Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đang rút mạnh khỏi các thị trường bất động sản thương mại hàng đầu thế giới...
Tờ Wall Street Journal cho biết, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đang rút mạnh khỏi các thị trường bất động sản thương mại hàng đầu thế giới, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm 2019.
Khách sạn Waldorf Astoria ở New York được tập đoàn Trung Quốc Anbang mua lại năm 2015 - Ảnh: AP.
Tờ báo trên dẫn dữ liệu từ Real Capital Analytics cho biết các công ty và nhà đầu tư tổ chức khác của Trung Quốc đã bán 233,3 triệu USD khách sạn, tòa nhà văn phòng và bất động sản thương mại khác ở châu Âu trong quý 3/2018, trong khi chỉ mua 58,1 triệu USD bất động sản thương mại tại khu vực này trong quý.
Cùng thời gian, nhà đầu tư Trung Quốc bán hơn 1 tỷ USD bất động sản thương mại tại Mỹ, và chỉ mua 231 triệu USD.
Xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2019, do Chính phủ Trung Quốc vẫn đang ưu tiên ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ, nên khó có chuyện Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài.
Theo ông Tom Leahy, Giám đốc cấp cao của Real Capital, việc các nhà đầu tư Trung Quốc bán bất động sản thương mại ở Mỹ và châu Âu có liên quan nhiều hơn đến chính sách trong nước của Trung Quốc thay vì các điều kiện thị trường.
Tuy nhiên, sự rút lui của các nhà đầu tư Trung Quốc diễn ra đúng lúc lãi suất tăng lên, gây áp lực suy giảm đối với thị trường bất động sản thương mại tại nhiều thành phố Mỹ và châu Âu.
Mặc dù, các nhà đầu tư Trung Quốc mới chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường bất động sản thương mại ở Mỹ và châu Âu nhưng họ lại được biết đến là thường trả mức giá cao kỷ lục cho các bất động sản nổi tiếng hoặc có vị trí đắc địa. Vì lý do này, sự rút lui của họ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của thị trường.
Nhiều nỗi lo
Tại Việt Nam, số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư Trung Quốc dội vốn FDI khá nhiều vào nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tính chung tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần vào thị trường Việt Nam là 23,36 tỷ USD, riêng nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore).
Đóng góp vào vị trí thứ 4 này, Trung Quốc có 176 dự án cấp mới, 45 dự án tăng vốn, 516 lượt góp vốn mua cổ phần. Tổng số vốn 8 tháng là 1,7 tỷ USD.
Theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, ngay từ hết quý I, Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam, với 24 dự án, đạt 631,2 triệu USD (chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam).
Một điểm đáng lưu ý là số vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam trung mỗi dự án không nhiều, tiếp tục gia tăng về số dự án nhưng giảm về vốn.
Sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực BĐS Việt Nam khiến nhiều chuyên gia quan ngại.
Ông Nguyễn Anh Sơn - nguyên ĐBQH khóa XIII ghi nhận sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc giúp cho thị trường có thêm nguồn vốn, góp phần kích thích thị trường phát triển.
Tuy nhiên, điều khiến ông không mấy yên tâm chính là cách tiếp cận, thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc.
"Họ không tuyên bố gì mà cứ âm thầm săn lùng các dự án bất động sản tại Việt Nam và dần thâu tóm chúng. Bao giờ họ cũng lựa chọn những dự án ở vị trí đắc địa, những khu đất có vị trí quan trọng không chỉ về mặt kinh tế thuần túy, thậm chí có những khu đất mà vị trí của nó trước giờ không có dấu hiệu gì của sự tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề là nhà đầu tư Trung Quốc nhìn xa hơn và họ có cách thâm nhập rất chậm rãi, không lộ diện.
Bài học của Đà Nẵng vẫn còn đó. Nhà đầu tư Trung Quốc cứ thông qua người Việt Nam, bằng cách góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất tại Đà Nẵng, trong đó có nhiều đất ven biển....
Nếu Việt Nam không quản lý cho chặt thì chẳng có chỗ nào người Trung Quốc không mua được. Họ mua cả bất động sản Mỹ, có chỗ nào họ không đủ khả năng mua?
Vì thế, đối với Việt Nam, nếu không có cảnh báo hay biện pháp để đề phòng thì một ngày nào đó, khi rơi vào thế đã rồi, liệu chúng ta có xử lý được hay không? Những dự án lớn trong các thành phố, ở các địa phương đã bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm dễ dàng thì những dự án đất ven biển sẽ ra sao?", vị nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trăn trở.
Nỗi lo cho hàng Việt khi dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam Xu hướng dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc ngày càng rõ nhưng các chuyên gia nhìn thấy không ít thách thức cho Việt Nam. |
Vốn Trung Quốc thâu tóm BĐS Việt Nam: Nhiều nỗi lo Nếu Việt Nam quản lý không chặt, liệu có chỗ nào người Trung Quốc không đủ khả năng mua? |
Ngày đăng: 16:26 | 04/01/2019
/ http://baodatviet.vn