Ít ai biết bên cạnh công tác quản lý, huấn luyện cầu thủ, Philippe Troussier còn có một trang trại nho ở quê nhà. Những lúc tạm xa trái bóng tròn, ông Troussier lại đến đây chiêm nghiệm bằng một ly rượu vang, để rồi tìm thêm cảm hứng với môn thể thao vua.
Rượu và bóng đá
Cuối năm 2018, HLV Philippe Troussier nhận lời đến Việt Nam làm việc. Đó cũng là thời điểm công việc sản xuất rượu của gia đình ông ăn nên làm ra. Sản phẩm này như một tấm gương phản chiếu sự nghiệp bóng đá của ông. Từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, và cả tên sản phẩm đều gắn liền với những nơi Troussier từng làm việc.
"Phù thủy trắng" bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh rượu khi được thừa kế một mảnh vườn từ gia đình vợ. Trên khu đất rộng 1,5ha, ông bắt đầu trồng nho, làm rượu như một thú vui. Sản phẩm rượu được ông đặt tên Sol Beni, lấy theo tên sân tập ASEC Mimosas. Đội bóng Bờ Biển Ngà là điểm đến đầu tiên ngoài nước Pháp của Troussier.
"Cái tên Sol Beni lướt qua tâm trí tôi như một điểm giao cắt giữa rượu và bóng đá", ông Troussier chia sẻ. Mối liên hệ giữa đội bóng châu Phi ASEC Mimosas và Troussier lớn đến mức ông dành 3 năm làm việc tại đây. Sol Beni cũng là nơi khiến ông Troussier thay đổi góc nhìn về bóng đá và bắt đầu hướng ra thế giới.
Nghĩ về những ngày làm việc tại Bờ Biển Ngà, Troussier nói ông cái tên Sol Beni có thể thôi thúc những người uống rượu lên đường tìm những thử thách mới, giống như ông từng tìm thấy ý nghĩa tại nơi đây. Nhưng Bờ Biển Ngà, hay Pháp không phải thị trường hàng đầu của nhãn hiệu này. Xứ sở mặt trời mọc mới là điểm đến được yêu thích nhất.
Sau 1 thập niên làm việc tại châu Phi, năm 1998, ông Troussier nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản. Ông không chỉ nhận trách nhiệm ở đội tuyển quốc gia hay đội U23, mà nắm luôn đội U20 tham dự những giải đấu quốc tế.
Ông để lại bản thành tích lẫy lừng: Vô địch Asian Cup, Á quân FIFA Confederations Cup, Tứ kết Olympic Sydney, cũng như lần đầu đưa Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup. Trong 4 năm, Troussier đã biến bóng đá trở thành môn thể thao quốc dân tại Nhật Bản. Nhưng thú vị là nam giới Nhật Bản, những người vốn thích bóng đá, lại không thích uống rượu Troussier. Theo góc nhìn của Phù thủy trắng, sản phẩm của ông không hấp dẫn với đấng mày râu Nhật vì "họ dường như chỉ thích nhậu nhẹt bằng rượu mạnh". Phần lớn sản phẩm rượu của HLV Troussier được phụ nữ Nhật Bản ưa chuộng, bởi phái yếu dường như muốn có những buổi chia sẻ, chiêm nghiệm bên ly rượu vang. Đó cũng là mục đích sống của vị chiến lược gia sắp bước sang tuổi thất thập. Thay vì tranh đấu, giờ ông chỉ muốn tận hưởng và trân trọng bóng đá như những ly rượu trong tay.
Những ai từng uống rượu Sol Beni có thể nhận thấy công thức 3-4-3 trên thân chai. Đây cũng là đội hình ưa thích của huấn luyện viên Troussier, người đã trung thành với sơ đồ 3 hậu vệ suốt 2 thập niên qua. Ngay cả khi thế giới chạy theo xu hướng 4-4-2, 4-2-3-1 hay 4-3-3, ông vẫn trung thành với hệ thống đó và gặt hái thành quả.
