Chiến dịch Đương Dương – Trường Bản trong lịch sử hay trong tiểu thuyết đều được mô tả theo cùng một kiểu: Lưu Bị rút chạy, quân Tào truy kích. Lưu Bị thua thê thảm phải bỏ cả vợ con.
Tuy nhiên, chiến dịch tưởng chừng đã được mọi người biết rất rõ này vẫn còn một số chi tiết mà người đời chưa hiểu rõ.
Chiến lược chính trị
Đối với Tào Tháo mà nói, chiến dịch bình định Kinh Châu là hết sức thuận lợi. Từ nhiều năm về trước, tông tặc Kinh Châu và cả những trí thức tạm lánh nạn ở đây đã có xu hướng muốn đem Kinh Châu bán cho Tào Tháo.
Lúc chiến dịch bắt đầu, Lưu Biểu lại bệnh chết, Kinh Châu không người làm chủ. Lưu Tông được tông tặc Kinh Châu suy tôn lên nắm quyền cũng chỉ có thể ngả theo ý kiến của bọn họ, đem cả châu ra đầu hàng Tào Tháo. Chiến thắng tuyệt đối của Tào Tháo ở Kinh Châu là không thể bàn cãi, nếu không có Lưu Bị.
Lưu Bị và Gia Cát Lượng viếng mộ Lưu Biểu.Tranh thời Nguyên
Lưu Bị là một tay cao thủ chính trị. Binh lực của Lưu Bị không bằng Tào Tháo, nên không thể ngăn Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, nhưng Lưu Bị có thể ngăn Tào Tháo đánh chiếm lòng người Kinh Châu. Chiến lược mà Lưu Bị thực hiện là kêu gọi dân chúng rút chạy. Cuộc rút chạy bắt đầu từ Phàn Thành – nơi Lưu Bị đóng quân – kéo dài đến tận huyện Đương Dương. Trên đường đi, Lưu Bị không ngừng kêu gọi mọi người chạy nạn. Khi qua Tương Dương, Bị “dừng ngựa hô gọi Tông” cũng là nhằm mục đích đó. Lưu Tông sợ hãi không đi nổi, nhưng rất nhiều người dưới trướng Lưu Tông đã chạy theo Lưu Bị. Rất nhiều nhóm người đã gia nhập đoàn người tị nạn đó.
Lúc đến Đương Dương thì đã hơn mười vạn người. Bầu không khí sợ hãi quân Tào có thể nói là bao trùm Kinh Châu. Tuy nhiên, bầu không khí này là không tự nhiên.
Tiền Chấn Hoàng đã nhận xét rằng: “Ôi, nhân tình nếu không phải là bất đắc dĩ thì chẳng lìa quê hương, huống hồ Tiên chủ là kẻ chạy trốn cái chết, đi theo chưa chắc đã được sống; Lưu Tông đã hàng, không đi chưa chắc đã phải chết”. Vậy tại sao mọi người lại bỏ đi? Họ Tiền cho rằng: “Theo ý ta thì dân chúng Kinh Châu vì lúc Tào Tháo đánh Từ Châu, chẳng chừa gà chó, bởi vậy mới không sợ mà theo Tiên chủ chạy trốn.
Nếu không như thế thì vì sao lại đến nước ấy?”. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chuyện Tào Tháo tàn sát Từ Châu là việc đã quá xa vời. Từ đó về sau, rất nhiều chiến dịch chinh phạt của Tào Tháo đều lấy vỗ về dân chúng làm gốc. Dân chúng Kinh Châu sẽ không tự dưng chấn động, rời bỏ làng xóm. Tất phải có người kích động.Kẻ kích động đó mười phần chắc chín là Lưu Bị.
Lưu Bị rất cao tay. Trong chiến dịch Đương Dương, mọi người đều nói Lưu Bị lấy dân làm gốc, thực tế có thể nói Lưu Bị còn lấy dân làm lá chắn. Tào Tháo đem năm ngàn tinh kỵ Hổ Báo đi truy kích Lưu Bị, đương nhiên cũng càn quét luôn cả nạn dân. Tào Tháo lấy được đất Kinh Châu, nhưng lại mất lòng người Kinh Châu. Mầm mống thất bại của Tào Tháo đã nảy lên ngay từ trong chiến thắng.
