Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, ngày 7/11 (giờ địa phương), Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge kêu gọi các nước trên thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh hơn và rõ ràng hơn bởi những ứng phó hiện nay quá chậm và không nhất quán một cách nguy hiểm.
Theo ông, để tránh bị phơi nhiễm và tổn thương trước các đợt nắng nóng, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, các nước cần triển khai gấp các biện pháp thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe của người dân, của xã hội và của hành tinh này.
Ông cho biết, WHO dự định sử dụng quyền “tập thể của các nước thành viên WTO để đưa vấn đề y tế vào bất kỳ kế hoạch nào ứng phó với biến đổi khí hậu”. Quan chức WHO nhấn mạnh, điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái đất nói chung.
Cùng ngày, các nhà nhà lãnh đạo từ gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự COP27 đã mắt Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán. Liên minh được thành lập theo đề xuất của Senegal và Tây Ban Nha. Đây được xem là một trong những giải pháp cụ thể của Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Liên minh trên sẽ được củng cố với các cam kết chính trị mới, trong đó bao gồm quỹ khởi đầu trị giá 5 triệu euro (5,01 triệu USD) do Tây Ban Nha công bố, nhằm hỗ trợ các hoạt động và thúc đẩy quá trình huy động thêm nguồn lực cho chương trình nghị sự này.
Liên minh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo đặt khả năng chống chịu hạn hán làm vấn đề ưu tiên trong phát triển và hợp tác quốc gia, trong đó bao gồm cả việc tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, chẳng hạn như khu vực tư nhân.
Ngày đăng: 09:21 | 09/11/2022
K.H / Công an nhân dân