Câu chuyện bệnh nhân triệt sản vẫn có bầu đang được chia sẻ ầm ĩ trên mạng xã hội. Người nhà bệnh nhân bức xúc cho rằng, bác sĩ khoa Sản - Bệnh viện Bạch Mai "kém tài, kém đức".
Hồ sơ cho thấy kíp mổ đã không tiến hành biện pháp triệt sản dù bệnh nhân có phiếu yêu cầu (Ảnh: NVCC)
Chị N.T.S (Hà Nội) cho biết, tháng 2.2016, chị sinh con thứ 3 tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước ca mổ đẻ, chồng chị đã ký giấy yêu cầu được triệt sản. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Dư Dậu là người thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản cho chị.
Nghĩ rằng đã được triệt sản, vợ chồng chị yên tâm với phương pháp kế hoạch này. Nhưng ngày 30.11 vừa qua, chị phát hiện mình có thai được 8 tuần. Do đã mổ đẻ 2 lần và hiện nuôi con nhỏ, chị không thể giữ lại đứa bé. Bức xúc về việc có thai dù đã triệt sản, chị liên hệ với bác sĩ Dậu thì vị bác sĩ này khẳng định, việc triệt sản đã được thực hiện.
“Khi tôi hỏi bác sĩ Dậu, ông ấy trả lời rằng xác suất một nghìn người thì một người có thai lại. Ông Dậu còn bảo nếu muốn xác nhận lại xem có đúng không thì đến bệnh viện mổ bụng ra kiểm tra. Ông ấy còn thách thức tôi tìm được hồ sơ bệnh án. Khi tôi đến phòng khám riêng để gặp, ông ấy đuổi tôi ra ngoài”, chị S. chia sẻ.
Cũng theo chị S., sau khi tìm được hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Bạch Mai thì thấy trong cách thức mổ, không có triệt sản. Hồ sơ này được bác sĩ Dậu ký. Điều này cũng có nghĩa bác sĩ Dậu quên triệt sản dù bệnh nhân đã có giấy đăng ký.
Chiều 6.12, trả lời báo chí về vụ việc này, bác sĩ Nguyễn Dư Dậu cho biết, sự việc xảy ra cách đây lâu rồi nên ông không nhớ ca mổ đó có triệt sản cho bệnh nhân hay không.
Theo bác sĩ Dậu, đối với những trường hợp mổ đẻ sinh con 3 lần như chị S., bác sĩ thường tư vấn triệt sản để ngăn việc có thai ngoài ý muốn, tránh phá thai.
Trong quá trình mổ, nếu vào buồng tử cung, tử cung không bị dính vào thành bụng, vào được ổ bụng, tới được vòi trứng thì mới có thể triệt sản (thắt ống dẫn trứng). Nếu tử cung bị dính, không thể triệt sản cho bệnh nhân. Khi đó, bác sĩ phải có nhiệm vụ thông báo cho bệnh nhân việc chưa triệt sản để họ chủ động trong việc tránh thai.
Theo BS Dậu, trong bệnh án chị S., có cam kết xin triệt sản. Nhưng trong cách thức mổ đều không thấy ghi là triệt sản. BS không nhớ sự việc cụ thể, không biết có triệt sản hay không và có thông báo với bệnh nhân hay không. Kể cả đối với bệnh nhân đã triệt sản, vẫn có xác suất có thai lại, không thể nói trước. Có những trường hợp mổ ở đây, triệt sản rồi vẫn có thai trở lại.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã nắm được thông tin và sẽ tiến hành làm rõ sự việc.
Đền bù tai biến y khoa: Chưa có tiền lệ, lúng túng giải quyết Tai biến y khoa là điều không mong muốn nhưng không thể tránh khỏi. Khi tai biến y khoa xảy ra việc đền bù cho ... |
Vụ trẻ 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm: Tạm đình chỉ công tác 5 y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh quyết định tạm đình chỉ công tác với 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng để viết bản tường ... |
Cô gái chuyển giới chết sau khi nâng ngực tại phòng khám \'chui\' Trước khi sự việc này xảy ra, bác sĩ giả từng phẫu thuật thẩm mỹ cho khoảng 1.500 người. |
Ngày đăng: 22:00 | 06/12/2017
/ Lao động