Bản đồ hiện đại cho thấy Quan Vũ và Lưu Bị chia quân từ Phàn Thành; trên thực tế phải tới Đương Dương thì Lưu Bị mới chia quân
Tôn Lưu, ức Tào
Lưu Bị chẳng những dìm Tào Tháo xuống mà còn tự tôn mình lên. Sau này Lưu Bị sẽ nói rõ: chiến lược xuyên suốt của Lưu Bị là làm ngược lại với Tào Tháo: Tháo cấp bách, ta khoan hòa; Tháo tào bạo, ta nhân từ; Tháo quỷ quyệt, ta trung hậu. Đó không chỉ là làm ngược mà còn là tô vẽ bộ mặt độc ác cho Tào Tháo, sau đó tự đối lập lại bằng hành động trung thực, nhân từ, khoan hòa của Lưu Bị. Điều này cũng thấy rõ trong chiến dịch Đương Dương.
Trong quá trình rút lui từ Phàn Thành tới Đương Dương, Lưu Bị liên tục cho thấy mình là một hình mẫu mẫu mực về nhân nghĩa. Đầu tiên là chuyện không đánh úp Lưu Tông.Tam quốc chí cho biết, Gia Cát Lượng “thuyết phục Tiên chủ đánh Tông, có thể lấy được Kinh Châu”. Lưu Bị nói: “Ta không nỡ”.
Chuyện này cũng được Khổng Diễn nhắc đến trong Hán Ngụy xuân thu. Có người khuyên Lưu Bị nên cướp Lưu Tông và quan lại, kẻ sĩ của Kinh Châu, đưa về nam tới Giang Lăng. Lưu Bị đã từ chối. Trên thực tế, Lưu Bị không đồng ý cướp Lưu Tông để lệnh Kinh Châu, nhưng có dừng ngựa lại gọi Tông đi cùng với mình. Lưu Tông sợ hãi đã không đi theo.
Kế đến là chuyện tế phần mộ Lưu Biểu. Điển lược nói: “Bị đi qua từ giã mộ của Biểu, rồi rơi lệ mà đi”. Mộ của Lưu Biểu ở phía đông thành Tương Dương. Lư Bật đã khen Bị “Tiên chủ nhung mã thảng thốt, mà còn không quên cố nhân, nên đáng được lòng người”.
Tiếp đến là chuyện không bỏ dân chúng, lấy dân làm gốc. Tam quốc chí cho biết, lúc đi tới Đương Dương, đoàn người đi rất chậm. Có người khuyên Lưu Bị bỏ dân chúng lại, đi trước tới chiếm Giang Lăng. Lưu Bị trả lời rằng: “Ôi, người thành đại sự ắt phải lấy người làm vốn. Nay người đã theo ta, ta sao nỡ vứt bỏ mà đi?”.
Những biểu hiện của Lưu Bị trong cuộc rút quân này đã được Tập Tạc Xỉ hết lời ca ngợi. Họ Tập nói: “Tiên chủ tuy nghiêng ngửa hiểm nạn, mà tín nghĩa càng sáng, thế bức việc nguy mà nói năng không lỗi đạo. Nhắc lại sự chiếu cố của Cảnh Thăng, ắt tình nghĩa cảm động ba quân; quyến luyến kẻ sĩ theo nghĩa, ắt họ vui cùng chịu bại.
Há chỉ hòa rượu xuống sông, hỏi thăm cơn rét, mớm thuốc, thăm bệnh mà thôi đâu. Cuối cùng làm thành nghiệp lớn há chẳng đáng sao?”. Tuy nhiên, có người cho rằng những biểu hiện trên của Lưu Bị hoàn toàn là “diễn xuất”.
Hoàng Dĩ Chu thời Thanh có nhận xét rằng: Chiếm cứ Kinh, Ích là sách lược được hoạch định từ Long Trung, không phải chỉ là ý tưởng nảy ra trong một ngày. Lưu Bị tán đồng, chưa từng quên điều đó. Nói rằng không nỡ, thực ra là “kẻ anh hùng giỏi lừa người, mượn việc ấy để lung lạc kẻ sĩ Kinh Châu mà thôi”.
Họ Hoàng cho rằng “kì thực là trong lòng khiếp sợ quân Tháo thôi. Tháo xuống phía nam, binh mấy chục vạn, khí thế rất mạnh. Bộ hạ Tiên chủ bất quá vài ngàn, cướp Tông chẳng khó, cự Tháo không dễ. Xem điều được điều mất, chi bằng dưỡng sức đợi thời? Tiên chủ đã tính kế kỹ càng rồi”.
