Tiếp tục kêu oan, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79 khẳng định chỉ vay cá nhân ông Trần Phương Bình 200 tỷ, không chiếm đoạt.
Chiều 30/11, phiên xử ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) và 24 bị cáo tiếp tục phần xét hỏi.
Trả lời thẩm vấn của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bảo vệ cho mình, Vũ Nhôm hướng mắt lên trên "xin HĐXX ghi nhận tất cả nội dung" mà bị cáo gọi là sự thật. "Với tư cách công dân bị cáo có trách nhiệm trả lời các câu hỏi được đặt ra. Bị cáo đem tính mạng của mình, cùng vợ và 6 con ra đặt cược", Vũ nói, giọng rành rọt.
Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Hữu Khoa. |
Tiếp tục kêu oan, Vũ phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của DAB. Ông ta khẳng định số tiền này cùng 13,4 triệu USD là khoản vay cá nhân với ông Bình.
"Trước đó mấy ngày bị cáo đã từ chối mua 60 triệu cổ phần. Bị cáo nói nhiều lần, là chỉ mua 40 triệu cổ phần thôi, công ty không còn tài sản. Anh Bình nói \'sẽ cho em vay bằng tiền cá nhân của anh\'. Nên 9h30 ngày 17/1/2014 anh Bình gọi bị cáo bảo \'đã lo cho em 200 tỷ, chiều rảnh qua ký chuyển vào tài khoản\'", Vũ khai.
Vũ nói không ngủ được kể từ lúc nhận quyết định khởi tố đầu tiên vào ngày 17/4. Bị cáo đã gửi hàng loạt đơn kêu oan đến VKS, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Chủ tịch nước, Trưởng ban Nội chính...
"Đến thời điểm bị bắt anh Bình chưa hề lên tiếng đòi bị cáo 200 tỷ đồng và 13,4 triệu USD. Nhưng bị cáo thừa nhận khoản nợ này, không cần anh Bình yêu cầu bị cáo cũng phải có trách nhiệm trả", Vũ nói bằng giọng cương quyết.
Chủ tịch Công ty Bắc Nam cho biết trong vòng 30 ngày đã chủ động liên hệ gia đình để trả lại tiền. "Anh Bình đang gặp nạn bị cáo đâu thể ngoảnh mặt làm ngơ", Vũ nói.
Trả lời luật sư Trạch sau đó, ông Trần Phương Bình cho biết, việc DAB tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua. "Công ty Bắc Nam 79 thuộc đối tượng mua cổ phần mà DAB chào bán", ông Bình khẳng định.
Lý do "không thành thật" về thực trạng DAB với Vũ, ông Bình nói ngân hàng đang bị âm tài chính, nợ xấu tăng cao. "Nếu nói ra chắc chắn bất kỳ công ty nào cũng không mua", ông Bình nói.
Luật sư Trạch hỏi tiếp: "Tại sao khi cho Công ty Bắc Nam 79 vay 200 tỷ đồng lại không lập hợp đồng?". Cựu Tổng giám đốc DAB khai chưa từng nghĩ đến việc cho Vũ vay thật, mà chỉ định lập phiếu thu khống nên không làm hợp đồng. Từ đó cũng không thỏa thuận lãi suất hay đặt ra kỳ hạn trả với Vũ.
Đối với nguồn tiền cho Vũ mượn, ông Bình không nói rõ và nghĩ "Vũ chưa biết lo từ đâu". Ông Bình cho rằng nếu Bắc Nam 79 trở thành cổ đông của DAB thì ngân hàng này có thể huy động thêm vốn.
Tòa nghỉ đến thứ hai (3/12) tiếp tục xét hỏi.
Theo cáo trạng, trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2013, ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DAB. Tuy nhiên, Vũ Nhôm chỉ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng trị giá 400 tỷ đồng. 200 tỷ còn lại Vũ được ông Bình xuất quỹ của DAB ứng bù. DAB sau đó tăng vốn điều lệ không thành công nên chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 số tiền gốc 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ tiền lãi. VKSND Tối cao xác định, Vũ Nhôm chiếm đoạt của DAB tổng cộng 203 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo nhân viên xuất quỹ chi 293 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD. Trong đó có 13,4 triệu USD được cho là mua giúp Vũ Nhôm nhưng ông này chưa trả lại cho DAB.
Bị cáo buộc đồng phạm với Phan Văn Anh Vũ, ông Trần Phương Bình cùng 24 bị cáo còn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo đã gây thiệt hơn 3.600 tỷ đồng của DAB.
Kỳ Hoa
Vũ "nhôm" hơn 90 lần đề nghị vay tiền Trần Phương Bình
Vũ khai nhiều lần vay tiền của ông Bình, với số tiền hàng triệu USD. Về hành vi mượn 200 tỷ mua cổ phần cũng ... |
Vũ \'nhôm\' quyết không khai mục đích mua 13,4 triệu USD
Khi được HĐXX hỏi về mục đích sử dụng 13,3 triệu USD mà Vũ "nhôm" đã nhờ Trần Phương Bình mua giúp, bị cáo này ... |
Ngày đăng: 17:30 | 30/11/2018
/ VnExpress