Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đứng trước bờ vực suy thoái do việc các NHTW tăng mạnh lãi suất và tác động bất lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Các động lực đều suy yếu

Cụ thể trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/1, WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 1,7% thay vì mức 3,0% như dự báo trước đó hồi tháng 6/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của kinh tế toàn cầu kể từ năm 1993 nếu không kể các cuộc suy thoái năm 2009 và 2020 kể từ năm 1993.

Mặc dù tăng trưởng toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên 2,7%, song vẫn thấp hơn mức ước tính 2,9% cho năm 2022. Mức tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020-2024 sẽ dưới 2% - tốc độ 5 năm chậm nhất kể từ năm 1960.

1

Đáng chú ý WB đã hạ dự báo tăng trưởng đối với gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ được cắt giảm mạnh xuống còn 0,5% trong năm 2023 từ mức 2,4% như trong dự báo hồi tháng 6/2022. Trong khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 cũng được cắt giảm từ 5,2% xuống còn 4,3%; Nhật Bản từ 1,3% xuống 1% và Châu Âu từ 1,5% xuống 0,1%.

“Tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại đến mức nền kinh tế toàn cầu gần như rơi vào suy thoái”, WB cho biết và cho rằng, việc chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt “nhanh chóng và đồng bộ một cách bất ngờ” là nguyên nhân đứng đằng sau sự tăng trưởng chậm chạp. Theo đó, mặc dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ thắt từ các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể là cần thiết để chế ngự lạm phát, nhưng cũng đã “góp phần làm xấu đi đáng kể các điều kiện tài chính toàn cầu, điều này đang gây ra lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh tế”.

“Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ suy yếu rõ rệt, và hậu quả là tác động lan tỏa đang làm trầm trọng thêm những cơn gió ngược khác mà các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi phải đối mặt”, báo cáo của WB nêu rõ.

Hợp tác quốc tế ứng phó với các cú sốc

“Với các điều kiện kinh tế mong manh, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào - chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang - có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào thế suy thoái”, ngân hàng cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo.

WB cho biết, triển vọng ảm đạm sẽ đặc biệt khó khăn đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, khi họ phải vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất, đồng tiền yếu và tăng trưởng thu nhập, cũng như đầu tư kinh doanh chậm lại.

“Sự yếu kém trong tăng trưởng và đầu tư kinh doanh sẽ làm trầm trọng thêm những đảo ngược vốn đã tàn khốc trong giáo dục, y tế, nghèo đói và cơ sở hạ tầng cũng như nhu cầu ngày càng tăng do biến đổi khí hậu”, Chủ tịch WB David Malpass cho biết.

Mặc dù cho rằng một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt khi giá năng lượng và hàng hóa thấp hơn, song WB cũng cảnh báo rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung mới là cao và lạm phát cơ bản tăng cao có thể tiếp tục. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất chính sách nhiều hơn dự kiến hiện tại, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, WB kêu gọi tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để giúp các nước có thu nhập thấp đối phó với các cú sốc lương thực và năng lượng, người dân phải di dời do xung đột và nguy cơ khủng hoảng nợ ngày càng tăng. Theo đó, cần có các khoản tài trợ và tài trợ ưu đãi mới cùng với việc tận dụng vốn tư nhân và các nguồn lực trong nước để giúp thúc đẩy đầu tư vào thích ứng với khí hậu, nguồn nhân lực và sức khỏe.

Ngày đăng: 13:39 | 01/02/2023

Hoàng Nguyên / Thời báo Ngân hàng