Kênh NDTV dẫn một số nguồn tin cho biết một số dây cáp cũ của cây cầu treo có từ thế kỷ 19 nhưng không hề được thay thế.

Sáng 1/11, kênh NDTV dẫn một số nguồn tin cho biết, Oreva - đơn vị chịu trách nhiệm sửa chữa cây cầu bắc qua sông Machchu vừa bị sập đã được Chính quyền thị trấn Morbi, bang Gujarat trao hợp đồng sửa chữa cầu mà không qua đấu thầu từ tháng 3/2022.

Theo nguồn tin, công ty mang tên Oreva này là một đơn vị sản xuất đồng hồ có trụ sở tại bang Gujarat. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Oreva đã thuê công ty xây dựng Devprakash Solutions đảm nhiệm phần kỹ thuật; công ty Oreva chịu trách nhiệm vận hành và bảo trì.

Phần ánh sáng trên cầu được giao cho một công ty có trụ sở tại thành phố Ahmedabad đảm nhiệm và dự kiến sẽ bắt đầu lắp đèn trong thời gian ngắn sắp tới.

vụ sập cầu Ấn Độ: mất 7 tháng sửa cầu nhưng không thay dây cáp từ thế kỷ 19

Hiện trường sập cầu treo tại bang Gujarat, Ấn Độ ngày 30/10. Ảnh - AFP

Kênh NDTV dẫn một số nguồn tin cho biết một số dây cáp cũ của cây cầu treo có từ thế kỷ 19 nhưng không hề được thay thế.

Tuy nhiên, khi mở lại cây cầu vào tuần trước, Giám đốc điều hành Oreva Jaysukhbhai Patel khẳng định công ty đã hoàn thành 100% quá trình sửa chữa và không bị đội chi phí.

Hôm 24/10 – vài ngày trước khi xảy ra vụ sập cầu, tại buổi họp báo công bố mở cửa trở lại, nhà thầu Oreva khẳng định đã hoàn tất công tác sửa chữa, có thể cho phép cây cầu cổ gần 150 tuổi hoạt động thêm ít nhất 8-10 năm nữa, người dân có thể tận hưởng những hành trình thoải mái, không lo lắng.

Thậm chí, “nếu mọi người hành động có trách nhiệm, không phá hoại tài sản thì cầu có thể hoạt động tới 15 năm” - Giám đốc quản lý Oreva nói và nhấn mạnh, toàn bộ quá trình tu sửa đã gói gọn trong 20 triệu rupee như ước tính ban đầu, không phát sinh thêm chi phí.

Cuộc họp báo này đã được các cổng thông tin địa phương ở Morbi truyền trực tiếp.

Cũng tại sự kiện này, trả lời câu hỏi từ phóng viên địa phương, Giám đốc điều hành Oreva – ông Jaysukhbhai Patel giải thích thêm về việc tính phí qua cầu.

Ông Patel cho biết cách làm này là để hạn chế số người lên cầu và kiểm soát đám đông. Với sinh viên hoặc những người đi theo nhóm lớn sẽ được giảm giá. Mỗi năm trong vòng 7 năm tới, công ty sẽ đánh giá lại phí qua cầu, có thể giảm xuống còn khoảng 1-2 rupee.

Tuy nhiên, ông Sandeepsinh Zala, người đứng đầu chính quyền thị trấn Morbi, cho biết công ty Oreva không thông báo với giới chức địa phương về việc mở lại cầu và giới chức cũng chưa nghiệm thu, cấp phép cho cầu hoạt động trở lại. Công ty Oreva chưa phản hồi trước thông tin trên.

Theo một số thông tin điều tra ban đầu, cây cầu bị sập vì quá tải. Cơ quan điều tra đã phân tích những mẫu kim loại lấy từ cầu Morbi, kết quả cho thấy đám đông hàng trăm người trên cầu đã gây ra sức ép lên cấu trúc cầu, dẫn tới thảm kịch.

Cảnh sát địa phương đã bắt 9 nghi phạm liên quan tới vụ sập cầu bao gồm một số giám đốc công ty Oreva, người thu phí lên cầu, nhà thầu tu sửa cầu, 3 nhân viên an ninh chịu trách nhiệm kiểm soát đám đông.

Giới chức địa phương vẫn đang tiếp tục công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích sau vụ sập cầu Morbi. Một số quan chức lo ngại rằng gần một trăm nạn nhân có thể mắc kẹt dưới lớp bùn dưới sông.

Thảm kịch xảy ra khi khoảng 500 người đang tập trung trên và xung quanh cầu Morbi để thực hiện một nghi lễ tôn giáo thì cây cầu treo bất ngờ đứt dây, khiến nhiều nạn nhân rơi xuống sông.

 https://www.baogiaothong.vn/vu-sap-cau-an-do-mat-7-thang-sua-cau-nhung-khong-thay-day-cap-tu-the-ky-19-d571307.html

Ngày đăng: 09:16 | 01/11/2022

Trang Trần - Hoàng Anh / Báo Giao thông