Có ít nhất 32.000 người tham gia hệ thống tiền ảo iFan có nguy cơ mất 15.000 tỉ đồng l Ngân hàng Nhà nước từng cảnh báo việc phát hành, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật nhưng vì lòng tham, rất nhiều người tham gia dẫn đến bị lừa
Liên quan đến vụ nhiều nhà đầu tư tố Công ty CP Modern Tech (đăng ký trụ sở tại tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ tiền ảo iFan, Pincoin, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đang theo dõi và sẽ phối hợp với cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Nguy cơ mất trắng
Ngày 9-4, một ngày sau khi xảy ra vụ việc nhiều nhà đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin tố bị Modern Tech lừa đảo, ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại trụ sở nơi công ty này đăng ký hoạt động kinh doanh (tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) vẫn còn một số nhà đầu tư đến hỏi tình hình công ty sau khi biết bị lừa. Đại diện Ban Quản lý tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ cho biết Modern Tech chỉ thuê địa chỉ ở đây để đăng ký kinh doanh từ tháng 10-2017, chứ thực chất không hoạt động. Tại tầng 9 nơi công ty này đăng ký, nhân viên lễ tân cũng xác nhận công ty chỉ đăng ký văn phòng ảo chứ không hoạt động, không có nhân viên nào ra vào hoặc thư từ liên lạc.
Trước đó, ngày 8-4, hàng trăm nhà đầu tư đã tập trung tại công ty này tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ việc phát hành tiền ảo iFan. Theo chị Trần Thị Túc (người viết đơn tố cáo), ông Hồ Xuân Văn là người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc Modern Tech cùng một số cá nhân khác trực tiếp kêu gọi nhiều người đầu tư vào dự án tiền ảo iFan, Pincoin.
Trụ sở Công ty Modern Tech đăng ký tại số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM nhưng thực chất không hoạt động |
Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin giống như một loại cổ phiếu có giá trị. Theo đó, công ty phát hành 21 triệu đồng tiền ảo với giá 1,6-2,6 USD/iFan, đồng thời cam kết với nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%. Tuy nhiên, để "chơi" tiền ảo này, nhà đầu tư phải mua số lượng iFan có giá trị 1.000 USD (gần 23 triệu đồng).
Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của công ty đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư bỏ ra 15.000 tỉ đồng. Sau đó, công ty này hủy bỏ hình thức chi trả lợi nhuận, hoàn trả vốn bằng tiền mặt, thay vào đó chi trả bằng tiền ảo iFan. Modern Tech định giá tiền ảo này với giá 5 USD/iFan với lý do tiền ảo này có giá trị như cổ phiếu và đã có Kiểm toán Nhà nước định giá. Trong khi đó, giá trị của tiền ảo iFan trên thị trường quốc tế chỉ là 0,01 USD/iFan.
Chị Lê Thị Hương, người chơi iFan, cho biết ban đầu Lê Ngọc Tuấn, thành viên của Công ty Modern Tech, tổ chức các buổi họp mặt, diễn thuyết với tư cách nhà đầu tư cấp trên kêu gọi thêm nhiều cấp dưới để hưởng hoa hồng. Ngoài Tuấn còn có các nhà đầu tư tuyến trên như Vũ Hữu Lợi, Diệp Khắc Cường, Nguyễn Thu Thủy... kêu gọi nhiều người khác tham gia. Sau khi iFan bắt đầu gặp nhiều vấn đề tài chính sau đợt mất giá của Bitcoin cuối năm 2017, Lê Ngọc Tuấn và nhóm của mình chối bỏ mọi liên quan với iFan. Tuấn cho rằng mình cũng là một nhà đầu tư muốn mang lợi đến cho mọi người nhưng chẳng may gặp phải dự án thất bại.
Đến tháng 1-2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat vào trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều biến mất. "Lúc này chúng tôi cũng hiểu ra câu chuyện mà trước đó mình không dám tin. Tiền của chúng tôi đã mất" - chị Hương nói.
Cảnh báo nhiều vẫn bị mắc bẫy
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, các nhà đầu tư tố bị lừa hơn 15.000 tỉ đồng vào tiền ảo iFan là con số không nhỏ và vụ việc là lời cảnh báo cho nhiều nhà đầu tư khác đang lao vào các loại tiền ảo. Thực chất tiền ảo iFan là mô hình tiền ảo đa cấp biến tướng, khi Công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận từ 48%/tháng trở lên nhưng không phải trả bằng tiền mặt mà quy ra các đồng tiền số…
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho rằng mô hình tiền ảo đa cấp đã nở rộ trên thị trường trong năm 2017. Chiêu thức của mô hình này là đưa ra lãi suất thật cao để kích thích lòng tham và trả hoa hồng cao cho người giới thiệu. Các công ty áp dụng mô hình đa cấp tiền ảo cũng liên tục đánh bóng hình ảnh bằng cách quảng cáo nhà đầu tư mua nhà, mua xe nhờ đổ vốn vào tiền ảo để dụ người chơi. Từ đó, rất nhiều người bị lôi kéo, tiếp tay cho hình thức lừa đảo này. "Đã có rất nhiều lời cảnh báo về mô hình này nhưng không ít người vẫn sập bẫy vì lợi nhuận quá cao. Họ không quan tâm đến dự án đầu tư là gì, hiệu quả ra sao mà chỉ quan tâm đến lãi suất được hưởng" - ông Tín nói.
