Những biến cố, tiêu cực liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng lớn tới ngành y tế, khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Thế nhưng, không thể để một thiểu số làm vẩn đục, ảnh hưởng tới cả ngành y với hàng vạn y bác sĩ vẫn từng giờ, từng phút tận tâm, tận lực chăm lo sức khỏe, giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Giai đoạn khó khăn hiếm thấy

Ngành y nước nhà đang phải trải qua thời gian đầy khó khăn khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế sa vào vòng lao lý, ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh, uy tín của đội ngũ “chiến sỹ áo trắng”. Mới đây nhất, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt và kế toán trưởng cơ quan này đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan tới “khuôn mặt đen” Công ty CP công nghệ Việt Á.

5
Nhân viên y tế không quản ngại khó khăn tận tâm trong chăm sóc người bệnh

Điều đáng nói là người tiền nhiệm của ông Trương Quang Việt là ông Nguyễn Nhật Cảm hồi tháng 6-2021 đã bị tòa phúc thẩm tuyên án 10 năm tù giam do “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Việc 2 lãnh đạo của CDC Hà Nội nối tiếp nhau sa vào vòng lao lý cũng như những người từng giữ trách nhiệm cao nhất của Bộ Y tế “dính chàm” đã khiến cho hình ảnh của ngành y bị ảnh hưởng rất lớn.

Thực tế, đã có những ý kiến, luồng dư luận thiếu thiện cảm, đánh đồng những vụ tiêu cực, cá nhân vi phạm pháp luật với cả đội ngũ ngành y. Điều này tác động rất lớn tới đội ngũ y bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh, những người đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men… phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Cũng có thực tế khác đang diễn ra là một số cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh. Có lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh cho biết, đã xảy ra tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự đi mua từ sợi chỉ, băng gạc, dây truyền dịch… mang vào bệnh viện để bác sĩ thực hiện ca mổ, còn nếu không thì bệnh viện buộc phải hoãn mổ, hoặc chuyển tuyến điều trị. Mới nhất, ngày 9-6 vừa qua, máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mới hoạt động trở lại sau nửa năm gián đoạn vì thiếu thuốc phóng xạ mà nguyên nhân là do vướng các thủ tục giấy tờ.

Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới tình trạng đáng lo ngại trên là khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc… của đại đa số các bệnh viện cả công và tư. Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế thì chậm ban hành hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng nên đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện. Lãnh đạo các cơ sở y tế không mặn mà, thậm chí ngần ngại, không dám làm trong thực hiện các gói thầu mua sắm. Đây là điều rất đáng lo ngại bởi sẽ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh…

Thắp lên ngọn lửa “lương y như từ mẫu”

Việc những cơ sở y tế có cán bộ, nhân viên “nhúng chàm” dẫn tới lo lắng, khó tập trung vào công việc chuyên môn cũng là điều có thể hiểu được, nhất là đối với những công việc đòi hỏi mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng ranh giới đúng - sai không phải lúc nào cũng rõ ràng. Luật pháp luôn nghiêm khắc và công bằng, ai sai phạm, sai đến đâu xử lý đến đó, đúng người đúng tội. Những người dính vào tiêu cực, vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Việc vạch rõ, lên án những tiêu cực là cần thiết để cảnh tỉnh và răn đe những hành vi vi phạm không xảy ra trong tương lai. Song, cũng rất công tâm và sòng phẳng là phải lên án chính xác những cá nhân, việc làm vi phạm pháp luật, tuyệt đối không nên đánh đồng, “vơ đũa cả nắm”, xúc phạm, ảnh hưởng tới những người không liên quan.

Những lo lắng, tâm tư của đại đa số cán bộ, nhân viên y tế là rất đáng quan tâm. Các “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đầu bảo vệ sức khỏe người dân mà dao động tinh thần thì người bị ảnh hưởng, thiệt thòi chính là người bệnh. Hơn lúc nào hết, ngành y đang rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ, động viên của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Họ cần sự sát cánh để lấy lại niềm tin, vực dậy tinh thần và uy tín “lương y như từ mẫu” vốn có lâu nay.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người dân mong những “chiến sỹ áo trắng” can đảm, quả cảm không vì “sóng cả mà ngã tay chèo”. Những “con sâu” đã bị loại bỏ chính là để “cây xanh” ngành y ngày càng tươi tốt, xum xuê hơn, phủ bóng mát lành lên sức khỏe người bệnh. Xã hội chúng ta luôn xem “lương y như từ mẫu”, sự ủng hộ của dư luận lúc này hết sức quan trọng để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế vững niềm tin trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người dân, xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào chắc chắn luôn tin tưởng, gửi gắm thứ quý giá nhất của bản thân là sức khỏe cho những “chiến sỹ áo trắng”. Trông đợi những người lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành y sẽ tiếp tục tự tin thắp lên ngọn lửa truyền thống “lương y như từ mẫu”, thổi luồng gió mới vào công tác quản lý, điều hành, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: Không nên nhìn vào những “con sâu làm rầu nồi canh”

6

Đợt dịch vừa qua, nhắc đến đội ngũ y bác sỹ, tôi thấy họ đúng là những “thiên thần áo trắng”, “thiên sứ của tình yêu thương”. Thực sự tôi vô cùng biết ơn và ngưỡng mộ những con người sẵn sàng hy sinh tất cả vì sức khỏe và tính mạng của người dân. Hình ảnh những “thiên thần áo trắng” ngất xỉu trong bộ đồ bảo hộ giữa cái nóng như đổ lửa thực sự không có từ ngữ nào diễn tả được.

