Hai vợ chồng sang Đức chỉ với 80 euro (khoảng hơn 2 triệu đồng) lận lưng. Để có thể tồn tại, họ phải làm việc quần quật suốt 15 tiếng/ngày và ăn cơm với trứng luộc, rau luộc suốt 5 năm trời…
Tình yêu là khi người tay nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão, dù cực khổ đến tận cùng vẫn là... không ai muốn bỏ đi |
Nguyễn Thị Thanh Hiếu (31 tuổi) sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ven biển Bình Thuận. Cuộc sống cơ cực thuở nhỏ khiến cô bé Thanh Hiếu cứ nung nấu trong lòng ý định “phải rời quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp”.
Năm 2008, chị Hiếu khi ấy đã là cô gái 22 tuổi, tự nhận định “bản thân đã đủ trải nghiệm, đủ thiếu thốn để có động lực khăn gói lên đường đến miền đất hứa Sài Gòn”. Vậy là chị đi thật.
Anh Stefan vì muốn tiếp cận với chị Hiếu nên đã ngỏ ý muốn chị trở thành giáo viên dạy tiếng Việt |
“May mắn là tôi học khá tốt ngoại ngữ nên được nhận vào làm phiên dịch kiêm lễ tân cho một học viện tạo mẫu tóc của Singapore có trụ sở tại Sài Gòn. Lương tháng cũng không đến nỗi nào, tiền ăn uống, tiền thuê nhà và chi tiêu tiết kiệm thì tôi vẫn có một khoản nhỏ để dành, phòng khi bất trắc xảy ra”.
Cuộc sống cứ thế trôi qua bình yên, cho đến lúc chị đem lòng yêu một chàng trai người thành phố. “Anh ấy là người tốt, nhưng lại thuộc tuýp đàn ông gia trưởng. Nhiều lần hai đứa cũng nói chuyện thẳng thắn với nhau để cùng tìm hướng giải quyết cho tình cảnh này. Nhưng mà cái gì đến cũng phải đến. Mình đâu thể nhắm mắt yêu mãi một người quá khác biệt với mình như vậy, bởi nếu cố chấp, tình yêu sẽ biến thành nỗi đau”.
Khoảng thời gian sau chia tay, chị rơi vào trạng thái “buồn vui bất chợt” và thường xuyên “không có hứng thú với bất kỳ điều gì, thậm chí là công việc”. Chị quyết định xin nghỉ phép để đi đây đi đó với hy vọng giúp “bản thân khuây khỏa hơn”.
Trở lại Sài Gòn sau 2 tháng nghỉ xả hơi, chị không ngờ rằng lần trở lại này đã đánh dấu một bước ngoặt vô cùng lớn, khiến cuộc đời chị chính thức mở ra một trang mới |
“Mình nhớ là tối hôm đó đang tính ăn uống qua loa rồi nằm coi tivi cho tới lúc đi ngủ, thì nhận được cuộc điện thoại của cô bạn người Đức. Cô bạn này từng là khách quen đến làm tóc tại salon nơi mình làm việc. Mặc dù là hơi lười, nhưng không hiểu sao mình vẫn đồng ý đi”, chị nhớ lại.
Đến địa điểm hẹn, chị khá bối rối khi có sự xuất hiện của một người nữa, đó là anh chàng “đồng hương” của cô bạn người Đức, tên Stefan (33 tuổi).
“Ấn tượng đầu tiên của mình về anh là nhìn anh giống hệt một thằng nhóc non choẹt, cái dáng đi đứng thì yểu điệu, nhẹ nhàng như một bà thím. Theo phép lịch sự thì mình với anh có trao đổi số điện thoại, nhưng sau đó chẳng ai liên lạc với ai cả”, chị vui vẻ cho biết.
Bẵng đi một thời gian, chị lại tình cờ gặp lại Stefan trong một buổi tiệc với bạn bè vào ngày cuối tuần. Ở lần gặp gỡ thứ hai này, chị chủ động chào hỏi anh, cả hai bắt đầu trò chuyện nhiều hơn. Những ấn tượng ban đầu “không mấy thiện cảm” về nhau cũng dần tan đi, nhường chỗ lại cho sự vui vẻ, hòa hợp từ tính cách cho đến những suy nghĩ của họ.
Anh chàng người Đức lên kế hoạch “cưa đổ” chị Hiếu bằng cách nhờ chị dạy thêm tiếng Việt cho anh. “Mình đồng ý, vì đó cũng là cơ hội để mình tự rèn luyện khả năng tiếng Anh. Nhưng mình không lấy tiền học phí, chỉ ra điều kiện cho anh là mỗi buổi học phải thuộc bài của ngày hôm trước, và anh hãy coi mình là bạn chứ đừng xưng cô”, chị chia sẻ.
Sau 2010, cặp đôi tổ chức một đám cưới nhỏ tại Việt Nam bằng chính số tiền cả hai tiết kiệm được. 6 tháng sau, chị theo anh sang Đức định cư và lập nghiệp |
Chị bồi hồi nhớ lại: “Lúc anh nói đã yêu một người từ lâu nhưng không dám nói, ánh mắt anh nhìn mình hiền lắm. Và mình hiểu tất cả những gì anh nói, tự nhiên mình bật khóc ngon lành. Mình quá quý mến anh nên rất sợ tình yêu sẽ làm mình mất anh mãi mãi”…
Nhưng không hề nản lòng, Stefan liền ôm chặt người con gái của mình lại, rồi dịu dàng nói: “Em đừng khóc, có anh ở đây. 4 tháng nữa anh về Đức, anh biết em lo sợ điều gì. Anh không xem tình cảm này là một trò chơi, anh nghiêm túc và sẽ chứng minh cho em thấy anh yêu em là thật”.
