thể cần quan tâm", song chưa đưa nó vào danh sách "biến thể đáng lo ngại". Danh sách này gồm các biến chủng virus nguy hiểm hơn chủng ban đầu do khả năng lây truyền và gây tử vong cao hơn, đồng thời có thể vượt qua hàng rào bảo vệ bằng vaccine.
Cơ quan y tế của một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, coi B.1.617 là biến chủng đáng lo ngại. Swaminathan cho rằng WHO sẽ sớm làm theo.
"B.1.617 là biến chủng đáng lo ngại do có một số đột biến làm tăng khả năng lây lan và có thể giúp virus kháng lại các kháng thể được tạo ra do tiêm vaccine hoặc hình thành do nhiễm nCoV trước đó", Swaminathan nói.
Tuy nhiên, bà cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho B.1.617 khi số ca tử vong tại Ấn Độ tăng kỷ lục, đồng thời nhận định quốc gia Nam Á dường như "mất cảnh giác trước đại dịch" khi cho phép tổ chức các cuộc tụ họp khổng lồ. Nhiều người Ấn Độ cho rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc nên bỏ khẩu trang và các biện pháp bảo vệ khác, trong khi đó virus vẫn âm thầm lây lan.
Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện ở Ấn Độ ngày 2/5. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp Ấn Độ đang cố gắng mở rộng quy mô tiêm chủng để ngăn đợt bùng phát, Swaminathan cảnh báo chỉ tiêm vaccine Covid-19 không đủ để kiểm soát tình hình. Swaminathan cho biết Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine nhiều nhất thế giới, mới chỉ tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19 cho khoảng 2% trong số 1,3 tỷ dân.
"Sẽ mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm, để đạt tỷ lệ tiêm chủng 70-80% dân số", Swaminathan nói. "Trong tương lai gần, chúng ta vẫn cần phục thuộc vào các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng đã được thử nghiệm hoặc chứng thực để ngăn virus lây lan".
Đợt bùng phát tại Ấn Độ được giới chuyên gia nhận định là "đáng sợ" không chỉ do số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến, mà còn nguy cơ đáng kể xuất hiện các biến chủng nCoV mới nguy hiểm hơn.
"Virus càng lây lan rộng, càng có nhiều khả năng xuất hiện đột biến và thích nghi", Swaminathan nói. "Các biến chủng với nhiều đột biến sẽ kháng các loại vaccine chúng ta đang có. Đó sẽ là rắc rối cho toàn thế giới".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Dàn xe cứu thương phủ bạt, để không gây tranh cãi ở Ấn Độ
Các bức ảnh chụp dàn xe cứu thương phủ bạt, để không gây tranh cãi trong bối cảnh Ấn Độ thiếu hụt nghiêm trọng xe ... |
Ca tử vong Covid-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng kỷ lục
Ấn Độ ghi nhận mức kỷ lục gần 4.200 người tử vong và hơn 400.000 ca nhiễm mới trong một ngày, tiếp tục chịu ảnh ... |
Ngày đăng: 10:08 | 09/05/2021
/ vnexpress.net