Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á trong giai đoạn 2009-2019, với doanh thu ước tính lên đến 10,7 tỷ USD.
Trong vài thế kỷ qua, việc buôn bán vũ khí luôn là một ngành công nghiệp sinh lời của nhiều cường quốc phương Tây, Nga và cả các siêu cường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Lợi nhuận từ thị trường vũ khí mang đến nguồn doanh thu khổng lồ cho các tập đoàn quốc phòng và không dấu hiệu suy giảm kể cả trong thời điểm thế giới đang chống chọi lại đại dịch COVID-19.
Năm 2020, nền kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái vì đại dịch, thế nhưng điều này vẫn không thể ngăn các nước bỏ ra 1.981 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, mức cao nhất kể từ năm 1988, cao hơn 9,3% so với năm 2011 và 2,6% so với năm 2019.
Chi tiêu quân sự 2020 tập trung chủ yếu ở hai trong số năm lục địa trên thế giới, gồm: Châu Mỹ (43%) và châu Á – Thái Bình Dương (27%).
Thị trường vũ khí hấp dẫn nhất thế giới
Sau Trung Đông, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang từng bước trở thành một thị trường tiềm năng cho các tập đoàn quốc phòng đến Mỹ, Nga, Đức, Pháp và cả Trung Quốc. Sở dĩ khu vực này trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà buôn vũ khí là vì sự gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, ước tính chiếm 62% tổng chi tiêu quân sự ở châu Á.
Theo cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong năm 2020 lên đến 72,9 tỷ USD, trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới. Về phần Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh là 252 tỷ USD trong năm ngoái, đứng vị trí thứ 2. Dĩ nhiên, vị trí siêu cường quân sự số 1 thế giới vẫn thuộc về Mỹ với mức ngân sách quốc phòng 778 tỷ USD.
Với ngân sách quốc phòng lên đến 252 tỷ USD vào năm 2020, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về chi tiêu quân sự. (Ảnh: asia.nikkei) |
Chỉ tính riêng Ấn Độ và Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của hai nước này đã chiếm 16,7% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020.
Với ngân sách quốc phòng 49,1 tỷ đô la vào năm 2020, Nhật Bản cũng nổi lên như quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 2 ở khu vực Đông Bắc Á, tiếp đến là Hàn Quốc và Triều Tiên. Sự trở lại của Tokyo sau nhiều thập kỷ “im lặng” phần lớn đến từ việc Trung Quốc ngày một vươn lên mạnh mẽ như một cường quốc toàn cầu cả về kinh tế lẫn quân sự, Nhật Bản cảm thấy bị đe dọa kể cả khi họ có cam kết bảo vệ toàn diện từ người Mỹ.
Cần phải nhấn mạnh rằng chi tiêu quân sự và mua sắm vũ khí đang gia tăng không chỉ ở châu Á mà cả Đông Nam Á mặc dù khu vực này không phải đối mặt với mối đe dọa từ khủng bố, cướp biển, bất ổn chính trị hay xung đột vũ trang.
Có thể nói, yếu tố Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến các nước Đông Nam Á đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa quân đội thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí mới.
Đông Nam Á có thể cảm thấy lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc, các nước như Singapore, Indonesia, Thái Lan và một số quốc gia khác đều có những kế hoạch riêng để duy trì sự ổn định trong khu vực, tăng cường sức mạnh quân đội là một trong số đó.
Bạn hàng thân thiết của Nga và Mỹ
Dù có phần tụt lại sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga đang từng bước tăng cường hiện diện và lấy lại ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự, chuyển giao vũ khí với các nước trong khu vực. Trong khi tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á đã được duy trì liên tục qua nhiều thập kỷ.
Mỹ từng là nước có thị phần xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á khi các quốc gia đồng minh hoặc có hợp tác an ninh với Washington đã chiếm đến một nửa. Tuy nhiên vị trí này của Mỹ có thể thay đổi với sự trở lại của người Nga.
Theo Dmitry Mosyakov, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các nhà lãnh đạo Nga hầu như bỏ quên Đông Nam Á sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, mối quan hệ xấu đi với phương Tây đã khơi lại mối quan tâm của Moskva đến khu vực này.
