4h30', bãi xe bus vang lên tiếng nổ máy, đèn sáng từ chiếc xe bus số 19, bên trong, một cặp vợ chồng tháo võng, cuốn chiếu. 

Họ nhanh chóng cầm bộ đồng phục, bàn chải đánh răng hướng về toilet cuối bãi ở trong Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn, quận 1.

Đúng 5 giờ, người chồng ngồi vào vị trí ghế lái, người vợ cầm xấp vé, đứng ở cửa xe sẵn sàng lăn bánh chuyến đầu tiên. Trong bãi, nhiều tuyến xe khác cũng nổ máy.

7 tháng rồi vợ chồng tài xế Bùi Thái Phương (41 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Thị Kim Loan (29 tuổi) ăn, ngủ trên chính chiếc xe ngày ngày đi làm.

vo chong sai gon song tren xe bus
Bữa tối thứ bảy trên xe bus có bé Noel, nên bố mẹ làm thêm vài món ngon. Ảnh: Mộng Diệp.

Anh Phương nên duyên với vợ cũng từ những chuyến xe bus, khi ngày ấy chị Loan là công nhân, còn anh là tài xế. Sau khi cưới, chị chuyển sang làm cùng xí nghiệp với chồng. "Trước đó tôi chạy tuyến có lịch trình khá căng. Một lần tan làm lúc nửa đêm, do quá buồn ngủ nên tôi gặp tai nạn", anh Phương nhớ lại.

Sau tai nạn đó, anh mới xin chuyển sang tuyến 19 đỡ vất vả hơn. Chị Loan cũng xin thuyên chuyển để được đồng hành cùng chồng. Từ khi làm chung, chiếc xe này trở thành "nhà" của họ. "Ở lại trên xe sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi và bớt được một khoản thuê nhà", anh Phương nói. Từ lúc đó, bé Noel, con anh chị, buộc phải gửi bà nội.

Xe bus 19 có lộ trình từ Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn đến Đại học quốc gia. Quãng đường cả đi về hết 42 km, tương đương 3 tiếng di chuyển. Mỗi ngày xe chạy 4-5 vòng.

Gần 11 giờ trưa, khi sắp kết thúc vòng thứ 2, anh Phương cho xe dừng trước một tiệm cơm. Chị Loan xuống xe, rồi nhanh chóng trở lại với 2 phần cơm hộp. Đi được một đoạn, anh chị lại dừng trước một cái chợ nhỏ, mua con cái diêu hồng bỏ vào thùng xốp trên xe.

Tranh thủ 10 phút nghỉ ở bến, chị Loan lấy ít gạo trong thùng đồ dùng trên xe và nước từ bình bên cạnh vo gạo. Xong xuôi, chị xách nồi cơm chạy xuống hiên nhà điều hành, đặt nồi xuống đất cắm. Con cá mua không kịp làm, chị gửi nhờ tủ lạnh của bến xe. Người phụ nữ mảnh khảnh vẫn còn 3 phút mở hộp cơm ra ăn.

Chồng chị trở ra từ nhà vệ sinh của bến, hỏi vợ: "Còn mấy phút nữa?". Miệng đang nhai cơm, chị Loan ú ớ: "Còn 2 phút thôi, anh không ăn cơm hả?". Anh nổ máy, quay vô lăng, rồi mới nói: "Ăn gì kịp nữa".

Những lúc đường thoáng, xe chạy đến bến đúng giờ thì anh kịp ăn cơm, mua mớ rau còn kịp nhặt. Nhưng hôm nay thì không, nên bữa trưa cứ dời lại từ bến này đến bến khác. "Cái nghề chạy xe bus sợ nhất là kẹt xe. Lỡ hôm nào trời nắng, uống nước nhiều, giữa đường mắc đi vệ sinh là mệt à", anh Phương cười.

vo chong sai gon song tren xe bus
Bé Noel phải chờ bố rảnh khi đường tắc lâu mới dám sà vào lòng bố một chút, rồi lại về chỗ ngay. Ảnh: Mộng Diệp.

