Xây dựng “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội là giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, để xác định được “vùng phát thải thấp”, thành phố Hà Nội cần quy định các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục theo Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua.

phat-thai.jpg
Phương tiện cá nhân tăng nhanh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Thủ phạm gây ô nhiễm không khí

Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí. Tổng hợp từ kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, không khí ở Thủ đô bị ô nhiễm bụi PM2.5 trên diện rộng.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 vượt khoảng 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25µg/m3). Nồng độ bụi PM10 vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (AQI trên 200).

Các nghiên cứu gần đây đánh giá, giao thông đường bộ chính là nguồn đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội. Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% đến 74%)...

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, trên toàn thành phố hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông (1,1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy) và khoảng 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, số phương tiện giao thông ở thành phố Hà Nội có xu hướng tăng bình quân 5%/năm, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu; hệ thống giao thông công cộng phát triển chưa tương xứng quy mô đô thị… Các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu đã tạo ra nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng “vùng phát thải thấp”

Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã đề xuất các mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường vào Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, tại Khoản 6, Điều 3, Luật Thủ đô quy định: Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Thanh Thủy cho biết, việc triển khai “vùng phát thải thấp” là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp để bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách.

Đồng thời, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủ đô, Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang được UBND thành phố giao xây dựng nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định “vùng phát thải thấp” để trình HĐND thành phố vào tháng 12-2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1-1-2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về “vùng phát thải thấp”. Sau đó các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực thi.

Theo đó, dự thảo mới đưa ra các tiêu chí, điều kiện để xác định vùng phát thải thấp, cụ thể: Thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm liền kề không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT).

Ngoài ra, "vùng phát thải thấp" cần có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông; các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong "vùng phát thải thấp"; tỷ lệ 51% trở lên đối tượng được tham vấn đồng thuận xây dựng "vùng phát thải thấp". Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp về hành chính, kinh tế, kiểm soát thực hiện và lộ trình thực hiện “vùng phát thải thấp”.

Việc xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp” là hành lang pháp lý quan trọng để các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định các khu vực phù hợp, xây dựng và thực thi “vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù, điều kiện, năng lực của địa phương, bảo đảm tính khả thi với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đồng tình với phương án xây dựng “vùng phát thải thấp” của thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, việc xây dựng “vùng phát thải thấp” là xu hướng tất yếu, nên thành phố Hà Nội phải có nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào nội đô.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An lưu ý, trước khi hạn chế các phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội cũng cần đánh giá tác động vào xã hội. Đồng thời, thành phố phải nâng cao chất lượng hạ tầng công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần xây dựng có tính kết nối cao hơn. Có như vậy mới giúp Thủ đô xanh hơn, khỏe mạnh hơn và đáng sống hơn.

https://hanoimoi.vn/vung-phat-thai-thap-giup-thu-do-han-che-o-nhiem-khong-khi-685224.html

Ngày đăng: 08:04 | 22/11/2024

Hoàng Sơn / HNM.com.vn