Cuộc đối đáp ở Đương Dương tựa hồ cũng mang cùng một tính chất như thế. Bằng chứng là Lưu Bị vừa mở miệng nói “người đã theo ta, ta sao nỡ vứt bỏ mà đi?”, nhưng quân Tào vừa tới, Lưu Bị liền vứt hết mà chạy. Không chỉ chẳng quan tâm tới người mới theo, mà ngay cả vợ con cũng không màng tới. Lưu Bị chỉ cùng với Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân và mấy chục quân kỵ bỏ chạy.
Kết quả, hai người con gái của Lưu Bị bị kẻ cầm đầu Hổ Báo kỵ là Tào Thuần bắt giữ. Triệu Vân quay lại, tìm được Cam phu nhân và A Đẩu. Lưu Bị lúc này chẳng màng gì đến Giang Lăng mà phải chạy tới bến sông Hán (Hán Tân). Nhưng việc bỏ chạy đó vẫn còn chứa đựng một tính toán khác.
Hoàng Dĩ Chu cho rằng Lưu Bị chỉ muốn lung lạc kẻ sĩ
Bước rẽ chiến lược
Lúc bắt đầu xuất phát ở Phàn Thành, mục tiêu của Lưu Bị là chiếm cứ Giang Lăng. Giang Lăng là đất quan trọng, “có quân thực” – tức là lương thực và khí giới. Thành Giang Lăng cũng vững. Ngay từ lúc ban đầu đã có người khuyên nên bắt Lưu Tông, đưa về Giang Lăng để tổ chức chống Tào.
Lưu Bị dẫn đoàn người ùn ùn xuống phía nam ý chừng cũng nhằm mục đích đó.Nhưng đoàn người của Lưu Bị hành quân quá chậm. Lưu Bị lại không nghe lời khuyên bỏ đại đội lại mà đi gấp tới chiếm Giang Lăng. Lưu Bị viện cớ nhân nghĩa không nỡ bỏ người theo mình, nhưng e rằng còn có ý khác.
Tam quốc chí cho biết: “đến khi tới Đương Dương, số người đã hơn chục vạn, xe truy trọng mấy ngàn chiếc, ngày đi hơn mười dặm, biệt phái Quan Vũ cưỡi mấy trăm chiếc thuyền, sai hội ở Giang Lăng”. Câu này rất quan trọng. Lưu Bị chia quân với Quan Vũ là từ Đương Dương, không phải chia từ Phàn Thành như các bản đồ quân sự hiện nay vẫn vẽ. Quan Vũ từ Đương Dương tới Hán Tân chuẩn bị thuyền bè. Lưu Bị biết rõ điều đó nên khi bị truy kích thì liền rẽ sang đường đó.
Từ lúc chia quân, Lưu Bị hẳn là đã bỏ mục tiêu chiếm Giang Lăng. Ở Đương Dương, Lưu Bị đã gặp sứ giả của Tôn Quyền là Lỗ Túc. Túc đã khuyên Bị đi sang nương dựa Tôn Quyền. Vì vậy, Lưu Bị phái Quan Vũ đi Hán Tân, tiếng là hội ở Giang Lăng nhưng có lẽ kỳ thực là chuẩn bị phương tiện để vượt qua sông Hán.
Cho nên lúc bị truy kích, Bị liền “rẽ đường rảo nhanh tới Hán Tân, chợt cùng thuyền Quan Vũ gặp nhau, mới vượt qua được sông Miện”. Qua sông ấy là vào địa giới Giang Hạ của Lưu Kỳ. Tào Tháo thì cứ sợ Lưu Bị chiếm Giang Lăng, chăm chăm chạy về phía nam, để cho Lưu Bị chạy thoát. Tôn Quyền, Lưu Bị đã bắt đầu đưa tay về phía nhau.
Vượt qua cả Lữ Bố, đây mới là nhân vật si tình nhất Tam Quốc Chẳng những vứt bỏ cả sự nghiệp và danh tiếng của mình, nhân vật này còn quay lưng với cả gia tộc họ Tào vì ... |
Tam quốc diễn nghĩa: Vì sao Trương Phi ngủ không nhắm mắt Trong Tam quốc diễn nghĩa Trương Phi là một hổ tướng tính tình nóng nảy, hữu dũng vô mưu, hành xử lỗ mãng. Không những ... |
Ngày đăng: 22:44 | 09/07/2019
/ danviet.vn