Làm HLV là một nghệ thuật
Với những người chỉ biết qua HLV Troussier, thật khó để tìm thấy logic trong những bến đỗ ông từng lựa chọn. Năm 2008, Phù thủy trắng trở lại xứ sở mặt trời mọc làm việc. Nhưng ông không chọn một đội nhóm đầu, mà lại dẫn FC Ryukyu, CLB ở giải hạng 3 Nhật Bản. Đặc biệt hơn, Troussier nhận lời đến Ryukyu sau 3 năm rời xa bóng đá đỉnh cao.
Trong khoảng thời gian không làm những công việc liên quan đến bóng đá, HLV Troussier khám phá nhiều kiến thức mới lạ về văn hóa, tôn giáo. Theo chia sẻ của Troussier, ông không trở lại Nhật Bản làm việc vì tiền hay cơ hội thăng tiến trong công việc. Phù thủy trắng coi đây là dịp "trở về nhà" vì chưa thể chia tay trọn vẹn sau kỳ World Cup 2002 thành công.
Giống như Bờ Biển Ngà hay Nhật Bản trước đây, HLV Troussier có thói quen chọn những "ốc đảo bóng đá" để làm việc. Khoảng thời gian ông gắn bó với Việt Nam đã cho thấy điều đó. Troussier đến làm việc ở những nơi hiếm ai muốn đến, và vì thế, ông đã chiêm ngưỡng được những tiềm năng phát triển của một nền bóng đá ít HLV nào thấy được.
"Việt Nam chưa thể so sánh với Nhật Bản về tầm vóc phát triển bóng đá. Nhưng nếu là Nhật Bản 20 năm trước thì Việt Nam có một số điểm tương đồng, khi họ không được các chuyên gia đánh giá cao. Trên thực tế, nhiều cầu thủ Việt Nam đủ khả năng chơi bóng ở Ligue 1 nhưng vì một lý do nào đó, họ chưa được thừa nhận đúng mức", ông Troussier nói.
Trong khoảng thời gian đến Việt Nam làm việc, HLV Troussier từng tiên đoán ngày bóng đá Việt Nam đặt chân tới World Cup "sớm muộn sẽ xuất hiện". Ngay từ năm 2019, ông đã đúng khi nói Việt Nam rất khó giành vé dự World Cup, nhưng cơ hội sẽ lớn hơn trong năm 2026. Việc Cúp Thế giới mở rộng lên 48 đội là một trong những nguyên nhân. Từng là người thành công với bóng đá Nhật Bản, HLV Troussier khẳng định Việt Nam sẽ phải học theo hình mẫu từ xứ sở mặt trời mọc nếu muốn phát triển bóng đá. Điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn, với sự giúp sức của những chuyên gia Nhật Bản.
Troussier từng nói: "Làm HLV không chỉ là một công việc, đó còn là một nghệ thuật". Là một người Pháp mang trong mình niềm cảm hứng khám phá những vùng đất mới, Phù thủy trắng hẳn sẽ đem đến những điều thú vị ở mọi nơi ông có mặt, giống như những ly rượu mà ông thích nhâm nhi, chiêm nghiệm.
HLV Troussier chính thức trở thành thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam
Trong thông báo mới nhất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho biết đã đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV Philippe Troussier. Theo đó, Phù thủy trắng sẽ trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển U23. Bản hợp đồng của ông Troussier với VFF được kéo dài đến hết World Cup 2026, cho thấy nhiệm vụ chính của Phù thủy trắng sẽ là đưa đội tuyển đến tham dự Cúp Thế giới.
Trái với những thông tin ban đầu về mức thu nhập triệu đô, HLV Troussier dường như đã nhận lời cùng khoản tiền lương vào khoảng 6-700.000 USD/năm. Con số này chưa bao gồm lương của các trợ lý đi kèm, nhưng cho thấy Phù thủy trắng không đưa ra yêu cầu quá cao. Ông đã đồng ý với mức đãi ngộ không lớn hơn người tiền nhiệm Park Hang Seo.
Buổi họp báo ra mắt HLV Troussier dự kiến diễn ra trong tuần cuối tháng 2. Ông và VFF đã đạt được thỏa thuận cơ bản về nội dung công việc, và sẽ trở lại Việt Nam trong ít ngày tới.
Ngày đăng: 09:22 | 17/02/2023
An Khánh / cand.com.vn