Việt Nam hiện được cho là một trong những thị trường có số lượng người chơi tiền ảo, lượng giao dịch tiền ảo khá lớn trên thế giới. Không chỉ vụ nhà đầu tư bị mất hơn 15.000 tỉ đồng vào iFan mà có thể trước đó, vụ sập sàn tiền ảo BitConnect (Mỹ) cũng khiến không ít người Việt đổ vốn vào tiền ảo bị mất trắng.
"Giá Bitcoin và các loại tiền ảo khác giảm mạnh khoảng 3 tháng nay và nếu xu hướng giảm giá của tiền ảo tiếp tục, có thể còn xảy ra nhiều vụ nhà đầu tư mất tiền tương tự. Dù vậy, vẫn có những nhà đầu tư được tư vấn nên mua bắt đáy tiền ảo khi giá đang bị rớt mạnh để chờ cơ hội, điều này rất rủi ro. Nhà đầu tư nên thoát dần và lấy lại tiền sớm nhất có thể bởi tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận là phương tiện thanh toán, các giao dịch liên quan đến tiền ảo cũng bị cấm nên rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn" - ông Phan Dũng Khánh cảnh báo.
Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ lừa đảo bằng tiền ảo iFan mà NHNN sẽ tích cực phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng người dân cần hết sức tỉnh táo. "Dù cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người tham gia. Cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan công an sẽ xử lý vụ việc, Ngân hàng Nhà nước chỉ đóng vai trò tham mưu. Do Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo nên rất khó để bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu nó" - ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo.
Có thể khởi tố hình sự
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết trong Nghị định 80/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1-7-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, đã bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, từ nhiều năm nay cơ quan này cũng khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ nên người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định. Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp lệ (gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị phạt hành chính từ 150-200 triệu đồng. Còn tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2018), những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự. Những người sở hữu những đồng tiền ảo cũng không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận.
Mượn ca sĩ, người nổi tiếng để chiêu dụ
Theo nhiều nhà đầu tư, các thành viên của Công ty Modern Tech luôn quảng bá tiền ảo iFan được kiểm soát bằng ứng dụng công nghệ blockchain 4.0, giúp quản lý thu nhập giới văn nghệ sĩ Việt Nam. "Buổi ra mắt tiền ảo iFan tổ chức ở Hà Nội có sự tham gia của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nên chúng tôi rất tin tưởng, cho rằng tiền ảo iFan là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả để bỏ vốn vào" - chị Trần Thị Minh Thư, người đã bỏ ra 40 triệu đồng mua tiền ảo iFan kể.
Theo tìm hiểu, iFan được giới thiệu là dự án tiền ảo được thành lập dựa trên ý tưởng dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và người hâm mộ. Nhà đầu tư được cam kết rằng giá trị các iFan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Một trong những ca sĩ nổi tiếng bị lợi dụng đó chính là Đàm Vĩnh Hưng.
Trên Facebook cá nhân, Đàm Vĩnh Hưng cho biết có một số kẻ xấu hoặc cũng có thể là đối thủ của tập đoàn iFan nào đó, đã dựng chuyện và cố tình gán ghép cho anh với vai trò đại diện hay quảng cáo, PR cho đa cấp hay huy động vốn. "Tôi cũng biết đây là một xu thế mới và không lên án hay bài xích những việc đầu tư của bất kỳ ai. Đầu tư hay không là quyền của mỗi người. Tôi khẳng định tôi không phải là người đại diện hình ảnh cho bất kỳ dự án nào hay bất cứ cuộc chơi về tiền ảo nào" - Đàm Vĩnh Hưng quả quyết.
T.Phương-Tr.Trang
Tiền ảo đa cấp dạng iFan và những nghĩa địa \'coin chết\' Lợi dụng sự nổi lên của khái niệm tiền thuật toán, nhiều tổ chức đa cấp biến tướng núp bóng dự án phát hành tiền ... |
“Vỡ” đường đây đầu tư đa cấp tiền ảo Ifan lên đến hàng nghìn tỷ đồng: “Chết “ vì tham lời cao Như báo Lao Động đã đưa tin vào ngày 8.4, hàng chục người mang theo băng rôn đến trụ sở của Cty Moderrn Tech với ... |
Ngày đăng: 08:28 | 10/04/2018
/ Người lao động