Sau gần một năm thu hồi dự án nhà máy liên hợp gang thép công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm ở Khu kinh tế Vũng Áng, mới đây, dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á (Thạch Khê, Thạch Hà) bị tỉnh Hà Tĩnh, rồi Bộ KHĐT đề nghị ngừng khai thác; ngoài ra, còn có thêm dự án Nhà máy tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm ở huyện Vũ Quang cũng bị thu hồi. Kỳ vọng từ những dự án “khủng” về sắt, thép đến nay đã có hồi kết đầy thất vọng.

vo mong hang loat du an sat thep khung o ha tinh
Nhà máy thép Vạn Lợi bỏ hoang bị thu hồi từ năm 2016. Ảnh: Trần Tuấn

Nhà máy thép nghìn tỉ "chết" đẩy nhà máy nguyên liệu chết cùng

Trước hết phải kể đến dự án Nhà máy liên hợp gang thép (còn gọi Nhà máy thép Vạn Lợi, ở Khu kinh tế Vũng Áng) của Cty CP Gang thép Hà Tĩnh, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn thép/năm, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích 25 ha, được BQL Khu kinh tế Vũng Áng cấp chứng nhận đầu tư năm 2007, điều chỉnh lần 3 năm 2009.

Theo chứng nhận đầu tư, tháng 8.2010, nhà máy sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, dự án không thực hiện được như cam kết sau khi đầu tư, mua sắm khá nhiều máy móc, thiết bị trị giá hàng trăm tỉ đồng rồi bỏ hoang gỉ sét từ năm 2010. Trước tình trạng không thể đi vào hoạt động, năm 2016, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã thu hồi dự án này. Đáng nói, thời điểm đó, hàng loạt ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh rót vốn vào dự án này với hơn 750 tỉ đồng trở thành nợ xấu, rơi vào tình thế chỉ biết "chia nhau đống sắt vụn" là cơ sở vật chất bỏ hoang phơi nắng, phơi mưa tại dự án.

Những năm dự án Nhà máy liên hợp Gang thép bỏ hoang, chưa bị thu hồi giấy phép cũng đã đẩy nhà máy tuyển quặng đóng ở xã Sơn Thọ huyện Vũ Quang (cũng do Cty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được cấp phép khai thác khoáng sản ngày 22.1.2008 với tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng, công suất 500.000 tấn/năm) vào tình cảnh "chết yểu". Bởi đây là nhà máy ra đời với mục đích cung cấp nguyên liệu cho nhà máy liên hợp gang thép ở Vũng Áng. Thế nhưng khi nhà máy đang đầu tư dang dở đã bỏ hoang khiến nguyên liệu khai thác ra không thể tiêu thụ.

Năm 2016, khi nhà máy liên hợp gang thép bị thu hồi, nhiều người đã nhận định, việc thu hồi nhà máy tuyển quặng Vũ Quang sẽ không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ còn là thời gian. Đúng như dự đoán, ngày 7.8 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Cty CP Gang thép Hà Tĩnh khai thác quặng sắt tại xã Sơn Thọ.

Lý do thu hồi được nêu rõ: "Sau hơn 9 năm kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, Cty CP Gang thép Hà Tĩnh không thực hiện đầu tư khai thác khoáng sản mà không có lý do bất khả kháng, không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định".

Quyết định yêu cầu công ty CP Gang thép Hà Tĩnh có trách nhiệm nộp các tài liệu pháp lý, mẫu vật địa chất cho sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật; bàn giao diện tích đã được cấp phép cho địa phương để quản lý. Đồng thời, giao UBND huyện Vũ Quang, UBND xã Sơn Thọ kiểm tra, giám sát không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vào khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực mỏ nêu trên.

Đề nghị dừng khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Cuối năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, rà soát, đánh giá lại toàn bộ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; làm rõ năng lực nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội; quy hoạch, công nghệ, kỹ thuật khai thác, chế biến; thị trường tiêu thụ sản phẩm; phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động địa phương; đánh giá tác động môi trường... Khi chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung trên thì đề nghị chưa khởi động lại dự án.

Trong khi đó, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Bộ Công Thương lại kiến nghị cho tiếp tục khai thác mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á này. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiến nghị.

Sau thời gian rà soát, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch đầu tư đã có văn bản gửi Chính phủ với đề xuất Chính phủ xem xét chủ trương dừng Tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng mỏ Thạch Khê và dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn một năm tại Hà Tĩnh do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với các lý do: Năng lực tài chính của TIC sẽ khó đáp ứng được nhu cầu vốn của Tổ hợp dự án theo tiến độ triển khai. Sản phẩm quặng sắt sau khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt với khối lượng 3 triệu tấn/năm trong thời gian từ 2017 - 2021, những năm sau đó chưa có cam kết cụ thể. Kỳ vọng cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy luyện cán thép Formosa thì Cty này lại chưa có ý định mua quặng sắt của mỏ sắt Thạch Khê. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn chưa chắc chắn.

Ngay sau kiến nghị của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương đã có ý kiến cho rằng việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Việc dừng hay không cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính tới những hậu quả, hệ lụy liên quan đến thiệt hại hàng nghìn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Dù chưa có quyết định cuối cùng của Chính phủ, nhưng theo nhiều ý kiến phản biện, việc tái khởi động khai thác tuyển quặng mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á sẽ rất khó khả thi.

Ngày đăng: 07:42 | 20/08/2017

/ Trần Tuấn/ladong.com.vn