Hai ngày qua, nhiều người bàng hoàng trước thông tin nam sinh chạy Grab là Nguyễn Cao S (quê Thanh Hóa, đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội) chở khách, bị sát hại ở bãi đất hoang thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Vụ việc khiến dư luận ít nhiều băn khoăn về công việc xe ôm công nghệ mà nhiều sinh viên đang chọn để làm thêm.
Sinh viên chạy xe ôm công nghệ và những vất vả
6h sáng, ăn vội tô mì tôm úp, Dương Hạo (22 tuổi, quê ở Hòa Bình) mở ứng dụng xe ôm công nghệ và xách xe ra ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính, chờ cuốc xe. Hạo tranh thủ chạy xe vào buổi sáng và cuối giờ chiều cho đến khuya. Hạo về nhà lúc kim đồng hồ chỉ 23h.
Hạo vừa tốt nghiệp Cao đẳng Công Thương. Trong thời gian chờ việc, Hạo tranh thủ làm lái xe ôm công nghệ, bởi đây là công việc làm thêm dễ kiếm tiền, chủ động về thời gian, phù hợp với sinh viên.
Là lái mới, cùng với việc chưa quen cung đường nên việc chạy xe đối với Hạo gặp không ít khó khăn. Có lần, Hạo chạy xe theo chỉ dẫn của bản đồ trên app lại đi vào… ngõ cụt. Chính vì vậy, mỗi lần có khách, Hạo đều chủ động hỏi khách có thuộc đường không thì chỉ giúp cho bởi vừa lái xe vừa xem bản đồ sẽ không thể tập trung điều khiển xe.
Dương Hạo chia sẻ, trong giới sinh viên chạy xe ôm công nghệ, nhiều bạn kiếm được gần 1 triệu/ngày. Nhưng để được như vậy, tài xế phải chạy khoảng 40 cuốc xe mỗi ngày. Chạy như thế "bào" sức khủng khiếp, mà cũng không còn thời gian để học nữa.
Theo Hạo, sinh viên chạy xe ôm công nghệ chịu không ít những nhọc nhằn, rủi ro thường trực. Như trường hợp của bạn Nguyễn Cao S, tài xế xe ôm công nghệ bị sát hại ở bãi đất hoang rúng động mấy ngày qua. Chỉ vì muốn hoàn thành mục tiêu đạt 150 nghìn/ngày, nên mặc dù biết chở khách là hai thanh niên bặm trợn, nguy hiểm, Sang vẫn cố chạy thêm cuốc xe cuối ngày. Ai ngờ, sự việc xảy ra quá đau lòng.
Nam sinh Nguyễn Cao S bị sát hại. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Chỉ tay vào vết sẹo trên đầu gối, Hạo kể cho phóng viên Lao Động lần tai nạn mà cậu gặp phải. Thời điểm đó vào cuối năm 2018, Hạo đang ngồi uống nước trên vỉa hè ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, có hai thanh niên đến, yêu cầu cậu chở họ đến một con ngõ gần cầu Vĩnh Tuy.
Thấy hai người này tay run, mắt trợn ngược, giọng lắp bắp, nghi đang phê ma túy, nên Hạo yêu cầu khách phải đặt xe qua ứng dụng. Không chịu đặt xe, hai người này còn xô Hạo ngã xuống nền bê tông, rồi bỏ đi.
“Nhiều vụ tài xế xe ôm công nghệ bị cướp, bị giết rồi, sợ lắm. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn còn “nổi da gà”, Hạo bộc bạch.
Dương Hạo nói về nghề chạy xe ôm công nghệ mưu sinh. Ảnh: Cường Ngô |
Nỗi niềm của tài xế sinh viên
Nỗi lo lắng của Hạo cũng là tâm sự chung của nhiều tài xế xe ôm công nghệ hiện nay. Bình (20 tuổi, đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng hành nghề xe ôm công nghệ.
Bình cho biết, các đối tượng trộm cướp thường lựa chọn tài xế mới để “ra tay”. Vì xế mới thường chưa quen đường, khả năng xử lý tình huống kém và dễ bị lợi dụng. Đặc biệt, những đối tượng này không bao giờ đặt cuốc xe qua ứng dụng mà thường thương lượng về giá cả với tài xế.
Một sinh viên khác là anh Nguyễn Văn L (quê Nghệ An) cũng từng bị cướp khi chạy xe ôm công nghệ. Đối tượng này bảo L chở lòng vòng sang khu vực các phường Đại Kim, Hoàng Liệt.
Đến tuyến đường vắng, người này “hiện nguyên hình” là một kẻ trộm cướp. Tại đây, đối tượng bất ngờ rút dao khống chế và cướp xe của L.
Mấy ngày sau, Công an quận Hoàng Mai đã bắt giữ hung thủ của vụ cướp. Đối tượng là Nguyễn Minh Đạt (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Anh L khuyên, những lái mới cần hết sức cảnh giác khi chở khách vào buổi tối, ban đêm, nhất là khi khách đề nghị chở đến nơi vắng người.
Ngày đăng: 17:14 | 30/09/2019
/ laodong.vn