54 năm đã trôi qua nhưng vẫn có rất nhiều điều chưa được làm rõ trong vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy, ngày 22/11/1963.

Mỹ giải mật nhưng vẫn không thuyết phục

Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy (JFK) đã bị ám sát lúc 12:30 trưa theo múi giờ miền Trung (Bắc Mỹ) vào thứ 6, ngày 22/11/1963, tại Dealey Plaza, Dallas, Texas. Vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày, ông đã qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland.

Cái chết của Kennedy là lần thứ tư một một Tổng thống Mỹ bị giết chết (sau Abraham Lincoln - 14/4/1865; James Garfield - 19/9/1881 và William McKinley - 15/9/1901). Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đảm nhiệm cương vị Tổng thống ngay sau đó.

Vào năm 1964, ủy ban điều tra vụ ám Tổng thống Kennedy, còn được gọi là Ủy ban Warren, kết luận rằng Oswald đã hành động một mình trong vụ ám sát Kennedy. Kết luận này cũng thống nhất với các kết luận điều tra trước đó của FBI, Sở mật vụ và cảnh sát Dallas tiến hành.

Tính đến nay, hơn 50 năm kể từ khi vụ ám sát xảy ra, có trên 4 triệu trang tài liệu của cả các Ủy ban điều tra lẫn các cuộc điều tra riêng rẽ của CIA hay FBI cũng một vài tổ chức khác được công bố, nhưng không tài liệu nào nêu được chính xác động cơ của kẻ ám sát Lee Harvey Oswald.

Từ đó đến nay, vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 không ngừng tạo ra các thuyết âm mưu và có không ít chỉ trích về cách chính quyền Mỹ hành xử sau khi ông Kennedy bị bắn chết. Và ngay cả sau khi chính quyền Donald Trump giải mật phần lớn tài liệu, mọi việc vẫn gây xôn xao dư luận.

Chính quyền Mỹ hôm 26/10 đã công bố trên website của Cơ quan lưu trữ quốc gia khoảng 3.000 tài liệu mật trước đây liên quan đến vụ sát hại Tổng thống thứ 35 của Mỹ John Fitzgerald Kennedy vào năm 1963.

Trên thực tế, ước chừng đã có khoảng 88% các hồ sơ đã được công bố và 11% tiếp theo cũng đã giải mật, trừ một số phần "tế nhị" vì lí do an ninh quốc gia được xóa bỏ hẳn đi, chỉ còn 1% còn lưu giữ bí mật.

Tất cả các tài liệu đều kết luận là “có bằng chứng rõ ràng rằng Lee Harvey Oswald đã nổ súng bắn chết Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy” từ khoảng cách gần 1000m và “không có bằng chứng nào cho thấy có bất cứ ai khác tham gia vào vụ ám sát này”.

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam
Đường di chuyển của chiếc xe chở Tổng thống Kennedy và vị trí của sát thủ

Giới truyền thông nhận định là, nhìn chung, những vấn đề được coi là “giải mật” thì không có gì mật và cơ bản là đã biết, còn những vấn đề được nhiều người quan tâm thì lại không được giải mật.

Vậy là những thắc mắc, hoài nghi của dư luận về những bất hợp lý trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thuật lại vụ Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy bị ám sát

Ngày 22/12/1963, Tổng thống John F.Kennedy đến thị sát Dallas, cùng đi với ông có Đệ nhất phu nhân Jacqueline, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, Thống đốc bang Texas John Connally và Thượng nghị sĩ Ralph Yarborough.

Tổng thống Kennedy đã tham gia một cuộc diễu hành vận động bầu cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm sau, bằng xe ô tô xuyên qua khu thương mại Dallas.

Trong đoàn, một chiếc xe hơi đi trước làm hoa tiêu và vài chiếc xe máy chạy phía trước chiếc Limousine mui trần chuyên chở Tổng thống. Trên xe lúc đó, ông Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline ngồi băng sau; còn thống đốc John Connally và vợ của ông là bà Nellie ngồi ghế trước.

Kế chiếc xe của Tổng thống Kennedy là xe chở theo 8 đặc vụ. Cuối cùng là xe chở Phó Tổng thống Johnson và Thượng nghị sĩ Yarborough.