Chiều thứ 7 hằng tuần, anh chị sẽ đón con trai lên xe bus ở cùng mình cho đến chiều chủ nhật thì gửi lại bà nội. Từ 4 giờ chiều, chị Loan đã thấp thỏm, liên tục nhìn qua ô cửa kính khi xe bắt đầu đến quốc lộ 13 (quận Thủ Đức). Tại một trạm, cậu bé đứng cạnh bà đã vẫy rối rít từ xa. Chị Phương bước nhanh xuống, nhấc bổng con lên xe.

Cậu bé 5 tuổi được mẹ đưa vào một ghế trống cuối xe, xoa đầu, thơm má hỏi "Heo con của mẹ mấy bữa nay học có ngoan không?". Mới ôm con được chốc lát, chị lại chạy lên bán vé khi có 3 người khách vừa lên.

Giờ tan tầm, khách đông kín xe, chị Loan đứng đầu xe thi thoảng lại nói "chờ mẹ chút", khi nghe tiếng gọi "mẹ ơi" từ cuối xe. Cả đoạn đường dài không biết chị đã nói với con bao nhiêu lần như thế, nhưng tới cuối bến, chị mới được gần con.

Hơn 7 giờ tối, xe đỗ xịch trong bến Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn. Anh Phương mở thùng xốp lấy ra chén đũa, bếp ga mini, rồi chiên cá ở góc sân trong bãi. Nồi cơm cắm bữa trưa, giờ thành bữa tối.

Trên xe, Noel nằm chơi trên ghế được lót tấm chăn mỏng. Bé ngước nhìn người mẹ đang ghì tay lau sàn xe. Sàn xe sạch bóng, bữa cơm trên những tờ giấy báo của gia đình nhỏ rộn tiếng cười. Thi thoảng "nhà có khách", là những đồng nghiệp cũng ngủ lại trên xe ghé thăm.

"Nghề này bác tài, tiếp viên ngủ lại xe là bình thường, cũng để đảm bảo sức khỏe cho hôm sau chứ nhà xe không cấm. Nhưng cả hai vợ chồng cùng ở lại thì chỉ có anh Phương, chị Loan", anh Nguyễn Thanh Tường, nhân viên điều phối xe bus số 19 chia sẻ.

vo chong sai gon song tren xe bus
Chị Loan và con trai ngủ trên sàn, anh Phương đã quen ngủ võng. Bằng việc sống như vậy, họ hy vọng sớm đạt được ước mơ có nhà. Ảnh: Mộng Diệp.

Những ngày đầu mới sống trên xe là khoảng thời gian khó khăn với cả hai vợ chồng, mỗi khi đến giờ phải xa con. "Đêm đầu tiên thằng bé khóc đòi mẹ, còn mẹ thì khóc nhớ con", chị buồn nói. Nay đã quen, cả nhà đều mong đến cuối tuần để được bên nhau. Cậu bé Noel ví, những ngày này như là được đi du lịch.

Hơn 10 giờ tối, chị Loan trải thêm chiếu nhỏ ra khoảng rộng nhất trên xe, bởi đêm nay sẽ được ôm con trai ngủ. Còn chỗ nằm của anh Phương là trên chiếc võng mắc giữa hai thanh sắt.

Điện tắt, chị Loan trách chồng "anh đậu xe ngay cái đèn đường sáng quá sao mà ngủ". Anh Phương nằm trên võng đáp lại: "Để anh chạy xe dời sang chỗ khác". Chị Loan nói: "Thôi khỏi", rồi ôm con quay lưng ngủ để tránh ánh điện đường.

Mộng Diệp

vo chong sai gon song tren xe bus Người vô gia cư ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Chính sách "nhà ở trên hết" của Phần Lan giúp người vô gia cư có một mái ấm lâu dài để nỗ lực thay đổi ...

vo chong sai gon song tren xe bus Bệnh viện hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân vô danh, vô gia cư

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ 25-100% viện phí cho những bệnh nhân cấp cứu hoặc điều trị vô danh, vô gia cư.

Ngày đăng: 10:28 | 01/10/2019

/ vnexpress.net