Vừa qua, ngành y tế có một số cá nhân làm xấu đi hình ảnh của các thầy thuốc, nhưng chúng ta không nên nhìn vào đó để phủ nhận thành quả chống dịch của hàng vạn y bác sỹ. Bởi họ chỉ là số ít và là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn sự hy sinh của phần lớn các chiến sỹ áo trắng ngày đêm tận tụy lo cho tính mạng người dân không thể bị phủ nhận. Khi những tiêu cực của ngành y tế xảy ra, chúng ta càng trân trọng và thương yêu các thầy thuốc nhiều hơn, không thể đổ đồng họ với những kẻ tham lam. Các y bác sỹ tuyến đầu đã cố gắng không ngừng để cứu bệnh nhân, đúng nghĩa là những chiến sỹ ngoài trận tuyến khốc liệt. Hình ảnh của họ với tôi vẫn là những thiên thần. Còn ngành nghề nào cũng vậy, vẫn còn có những kẻ xấu xa tham lam, những kẻ đó không xứng đáng khoác tấm áo blu trắng thiêng liêng.

Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam: Đừng ứng xử với các y bác sỹ theo cách “giậu đổ bìm leo”

7

Dù ngành y thời gian vừa qua có những “con sâu làm rầu nồi canh”, song chúng ta không thể nào vì thế mà phủ nhận những cống hiến, hy sinh lớn lao của đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Họ là những chiến sĩ áo trắng quả cảm đã quên mình lao vào tâm dịch để cứu chữa cho nhân dân. Tôi còn nhớ có Đại biểu Quốc hội ở TP.HCM đề nghị phải xây dựng tượng ghi công các y bác sĩ đã hy sinh sức khỏe, tình cảm cá nhân, gia đình và thậm chí là cả tính mạng để bước vào nơi mà chỉ trong gang tấc có thể mất đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến đó. Đấy là những hy sinh to lớn mà chúng ta phải ghi nhận chứ không thể vì những “con sâu” trong ngành mà đánh đồng, phủ nhận công lao của lực lượng y bác sĩ được.

Trong lĩnh vực nào cũng vậy, không chỉ ở ngành y, những kẻ thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đứng trước đồng tiền không giữ được phẩm cách, thì chắc chắn sẽ phải trả giá bằng những bản án pháp luật. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải có đánh giá khách quan, không được “vơ đũa cả nắm”. Những hy sinh, cống hiến thì phải được vinh danh xứng đáng, không được vì chuyện này chuyện kia do một số cá nhân gây ra mà cào bằng, “giậu đổ bìm leo”, vì làm vậy là không công bằng với những đóng góp, hy sinh của các y bác sĩ.

Không chỉ trong hoàn cảnh dịch bệnh mà ngay giữa cuộc sống bình thường, không có đội ngũ y bác sĩ thì làm sao có thể chăm sóc được sức khỏe cho nhân dân. Trong dịch bệnh đã nguy hiểm, nhưng ngày thường các y bác sĩ cũng phải vất vả hàng ngày hàng đêm trong bao nhiêu bệnh viện để chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho bao nhiêu ca bệnh khó. Công lao đó của họ phải được cả xã hội nhìn nhận và biết ơn. Tôi nghĩ nghề y là một nghề vất vả, nhiều hy sinh cho cộng đồng. Sự tốt đẹp đó là trường tồn không gì có thể phủ nhận được. Mong rằng trong thời gian tới, những người thầy thuốc của chúng ta phát huy hơn nữa những phẩm chất tốt đẹp của cái nghề cao quý này và sẽ không có thêm “con sâu” nào làm ảnh hưởng đến danh tiếng cao đẹp của cả ngành y.

Nhà thơ Vương Tâm: Trân trọng những hy sinh của đội ngũ y tế trong đại dịch

8

Tôi ở Hà Nội nhưng cũng cảm nhận được hết sự nguy nan, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trong hoạn nạn, chúng ta mới biết tới những nghĩa cử cao đẹp. Sự hy sinh bản thân và hạnh phúc gia đình để lao vào tâm dịch của đội ngũ y bác sĩ thật cao cả và là một hình ảnh đẹp trong lòng những người dân Việt Nam. Một cuộc chiến thật sự với dịch bệnh đã diễn ra và các y bác sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Đã có không ít các thầy thuốc hy sinh, biết bao gia đình của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế buộc phải ly tán trong thời gian dài dịch Covid-19 hoành hành. Những hy sinh đó không thể diễn tả hết bằng lời và chúng ta luôn trân trọng điều đó.

Vừa qua, ngành y tế đã có những chuyện không hay xảy ra với một số cá nhân và làm xấu đi hình ảnh của các thầy thuốc. Nhưng tôi tin, mọi người sẽ đủ tỉnh táo để không đánh đồng tất cả. Những nỗ lực cần được ghi nhận, những sai phạm cần được xử lý dứt điểm. Có như thế, kỷ cương đất nước mới được thực thi, thúc đẩy sự phát triển và cống hiến của mỗi cá nhân.

Như Ý (Ghi)

Ngày đăng: 08:42 | 12/06/2022

Hoàng Hà / ANTĐ