Lúc gần 12 giờ 30 trưa, đoàn xe trong đó có chiếc Limousine chở Tổng thống Kennedy di chuyển với với vận tốc khoảng 20km/h qua Kho sách giáo khoa Texas (Texas School Book Depository-TSBD) tại Dealy Plaza, tới góc đường giữa đường Houston và đường Elm xe cua một góc 120 độ về phía bên trái vào đường Elm.

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam
Chiếc xe chở Tổng thống Kennedy sau khi viên đạn thứ 3 được bắn ra

Khi các xe vượt qua khúc cua tiến vào đường Elm, tốc độ đoàn xe đã giảm xuống 15km/h thì đột nhiên có một vài tiếng súng vang lên, nhằm vào xe của Tổng thống Kennedy. Theo tính toán, khoảng thời gian các viên đạn được bắn đi là từ 6 đến 24 giây.

Phát súng thứ nhất bắn trượt xe của Tổng thống Kennedy; phát súng thứ 2 xuyên qua cổ Tổng thống, trúng vào lưng Thống đốc Connally; còn phát thứ 3 trúng đầu ông Kennedy.

Ngay lập tức, cả Tổng thống Kennedy và Thống đốc Connally nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Park Memorial. Thống đốc Connally bị thương ở lưng, ngực, cổ tay và bắp đùi nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, còn Tổng thống Kennedy đã qua đời.

Khám nghiệm tử thi cho thấy Tổng thống bị phát đạn đầu tiên xuyên qua cổ, giáp hầu nhưng phát đạn thứ 2 bắn vào phía sau đầu, ở bên phải mới là viên đạn chí mạng, khiến xương chẩm bị vỡ, một nửa bán cầu não phải và các mô tiểu não bị trào ra ngoài.

Ngay sau đó, cảnh sát tuyên bố đã bắt giữ thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy là Lee Harvey Oswald - một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ nhưng được cho là có tư tưởng “thân cộng sản” và có liên hệ trực tiếp với Liên Xô, Cu Ba, thậm chí đã từng sinh sống ở Liên Xô.

Vụ bắt giữ may mắn

Cảnh sát đã tiến hành điều tra và phát hiện những nghi vấn ở TSBD, cách hiện trường vụ ám sát khoảng gần 1km.

Họ đã khám phá ra trên sàn nhà tại một phòng tầng 6 có 3 vỏ đạn rỗng và một khẩu súng trường Mannlicher-Carcano giấu bên dưới đống hộp, trùng với loại đạn bắn Tổng thống Kennedy.

Charles Givens, một người cùng làm việc với Oswald, khai rằng anh ta đã nhìn thấy Oswald trên tầng 6 của toà nhà TSBD vào lúc 11 giờ 55 phút và thấy hắn xuất hiện lại lúc 12 giờ 31 phút, sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

Lúc 12 giờ 33 phút, Oswald rời khỏi tòa nhà TSBD và về đến chỗ ở của mình lúc 13 giờ. Nhưng bà chủ nhà Earlene Roberts cho biết, Oswald chỉ ở nhà có vài phút rồi lại ra khỏi nhà.

Một nhân chứng khác khai rằng, lúc 13 giờ 16 phút, J. D. Tippet, một cảnh sát Dallas, đã tiếp cận Oswald khi hắn đang đi dọc theo đường East 10. Mới trao đổi được vài câu, Oswald nhanh chóng rút súng và bắn nhiều phát đạn về phía viên cảnh sát Tippet.

Nhưng ông John Brewer, người quản lý của cửa hàng giầy Hardy ở Oak Cliff cho biết, xe cảnh sát chạy xuôi ngược sau khi nghe âm thanh của tiếng súng phát ra, còn Oswald lẩn vào trong đám cảnh sát vờ như không biết gì và khi cảnh sát đi hết, hắn bèn nhanh chóng tiến về rạp hát Texas.

Tuy nhiên, John Brewer đã kịp thời khai báo với cảnh sát và cùng họ vào rạp hát để truy tìm kẻ giết viên cảnh sát Tippet. Sau một cuộc đấu trí ngắn, Oswald đầu hàng và tra tay vào còng; khi đó, hắn bị bắt vì nghi án giết cảnh sát chứ không phải là thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy.