Thị phần thị trường vũ khí Đông Nam Á trong giai đoạn 2000-2019. (Ảnh: Ian Storey) |
Sở dĩ, Đông Nam Á trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga hiện tại là vì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và vị trí chiến lược của khu vực giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Mosyakov cho rằng việc Moskva sẵn sàng hỗ trợ các nước Đông Nam Á hiện đại hóa quân đội sẽ giúp xuất khẩu vũ khí Nga phục hồi trước các lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây. Dĩ nhiên, các lệnh cấm vẫn còn đó và các quốc gia vẫn tỏ thái độ cẩn trọng khi tiếp cận nguồn cung vũ khí từ Nga.
“Chúng tôi có một tình huống mà nếu bạn chỉ nhìn vào các con số thương mại và đầu tư, thì Nga có vẻ không phải là nhà đầu tư có tiếng nói. Nhưng khi nhìn sang lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Nga đang đứng ngang tầm với Mỹ và Trung Quốc, cán cân quyền lực trong khu vực hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào”, Mosyakov phân tích.
Cũng theo Mosyakov, nước Nga không cần phải có kinh ngạch thương mại 500 tỷ USD với Đông Nam Á để có tiếng nói trong khu vực, Moskva chỉ cần sẵn sàng xuất khẩu các loại vũ khí tốt nhất.
Trên thực tế, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á trong giai đoạn 2009-2019, với doanh thu ước tính lên đến 10,7 tỷ USD, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi đó doanh thu của Mỹ chỉ khoảng 7,9 tỷ USD và Trung Quốc đạt 2,6 tỷ USD trong cùng kỳ.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, giải thích một số lý do khiến Nga dẫn đầu thị trường.
Xe tăng T-90S và T-90SK một trong vũ khí bán nhất của Nga trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Trà Khánh) |
Thứ nhất, các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga tỏ ra không e ngại như các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ hoặc châu Âu trong việc bán những thiết bị quân sự tiên tiến cho các khách hàng Đông Nam Á.
Thứ hai, Vũ khí Nga cũng giá thành thấp hơn và họ cũng không có bất cứ ràng buộc chính trị nào với lô vũ khí đã được bán đi.
Thứ ba, Moskva có cơ chế thanh toán các hợp đồng khá linh hoạt đối với các khách hàng tiềm năng.
Theo báo cáo của ISEAS, Việt Nam là khách hàng hàng đầu ở Đông Nam Á của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Một khách hàng lớn khác của Nga ở Đông Nam Á là Myanmar. Từ năm 2010 đến 2019, Moskva đã bán số lượng vũ khí trị giá ước tính 807 triệu USD cho Myanmar, đứng thứ hai sau 1,3 tỷ USD của Trung Quốc.
Mặc dù vũ khí có thể là "con át chủ bài" như Mosyakov đã lập luận, nhưng không thể phủ nhận các số liệu thương mại và đầu tư của Nga với các nước Đông Nam Á kém xa so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Xuất khẩu vũ khí của Nga sang các nước Đông Nam Á trong giai đoạn 2000-2019. (Ảnh: ISEAS) |
Ít nhất một số quốc gia Đông Nam Á cũng cảnh giác với các lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ nhắm vào lĩnh vực quốc phòng của Nga theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA). Indonesia được cho là đang lưỡng lự trước kế hoạch mua các chiến đấu cơ đa năng Su-35 từ Nga, tương tự đó là thương vụ mua trực thăng vũ trang của Philippines.
Tuy nhiên, ông Koh cho biết quân đội các nước Đông Nam Á có “cảm tình đặc biệt” với vũ khí Nga vì hiệu quả của chúng nên việc loại bỏ hoàn toàn Moskva khỏi danh sách các nhà cung cấp vũ khí là điều khó xảy ra. Họ sẽ tìm cách có được thứ mình muốn bằng nhiều cách khác nhau hoặc phớt lờ lời cảnh báo từ Mỹ.
Cận cảnh vũ khí, khí tài hiện đại do Việt Nam sản xuất tại Army Games 2021
Các loại vũ khí được Việt Nam giới thiệu bên thềm Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021 đều do ngành công nghiệp ... |
Soi vũ khí các đội đấu "Xạ thủ bắn tỉa" ở Army Games 2021
Các xạ thủ sẽ thực hiện tổng cộng bài bắn 13 trong nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” và sử dụng 3 loại súng bộ ... |
Ngày đăng: 07:57 | 21/09/2021
/ vtc.vn