NASA hôm 28/10 công bố ảnh chụp cực hiếm về vụ va chạm giữa hai thiên hà khổng lồ cách Trái Đất khoảng 704 triệu năm ánh sáng.
Hai thiên hà sáp nhập tạo ra hình dạng khuôn mặt. Ảnh: NASA. |
Hình ảnh được chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) khiến người xem liên tưởng tới "khuôn mặt ma quái" với đôi mắt phát sáng trong không gian sâu thẳm. Mỗi mắt chính là lõi của thiên hà. Hàng tỷ ngôi sao trẻ xung quanh tạo nên hình dạng khuôn mặt với chi tiết mũi và miệng được tạo thành từ các cụm sao dày đặc.
Va chạm giữa các thiên hà xảy ra khá phổ biến trong vũ trụ, tuy nhiên, các vụ đâm trực diện tạo ra vòng tròn phát sáng như vậy là rất hiếm. Chỉ một vài trăm trường hợp được cho là tồn tại trong vũ trụ.
"Các thiên hà phải va vào nhau rất mạnh và đúng hướng, khiến các ngôi sao và đám mây khí bụi của chúng bị đẩy ra ngoài tạo thành vành đai hình tròn", phát ngôn viên của NASA cho biết.
Vụ va chạm được giới thiên văn học được đặt tên Arp-Madore 2026-42. Theo NASA, hình dạng khuôn mặt sẽ không tồn tại mãi mà chỉ kéo dài khoảng 100 triệu năm, bởi hai thiên hà đang dần hợp nhất. Toàn bộ quá trình sẽ diễn ra trong 1 - 2 tỷ năm.
Hình dạng khuôn mặt không phải là điều duy nhất khiến Arp-Madore 2026-42 trở nên đặc biệt. Trong khi phần lớn các vụ va chạm được mô tả do một thiên hà lớn "ngấu nghiến" các thiên hà nhỏ hơn, Arp-Madore 2026-42 là sự hợp nhất của hai thiên hà khổng lồ có kích thước tương đương nhau.
Phát hiện mới mang nhiều ý nghĩa vì nó giúp các nhà thiên văn học hiểu sâu hơn về cách các thiên hà phát triển theo thời gian thông qua các vụ va chạm. Bên cạnh đó, bằng việc phân tích các quan sát từ Hubble, NASA có thể định hướng mục tiêu chính cho kính viễn vọng không gian James Webb, thiết bị "kế nhiệm" của Hubble, dự kiến được phóng lên vào năm 2021.
Đoàn Dương (Theo NASA/Space)
Ngày đăng: 13:38 | 31/10/2019
/ vnexpress.net