Tuy nhiên, cảnh sát sớm phát hiện ra Oswald đang làm việc ở TSBD và họ cũng tìm thấy dấu vết lòng bàn tay của Oswald in trên thân khẩu súng trường Mannlicher-Carcano.

Cảnh sát Dallas cũng phát hiện ra khẩu súng trường Mannlicher-Carcano được mua dưới cái tên giả A. Hiddell và khi bị bắt, Oswald đang mang theo một thẻ căn cước giả mang tên Alek Hiddell. Khẩu súng được gửi bằng đường bưu phẩm từ Chicago đến hòm thư 2915, Dallas, Texas, chính là hòm thư của Oswald.

Oswald bị cảnh sát Dallas thẩm vấn suốt 13 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hắn luôn miệng từ chối âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy. Hắn nói rằng mình chỉ là một “Pasty” (một từ lóng được bọn mafia dùng để chỉ kẻ thế thân trong lệnh trừng phạt một ai đó).

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam
Chân dung nghi phạm Lee Harvey Oswald sau khi bị bắt

Sơ bộ kết quả điều tra

Một tuần sau khi Tổng thống John Kennedy bị giết, tân Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ra lệnh lập một ủy ban điều tra vụ việc, thường được gọi là Ủy ban Warren. Phúc trình Warren, công bố tháng 9/1964, nói rằng:

- Các phát đạn được bắn ra từ cửa sổ tầng sáu ở góc Đông Nam của Kho sách giáo khoa Texas (Texas School Book Depository-TSBD).

- Xạ thủ bắn 3 phát đạn vào xe của Tổng thống Kennedy là Lee Harvey Oswald.

- Không có bằng chứng là Lee Harvey Oswald hay Jack Ruby tham gia một âm mưu ám sát của một tổ chức trong nước hoặc của nước ngoài.

Tuy nhiên, sau đó vẫn có các cuộc điều tra khác và có những kết luận như sau:

- Năm 1968, một hội đồng bốn bác sỹ "ủng hộ các kết luận y tế của Ủy ban Warren".

- Năm 1975, Ủy ban Rockefeller báo cáo: "Không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy về việc CIA có liên quan đến vụ ám sát Kennedy".

- Năm 1979, Ủy ban về các vụ ám sát của Hạ viện Hoa Kỳ lại ủng hộ kết luận của Ủy ban Warren, nhưng lại đưa ra nhận định khác về số lượng tay súng tham gia vụ ám sát: "Khả năng khá cao là có hai tay súng đã bắn vào Tổng thống Kennedy".

- Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật về việc 5 triệu trang hồ sơ về vụ ám sát phải được chuyển về Kho Tư liệu Quốc gia và rằng tất cả phải được công bố sau 25 năm.

Những nghi vấn trong vụ Oswald ám sát Kennedy và việc tay súng này bị giết vì những lí do thiếu thuyết phục, cùng những lời khai trái ngược nhau của các nhân chứng đối với vụ ám sát khiến dư luận Mỹ đến nay vẫn chưa tin Oswald là thủ phạm và cố gắng tìm kiếm sự thật trong vụ án này.

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam Hồ sơ giải mật của Mỹ phơi bày âm mưu ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro

Theo báo chí Cuba ngày 27/10, các tài liệu về vụ ám sát cố Tổng thống Mỹ John Kennedy vừa được Washington giải mật và ...

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam Liên Xô và vụ ám sát Tổng thống Kennedy: Giải mật Phó Tổng thống Mỹ tranh quyền

Liên Xô tìm kiếm chủ mưu ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy, nghi vấn Phó Tổng thống Mỹ dàn xếp tranh quyền.

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam Cuộc gọi nặc danh 25 phút trước vụ ám sát Kennedy

Một tờ báo Anh nhận được cuộc gọi báo "tin quan trọng" xảy ra tại Mỹ, 25 phút trước khi cựu tổng thống John F. ...

vu am sat tong thong kennedy tam man bi an 54 nam Toàn cảnh vụ ám sát Tổng thống Kennedy

Ngày 22/11/1963, Tổng thống John F. Kennedy cùng phu nhân đã tới tham dự một lễ diễu hành tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ ...

http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/vu-am-sat-tong-thong-kennedy-tam-man-bi-an-54-nam-3345999/

Ngày đăng: 13:00 | 29/10/2017

/ Đất Việt