Giới phân tích cho rằng các khách hàng đã bỏ qua yếu tố chất lượng khi mua vũ khí giá rẻ từ Trung Quốc.
Binh sĩ Philippines thay vũ khí cũ bằng súng do Trung Quốc sản xuất |
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện thông tin về các thương vụ vũ khí giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, bất chấp những nghi vấn về chất lượng sau nhiều tai nạn chết người. Giới phân tích cho rằng các nước có thể đã bỏ qua yếu tố chất lượng khi cân nhắc về giá cả, vốn thấp hơn nhiều lần so với vũ khí của Mỹ hay châu Âu. Mặt khác, hợp đồng khí tài quân sự của Trung Quốc thường ít đi kèm các điều kiện về chính trị so với phương Tây.
Thị trường béo bở
Mới đây, có thông tin Trung Quốc chào hàng hệ thống pháo phản lực hạng nặng AR3 và radar cho Malaysia. Dù Bộ Quốc phòng Malaysia bác bỏ thông tin này nhưng giới quan sát nhận định việc hai bên đạt được thỏa thuận chỉ là vấn đề thời gian. Tờ The Malaysian Insight dẫn lời chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Singapore nhận định Trung Quốc sẽ còn chào hàng nhiều vũ khí khác vì Malaysia là khách hàng đầy tiềm năng.
Năm ngoái, Malaysia đã ký hợp đồng trị giá 1,17 tỉ ringgit (6.220 tỉ đồng) mua 4 tàu tác chiến cận bờ do Tập đoàn đóng tàu và viễn dương Trung Quốc (CSOC) hợp tác với Hãng đóng tàu Hải quân Boustead của Malaysia sản xuất. Theo các chuyên gia, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã cắt ngân sách quốc phòng xuống còn 15,1 tỉ ringgit từ con số 17,7 tỉ ringgit vào năm ngoái, nên đây có thể là yếu tố khiến nước này chú ý đến vũ khí giá rẻ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính quyền Thái Lan hồi tháng 4 xác nhận sẽ mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc trong thương vụ quốc phòng đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ. Trung Quốc hồi tháng 6 cũng tranh thủ cơ hội lực lượng vũ trang Philippines đang dồn sức giải quyết dứt điểm chiến sự với nhóm cực đoan Maute tại TP.Marawi để cho không nước này 23.000 khẩu súng trường CQ-A5, bị cho là nhái mẫu M-4 của Mỹ, nhằm mở đường thâm nhập thị trường.
Tiền nào của nấy
Tờ Today dẫn lời chuyên gia quốc phòng Bernard Loo thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore nhận định Trung Quốc đang tận dụng lợi thế vũ khí giá rẻ để mở rộng thị trường. “Các loại vũ khí Trung Quốc giá rẻ với bề ngoài trông cũng bắt mắt”, ông nói và cho rằng một số nước có thể mua chỉ vì muốn “giữ thể diện” với láng giềng. Theo ông Loo, ít có khả năng đối đầu trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á nên “trong trường hợp này, chất lượng hệ thống chiến đấu do Trung Quốc sản xuất không còn là chuyện quan trọng”. Xét về bề ngoài, mẫu máy bay không người lái CH-4B của Trung Quốc trông rất giống mẫu MQ-9 Reaper của Mỹ, dù giá chưa bằng phân nửa. Tương tự, xe tăng VT-4 do Trung Quốc sản xuất hiện được quân đội Thái Lan sử dụng có giá chỉ khoảng 5 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với mẫu Leclerc của Pháp (12 triệu USD) và M1A2 Abrams của Mỹ (8 triệu USD). Đồng nghiệp của ông Loo tại RSIS là Richard Bitzinger cho rằng còn một nguyên nhân khác: những thương vụ nói trên sẽ giúp các nước ASEAN tăng cường quan hệ làm ăn với Trung Quốc, từ đó thu hút thêm đầu tư và tài trợ.
Tuy nhiên, vũ khí Trung Quốc có thể trở thành “con dao hai lưỡi” ngay cả khi không đưa vào thực chiến. Trường hợp điển hình gần đây xảy ra vào ngày 17.5 khi khẩu pháo Giant Bow do Trung Quốc sản xuất bất ngờ gặp trục trặc và nã đạn vô tội vạ khi quân đội Indonesia tiến hành tập trận tại quần đảo Natuna trên Biển Đông. Sự cố nghiêm trọng này khiến 4 binh sĩ thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Thương hiệu vũ khí Trung Quốc càng bị nhìn với con mắt nghi ngại sau khi 2 tên lửa chống hạm C-705 bắn trật mục tiêu trong cuộc tập trận Armada Jaya của Indonesia trên vùng biển Java vào tháng 9.2016. Mới đây, nguồn tin quân đội Philippines tiết lộ 23.000 khẩu súng trường của Trung Quốc bị nghi là phiên bản chất lượng kém hoặc bị cắt giảm tính năng vì chỉ có chế độ bắn phát một, không thể bắn liên thanh nên không phù hợp với chiến trường Marawi, theo trang Max Defense.
http://thanhnien.vn/the-gioi/vu-khi-trung-quoc-gia-beo-tham-nhap-dong-nam-a-872066.html
Ngày đăng: 12:30 | 04/09/2017
/ Khánh An/Thanh niên