Dưới thời trị vì của vua Quang Trung, lần đầu tiên loại chữ viết do người Việt sáng tạo được dùng trong văn bản hành chính.
Theo nhiều nghiên cứu, chữ viết đầu tiên được người Việt sử dụng là chữ Hán. Một số ý kiến cho rằng có thể chữ viết của người Việt cổ đã có từ thời các vua Hùng, nhưng di chỉ khảo cổ học vẫn chưa chứng minh được.
Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài từ đầu công nguyên đến năm 938, người Hán đưa chữ viết vào nước ta. Sau khi giành được độc lập từ thế kỷ X, trừ giai đoạn nắm quyền ngắn ngủi của nhà Tây Sơn, chữ Hán là chữ viết chính thức.
Suốt thời kỳ này, chữ Nôm từng bước được hoàn chỉnh, phát triển nhưng vẫn không thể thay thế được chữ Hán trong các văn bản hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Chữ viết đầu tiên của người Việt
Theo ghi nhận của các công trình nghiên cứu, chữ Nôm là loại chữ viết đầu tiên do người Việt sáng tạo. Dù được hình thành trên cơ sở của chữ Hán, nó là sản phẩm trí tuệ của người Việt. Chữ Nôm ra đời ở nước ta khá sớm và cũng có những giai đoạn phát triển rực rỡ, với nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Vua Quang Trung vừa là nhà quân sự tài ba, vừa có tài lãnh đạo đất nước. Ảnh: YouTube.
Sau khi đất nước giành được độc lập, chữ Nôm ngày càng phát triển hoàn chỉnh hơn. Thời Lý - Trần đã xuất hiện những tác phẩm văn học bằng chữ Nôm đầu tiên. Hàn Thuyên - quan thượng thư bộ hình thời Trần - được xem là người đầu tiên sáng tác thơ bằng chữ Nôm.
Hồ Quý Ly - vị vua nổi tiếng với những cải cách tiến bộ vượt thời đại - dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1400-1407), ông cũng kịp đưa chữ Nôm vào nội dung thi cử, cho dịch một số sách ra chữ Nôm.
Nhà Hồ sớm bị đánh bại nên những cải cách của Hồ Quý Ly mãi chỉ là giấc mơ dang dở.
Sang đến thời Hậu Lê (1428-1789), chữ Nôm đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều tác phẩm văn học như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông hay Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm… được sáng tác bằng chữ Nôm.
Dưới thời Nguyễn, chữ Nôm tiếp tục được người Việt sử dụng rộng rãi trong dân gian, đặc biệt trong sáng tác thơ phú. Những tác giả tiêu biểu là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu…
Vua Quang Trung và cuộc cải cách về chữ viết
Cùng với sự phát triển của lịch sử, chữ Nôm phát triển, chiếm được vị trí ngày càng quan trọng trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, chữ Nôm vẫn chưa thể vươn tầm thành thứ văn tự chính thức, được sử dụng trong các văn bản của quốc gia. Nó chỉ tồn tại như ngôn ngữ dân gian, ngoại trừ thời gian trị vì 24 năm của nhà Tây Sơn.
Bốn trang đầu của sách Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca dùng chữ Nôm để học chữ Nho. Ảnh: Wikipedia .
Vua Quang Trung chính là người đầu tiên trong lịch sử đưa chữ Nôm vào các văn bản hành chính của nhà nước thời kỳ này. Nhà vua đã cho lập Sùng Chính thư viện ngay tại chân núi Thiên Nhẫn, nơi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp quy ẩn để mời ông làm viện trưởng, chịu trách nhiệm dịch các loại sách thời kỳ này sang chữ Nôm.
Cùng với Nguyễn Thiếp, nhiều nhân sĩ nổi tiếng thời kỳ này cũng được mời ra cộng tác như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch…
Vào năm Quang Trung thứ năm (1792), Viện Sùng Chính dịch xong bộ Tứ thư và Tiểu học. Nhà vua xuống chiếu sai dịch tiếp các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch…
Nhờ sự khuyến khích của vua Quang Trung, văn chương chữ Nôm thời kỳ này phát triển mạnh, khẳng định được vị thế của mình. Tiếc là, sự ra đi của vua Quang Trung kéo theo sụp đổ của vương triều Tây Sơn, khiến chữ Nôm không còn giữ được vị thế của mình.
Đến thời Nguyễn, Nhà nước lại quay lại với việc sử dụng chữ Hán trong các văn bản hành chính nhà nước.
Chữ quốc ngữ hiện nay ra đời vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Nó được các giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra để phục vụ việc truyền đạo công giáo vào nước ta. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chính quyền thuộc địa đã từng bước đưa chữ quốc ngữ vào trường học để cùng với tiếng Pháp thay thế chữ Hán tồn tại hàng nghìn năm trước đó. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, nước ta chính thức dùng chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức của dân tộc cho đến ngày nay. |
Sao lại phải cải cách chữ viết chỉ để... người nước ngoài dễ học? Trao đổi với một tờ báo, GS Ngô Như Bình (công tác tại ĐH Harvard – Hoa Kỳ) cho rằng việc cải cách chữ viết ... |
Cải cách chữ viết: Dân tẩy chay, chuyên gia chê, Bộ từ chối Phát biểu trên chương trình “Cà phê sáng” của VTV ngày 28.11, TS Đoàn Hương cho rằng đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS.TS ... |
Nói nghiêm túc về chuyện cải cách chữ viết Không thể đem ví chuyện điên rồ cải cách toàn bộ chữ viết của ông Bùi Hiền với việc phát hiện ra thuyết nhật tâm, ... |
Ngày đăng: 07:00 | 08/12/2017
/ http://danviet.vn