Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam, vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho phép chuyển giao tàu cá QNa 94679 TS của ngư dân Trần Văn Liên (SN 1966; ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được đóng theo nguồn vốn vay Nghị định 67 cho chủ tàu mới.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 24-5, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam thông báo dừng cho ông Liên vay vốn khoảng 7,5 tỉ đồng còn lại trong hợp đồng tín dụng, đồng thời đề nghị chuyển tàu cho chủ khác. Một trong những nguyên nhân là khoản vay trên 7,6 tỉ đồng trước đó của ông Liên đã chuyển sang nợ xấu, không có khả năng trả nợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết chưa nhận được báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh. Sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bàn với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, có biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho ông Liên và các bên liên quan.
Ông Trần Văn Liên lo lắng trước việc tàu cá có nguy cơ bị chuyển cho người khác trong khi nợ nần chồng chất
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 29-3-2016, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ông Liên vừa hạ thủy, chạy thử thì hỏng máy. Đơn vị đóng tàu (Công ty Bảo Duy) và đơn vị cung cấp máy (Công ty CP Tập đoàn Liên Á) đổ lỗi cho nhau nên ông Liên khởi kiện ra tòa. Ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tuyên Công ty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Ngày 30-1-2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á hoàn trả cho ông Liên 1,57 tỉ đồng. Không đồng tình với bản án, Công ty Liên Á làm thủ tục giám đốc thẩm.
Theo thông tin mới nhất, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp thuận đề nghị của Công ty Liên Á, có văn bản yêu cầu Chi cục Thi hành án Dân sự quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) hoãn thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam trong 3 tháng. Như vậy, vụ kiện của ông Liên sẽ còn kéo dài nhiều tháng và điều mà ông lo lắng nhất là sẽ không được hưởng ưu đãi theo Nghị định 67. Theo nghị định này, đối với khoản vay giải ngân sau ngày 31-12-2018, ngư dân và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận lãi suất vốn vay. Khi đó, các vướng mắc chắc chắn sẽ phát sinh, kéo dài.
Đẩy chủ tàu vỏ thép vào đường cùng
Hơn 2 năm tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 nằm bờ do hỏng máy, kiện tụng kéo dài gây thiệt hại nặng nề, ... |
Tàu vỏ thép hỏng ở Bình Định: Doanh nghiệp đóng tàu từ chối bồi thường
Trong khi các ngư dân Bình Định là chủ 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng chục tỉ ... |
Vướng mắc giao - nhận tàu vỏ thép 16 tỉ: Chưa làm xong đã giao tàu?
Ngư dân cho rằng chiếc tàu vỏ thép chưa hoàn thiện, các vướng mắc chưa được giải quyết nên chưa nhận tàu |
Tin-ảnh: Tr.Thường
Ngày đăng: 08:30 | 01/06/2018
/ https://nld.com.vn