Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cần 23,4 triệu USD cho kế hoạch chống COVID-19 cho 12 tháng tới.

Trong cuộc họp báo hôm 28/10, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi G20 - nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp tại Rome cuối tuần này không để các nước nghèo rơi vào tình cảnh khó khăn trong đại dịch.

Theo ông Tedros, số tiền 23,4 tỷ USD là cần thiết để đảm bảo vaccine, xét nghiệm và điều trị và nhiều khả năng sẽ giúp ngăn chặn 5 triệu ca tử vong vì COVID-19.

WHO: Cần 23,4 tỷ USD trong năm tới để ngăn 5 triệu ca tử vong vì COVID-19 - 1
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)

"Nhóm G20 có khả năng đưa ra các cam kết chính trị và tài chính cần thiết để chấm dứt đại dịch này. Chúng ta đang ở thời điểm quyết định, đòi hỏi sự lãnh đạo quyết đoán để khiến thế giới an toàn hơn", Tổng Giám đốc WHO cho hay.

WHO đang dẫn đầu chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT-A) nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ giúp đối phó với đại dịch.

Ông Tedros khẳng định số tiền 23,4 tỷ USD tài trợ cho ACT-A không là bao so với hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế mà đại dịch gây ra và chi phí cho các kế hoạch phục hồi của các nước.

“Việc tài trợ đầy đủ cho ACT-A là yêu cầu bắt buộc về an ninh y tế toàn cầu đối với tất cả chúng ta. Bây giờ là lúc để hành động", ông Tedros cho biết.

Theo WHO, hiện mới chỉ có 0,4% xét nghiệm và 0,5% vaccine được triển khai được sử dụng ở các nước thu nhập thấp - chiếm 9% dân số thế giới.

WHO cho biết ACT-A thời gian tới sẽ tập trung hơn vào việc giải quyết nguồn cung thiếu hụt ở các nước nghèo.

Cũng trong buổi họp báo, bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO bày tỏ quan ngại về việc các nước giàu tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường trong khi các nước nghèo vẫn đang thiếu hụt vaccine tiêm cho dân.

Theo thống kê, gần 1 triệu mũi tiêm tăng cường được tiêm mỗi ngày, gấp 3 lần số vaccine được sử dụng các các nước thu nhập thấp.

"62 quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường và nhiều nước đang xem xét động thái này", bà cho hay.

Theo AFP, WHO muốn có lệnh trì hoãn mũi tiêm bổ sung cho tới cuộc năm để giải phóng các mũi tiêm cho các nước nghèo.

Ngày đăng: 11:06 | 29/10/2021

/ vtc.vn