Lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo mới của Nga có khả năng diệt mục tiêu khi nó còn cách rất xa khu vực cần bảo vệ.
Bộ Quốc phòng Nga tuần trước cho biết một đơn vị thuộc Lực lượng Phòng không Vũ trụ Nga đã phóng thành công tên lửa đánh chặn mới tại bãi thử Sary Shagan ở Kazakhstan. Quả đạn có tốc độ 4.000 m/s, đủ sức tiêu diệt tên lửa địch từ khoảng cách xa. Giới chuyên gia nhận định hệ thống phòng thủ bí mật này sẽ là át chủ bài giúp Nga đối phó đòn tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo của Mỹ, theo Pravda.
"Việc không tiết lộ thông tin chi tiết về tên lửa mới cho thấy Nga muốn giữ bí mật về học thuyết hạt nhân với Mỹ", chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận định.
Nga đang phát triển hai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, gồm phiên bản hiện đại hóa của lá chắn tầm xa A-135 "Amur" và tổ hợp phòng thủ cơ động A-235 "Nudol" hoàn toàn mới.
Tổ hợp A-135 được phát triển từ thời Liên Xô, bắt đầu biên chế vào năm 1990 và đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Moskva sau đó 5 năm.
Quy trình chiến đấu của A-135 bắt đầu khi vệ tinh quân sự phát hiện tên lửa đạn đạo đối phương khai hỏa, sau đó thông báo để các trạm radar cảnh giới có tầm quan sát 10.000 km bám bắt mục tiêu. Tại thời điểm này, lãnh đạo Nga sẽ đưa ra quyết định có tấn công trả đũa hay không, chế độ chiến đấu cũng được kích hoạt trên A-135.
Phiên bản A-135 hiện đại hóa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn. Học thuyết quân sự Mỹ luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn ICBM, nhằm áp đảo và làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương. "Vụ thử mới là tín hiệu gửi tới Mỹ, cho thấy Nga đã tìm ra cách khắc chế chiến lược này", Leonkov khẳng định.
Trong trường hợp đối phương tung đòn tấn công ồ ạt bằng nhiều tên lửa, các vệ tinh cảnh báo của Nga sẽ xác định địa điểm phóng tên lửa cũng như khu vực ICBM nhắm tới. Chúng sẽ phân tích dữ liệu, gửi thông tin đến trung tâm chỉ huy để ra lệnh tấn công trả đũa.
Quả đạn 53T6 phóng tới mục tiêu trong cuộc thử nghiệm năm 2017. Ảnh: Sputnik.
"Hệ thống A-135 hiện đại hóa có tầm bắn xa và tốc độ nhanh hơn, cùng khả năng tấn công mục tiêu chính xác với hiệu suất ước tính tăng 150% so với phiên bản cũ", chuyên gia Leonkov nhận định.
Nga đang triển khai 5 trận địa tên lửa thuộc hệ thống A-135 tại tỉnh Moskva, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Hồi năm ngoái, Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.
Trong khi đó, thông tin về hệ thống A-235 Nudol là hoàn toàn tuyệt mật, nhưng nó dường như có tầm bắn và độ chính xác cao hơn nhiều so với A-135.
Nudol có thể bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga trước đòn tấn công của ICBM trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân (MIRV) và hệ thống mồi bẫy hiện đại. Ngoài ra, hệ thống này còn đủ sức bắn hạ vệ tinh trong không gian."Nếu đối phương nghĩ rằng có thể khuất phục Nga bằng một đòn tấn công phủ đầu thì họ đã sai lầm", Leonkov kết luận.
Nga vẫn muốn bán động cơ tên lửa cho Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt
Moskva cho rằng việc cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ là cần thiết vì Washington không thể sản xuất sản phẩm tương tự. |
Bí ẩn tên lửa đánh chặn dễ dàng tên lửa đạn đạo
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng này vừa thử thành công loại tên lửa đánh chặn mới có thể dễ dàng đối phó ... |
Duy Sơn
Ngày đăng: 08:17 | 05/09/2018
/ https://vnexpress.net