Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm chiến hạm Trung Quốc đến Philippines, ảnh: EPA / South China Morning Post. |
South China Morning Post ngày 25/9 phân tích, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực.
Tuần trước của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm Trung Quốc, hai nước cam kết sẽ tập trận chung, đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á.
Các nhà phân tích đã nhận thấy, xuất khẩu vũ khí và gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã cải thiện quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
Động thái này cũng giúp Bắc Kinh khẳng định mình như một lựa chọn thay thế cho Hoa Kỳ vốn tham gia chặt chẽ vào khu vực này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trong bối cảnh an ninh thay đổi nhanh chóng, Trung Quốc đã can thiệp vào khu vực bằng con đường hợp tác quân sự như thế nào?
Với Malaysia:
Quốc gia này đã chứng kiến mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc trong những năm gần đây, sau khi chính phủ Malaysia ngày càng "kẹt tiền".
Kuala Lumpur ngày càng lệ thuộc vào đối tác kinh tế - thương mại Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Malaysia.
Malaysia đã mua máy bay, tàu chiến và tên lửa giá rẻ của Trung Quốc để hiện đại hóa quân đội đang ngày càng "lão hóa".
Năm ngoái hai nước đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 278 triệu đô la Mỹ, Trung Quốc sẽ đóng cho Malaysia 4 tàu tuần tra ven biển.
Trong tháng Tư năm nay, hai nước đã thiết lập một ủy ban hợp tác quốc phòng song phương.
Trung Quốc cũng đã đầu tư 7,2 tỉ đô la Mỹ phát triển một cảng biển lớn nằm gần eo biển Malacca.
Với Lào:
Lào và Trung Quốc đã có mối quan hệ ngoại giao lâu dài. Hai nước tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quân sự trong chuyến thăm 4 ngày của các quan chức Trung Quốc đến Lào trong tháng này.
Hai nước cam kết làm sâu sắc thêm hợp tác quân sự song phương, Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quân đội Lào, theo Tân Hoa Xã.
Trong tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã viện trợ "các thiết bị văn phòng" cho Bộ Quốc phòng Lào.
Trung Quốc đã trở thành nước viện trợ và đầu tư lớn nhất của Lào. Kể từ cuối năm ngoái, hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương.
Với Philippines:
Từng là đồng minh của Hoa Kỳ trong một thời gian dài, nhưng mối quan hệ chiến lược này đã thay đổi dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Quan hệ Bắc Kinh - Manila đã ấm lên trong những tháng gần đây, mặc dù hai bên vẫn không tin tưởng nhau trong vấn đề Biển Đông.
Tháng Tư năm nay tàu hải quân Trung Quốc đã ghé thăm Philippines lần đầu tiên kể từ năm 2010, trong khi lực lượng cảnh sát biển Philippines đã cử 20 sĩ quan sang Trung Quốc đào tạo vào tháng Năm.
Ông Rodrigo Duterte cũng đã ký một sắc lệnh mua lô vũ khí Trung Quốc trị giá 500 triệu đô la Mỹ trong tháng Năm.
Tháng Sáu vừa qua, Bắc Kinh đã viện trợ quân sự cho Manila khoảng 7,3 triệu đô la Mỹ, bao gồm 3000 khẩu súng trường và 6 triệu viên đạn.
Với Campuchia:
Trung Quốc đã có mối quan hệ ngoại giao quân sự với Campuchia trong nhiều năm. Kể từ 2012, Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Phnom Penh.
Bắc Kinh cũng đã viện trợ quân sự cho Campuchia và tham gia phát triển lực lượng vũ trang quốc gia này bằng cách hỗ trợ huấn luyện quân sự, tuyển các sĩ quan Campuchia tham gia các chương trình đào tạo của Trung Quốc.
Tháng Mười năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết, hai nước đã ký thỏa thuận Trung Quốc giúp Campuchia hiện đại hóa quân đội.
Campuchia có kế hoạch mua máy bay chiến đấu do Trung Quốc chế tạo.
Với Thái Lan:
Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Thái Lan đã phát triển trong những năm gần đây.
Quốc gia này đã ngày càng gần gũi Trung Quốc kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Tháng Sáu năm nay, Bangkok chấp thuận yêu cầu từ quân đội hoàng gia để mua 34 xe bọc thép Trung Quốc với tổng trị giá 69,3 triệu đô la Mỹ.
Đầu năm nay Quốc hội Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc. Hai nước cũng đã tổ chức tập trận chung, trên bộ cũng như trên biển, kể từ tháng Năm, tháng Sáu năm ngoái.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Vu-khi-va-tien-mat-gia-tang-anh-huong-cua-Trung-Quoc-o-Dong-Nam-A-post179952.gd
Ngày đăng: 14:16 | 26/09/2017
/ Giáo dục Việt Nam