Nói là làm, ngay ngày hôm sau, Stefan xin nghỉ công việc bên Đức và làm hồ sơ xin việc ở Việt Nam để có nhiều thời gian bên người yêu hơn. Vào đêm Noel năm đó, Stefan tỏ tình lại một lần nữa, lần này chị hạnh phúc gật đầu.
Stefan và “cục vàng” 18 tuần tuổi của hai vợ chồng |
Chuỗi ngày sóng gió sau hôn nhân bắt đầu. Cuộc sống mới của hai vợ chồng đúng nghĩa tay trắng. “Đám cưới tự lo, của hồi môn nhà gái cho cũng không nhận, cưới xong ở riêng. Ngày trước anh xin nghỉ việc ở Đức vì mình, giờ sang đây xin việc lại thì lương rất thấp, nói chính xác là nghèo đến nỗi không có cái lá mùng tơi để mà rớt nữa”, chị tâm sự.
Chị kể, những ngày đầu nhớ nhà da diết, thèm được ăn miếng cơm trắng với cá kho tộ, rau luộc chấm mắm nêm cũng không có. Chưa kể tiền bạc cũng eo hẹp, “mỗi tháng hai đứa chỉ ăn đúng 80 euro, đó là tính luôn cả tiền mua băng vệ sinh, giấy vệ sinh và nước uống… Nhiều khi thèm ổ bánh Doner 3.5 euro mà suy nghĩ mãi mới dám mua 1 cái rồi hai đứa vừa đi vừa ăn với nhau”.
Ngưng lại một lúc, chị kể tiếp: “Lúc đó tự dưng anh đòi ăn trứng luộc, rau luộn chấm nước mắm. Sáng đi làm thì đem theo cơm vợ nấu lên công ty để trưa ăn. Tính ra một tuần ăn chục bữa trứng, rau, hết luộc tới chiên rồi xào. Mình thì thèm tôm kinh khủng, mà nó đắt quá nên cứ nói chồng là tôm đông đá không ngon, em không ăn đâu”.
Vì cuộc sống quá khó khăn, hai người quyết định hoãn việc có con, để cố gắng làm việc, dành dụm chút vốn liếng về sau. Chị động viên chồng vừa làm vừa học, chị cũng xin làm thêm nhiều công việc như rửa chén cho cửa hàng ăn uống, đi phát quảng cáo…
“Cực khổ là vậy đó, nhưng mà chưa bao giờ hai vợ chồng cãi nhau. Anh ấy luôn tôn trọng, lắng nghe và yêu thương vợ. Anh nói sẽ cố gắng làm ra nhiều tiền để vợ anh được sung sướng. Còn mình thì chỉ cần có anh là đủ rồi”, chị hạnh phúc khi nhắc về người bạn đời của mình.
Rồi cuộc đời cũng mỉm cười với anh chị, khi sau 5 năm nỗ lực, Stefan được thăng chức và tăng lương. “Ngày hai vợ chồng cùng nhau đi mua căn nhà đầu tiên, anh nhất quyết phải có tên vợ trong giấy tờ nhà đất mới chịu. Stefan còn đưa mình đi học bằng lái để nếu anh ấy đi làm, mình ở nhà buồn có thể đi chơi đây đó cho vui”, chị tâm sự.
Chị cũng tiết lộ: “Anh ấy không cho vợ đụng tay vào bất cứ việc gì, cái gì anh cũng muốn làm phụ mình. Anh nói mình đã cực khổ quá nhiều rồi, chỉ cần còn có anh thì anh sẽ không để mình phải khổ thêm ngày nào nữa”.
Nghe toàn bộ câu chuyện tình yêu của anh chị, điều khiến tôi cứ suy nghĩ mãi chính là lý do tại sao Stefan, chồng chị cứ thích ăn trứng và rau luộc còn chị lại không thích ăn tôm đông đá.
“Anh ấy nói ngày trước vì muốn tiết kiệm nên mới ăn trứng, rau, mấy món đó rẻ tiền nhất. Nghĩ lại thấy thương chồng quá", chị Hiếu tâm sự.
Về phần chị, cũng chỉ vì thấy tôm đông đá quá nhiều tiền mà không dám ăn, sợ chồng xót nên chị đành nói dối. “Thành ra bây giờ mỗi lần đi siêu thị, đi chợ mà thấy vợ đứng nhìn cái gì đó hơi lâu, nhiều khi là mình đang nghĩ xem nếu mua thì phải nấu món đó như thế nào, là anh đã nhanh tay bốc bỏ vào xe đẩy, nhất quyết không cho trả lại”.
Có nhà cửa, tài chính ổn định, anh chị quyết định “gia đình đã đến lúc nên có thêm thành viên mới rồi”. Ngày chị hạnh phúc báo với anh tin mình có thai, anh bế chị quay vòng vòng rồi chạy khắp nhà, hét lên thích thú hệt như đứa trẻ.
Và giờ đây, sau bao nhiêu sóng gió, thăng trầm, chị Hiếu đã có một cuộc sống viên mãn mà bao nhiêu người mơ ước có được.
“Trọn vẹn 9 năm yêu nhau, cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thử thách. Mình thật sự cảm thấy yêu anh và được anh yêu là một điều may mắn. Mỗi lần nhìn anh và con là lòng mình lại thấy bình yên lạ. Hạnh phúc cũng chỉ có vậy mà thôi”, bà mẹ 8X tâm sự.
http://thanhnien.vn/doi-song/vo-viet-chong-duc-suot-5-nam-an-rau-luoc-voi-trung-nhung-tinh-sau-nghia-nang-872897.html
Ngày đăng: 17:05 | 13/09/2017
/ Hải Đường / Báo Thanh niên