Vụ công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên sớm có động thái để dư luận tin tưởng vào bản lĩnh “tư lệnh” ngành.

vu vn pharma bo truong y te khong the dung ngoai cuoc Nếu được làm lại, Bộ trưởng Tiến có chọn cách minh bạch như thế này không?!
vu vn pharma bo truong y te khong the dung ngoai cuoc Lòng tin bị đánh cắp giữa \'ngôi đền thiêng\'
vu vn pharma bo truong y te khong the dung ngoai cuoc Minh bạch và Bộ trưởng

Những ồn ào xung quanh vụ công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả vẫn chưa hết dù bản án đã được tuyên. Trách nhiệm của các cán bộ ngành y tế là điều cần phải làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Với vai trò người đứng đầu, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên sớm có động thái để dư luận tin tưởng vào bản lĩnh “tư lệnh” ngành. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, sau khi tòa tuyên án vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư giả, đã có những ý kiến cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế trong vai trò quản lý Nhà nước lĩnh vực mình phụ trách phải được nhìn nhận rõ ràng. Cá nhân ông suy nghĩ thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Gần đây, sau khi HLV Hữu Thắng ngỏ lời xin lỗi người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi không thể giúp U22 lọt vào bán kết SEA Games 29 và xin từ chức, tôi thấy có ý kiến liên hệ với câu chuyện lùm xùm của ngành y tế thời gian gần đây. Nhưng tôi nghĩ cũng không nên so sánh như vậy.

Nhập lậu thuốc ung thư giả ảnh hưởng đến sinh mệnh con người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Rồi chuyện nhập trang thiết bị y tế lạc hậu, giá thuốc “trên trời”, chênh giá vật tư y tế và nhiều câu chuyện bức xúc khác đã khiến ngành y tế trở thành tâm điểm chú ý.

Vụ việc lần này là trường hợp đã phát hiện, còn bao nhiêu trường hợp chưa bị phát hiện? Đây mới là vấn đề đáng ngại. Ngoài những bị cáo nhận án tù, chắc chắn trách nhiệm cán bộ ngành y tế, đặc biệt cán bộ cục Quản lý Dược là không thể chối cãi.

Ngay như Bộ trưởng bộ Y tế cũng không thể đứng ngoài cuộc. Là “tư lệnh” ngành, trực tiếp quản lý lĩnh vực y tế, trên vai Bộ trưởng là niềm tin của hàng triệu nhân dân, cử tri gửi gắm. Khi có vụ việc như vậy xảy ra, tôi nghĩ Bộ trưởng cần nghiêm túc xem xét lại cách quản lý của mình. Vì sao Bộ trưởng lại để cho các thuộc cấp qua mặt dễ dàng như vậy? Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, làm sao có thể im lặng.

Cả tuần nay khi vụ án đưa ra xét xử, tôi có theo dõi thông tin và chưa thấy Bộ trưởng bộ Y tế lên tiếng về trách nhiệm cá nhân trong quản lý mà chỉ nói chung chung về việc ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng nên có động thái sớm, kể cả việc nhận trách nhiệm ở mức độ như thế nào đó, đồng thời hứa với Đảng, nhân dân và cử tri sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Động thái này là để cử tri yên tâm về sự quyết liệt, mạnh dạn của người đứng đầu.

PV: Trước đó, đã có nhiều vụ việc, điển hình như vụ ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa từng khiến dư luận bức xúc nhưng không ai nhận trách nhiệm. Chỉ đến khi sai phạm được chỉ rõ, biết sẽ mất chức, họ mới có động thái viết đơn xin nghỉ. Dư luận cho rằng như thế là “cố đấm ăn xôi”?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi không nghĩ Bộ trưởng bộ Y tế có sự quanh co trong câu chuyện này, nhưng rõ ràng là chưa thật lòng trong nhận trách nhiệm sau khi vụ việc xảy ra. Bộ trưởng tuyên bố kiên quyết xử lý trách nhiệm những người sai phạm, nhưng riêng trách nhiệm cá nhân của mình trong quản lý ngành chưa hề có, như vậy là thiếu sót.

Tôi nghĩ, xử lý trách nhiệm đến đâu, như thế nào đã có cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra. Nhưng tự nhìn nhận về yếu kém trong quản lý ngành thì chắc chắn, Bộ trưởng nên là người chủ động vì điều này khó chối bỏ.

Sự việc sai phạm đã rõ như ban ngày, mức độ ra sao, sai phạm từng cá nhân ở bộ Y tế thế nào cần chờ tiếp tục điều tra. Nhưng là “tư lệnh” ngành cần có động thái sớm trước những sai phạm của cán bộ dưới quyền. Như thế để thấy rằng, Bộ trưởng là người dũng cảm, dám nhận trách nhiệm, không nên chậm trễ, dư luận sẽ bức xúc.

PV: Sau nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, dù là đương chức hay từ chức thì vẫn phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nếu như có sai phạm. Từ chức không phải chối bỏ trách nhiệm mà cũng là cách để được nhìn nhận và tôn trọng hơn. Ông có suy nghĩ thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi tin rằng, nếu là người đứng đầu có trách nhiệm, bản lĩnh thì sẽ sẵn sàng nhận lỗi. Như vậy, người dân sẽ càng thêm tin tưởng. Nhận lỗi không phải là xấu mà là nhìn rõ bài học để làm mọi việc một cách tốt hơn. Văn hóa từ chức ở Việt Nam vẫn là câu chuyện phải bàn nhiều, nhưng có động thái sớm là để dư luận yên tâm và coi trọng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

http://www.nguoiduatin.vn/vu-vn-pharma-bo-truong-y-te-khong-the-dung-ngoai-cuoc-a337537.html

Ngày đăng: 15:01 | 01/09/2017

/ Dương Phong Thu/nguoiduatin.vn