Sau hơn 60 năm gầy dựng nghề làm đầu lân, vợ chồng cụ Nguyễn Tô ở Quảng Ngãi vẫn còn háo hức mỗi mùa Trung thu.
Ở thôn Thu Xà, Nghĩa Hòa, TP Quảng Ngãi, mùa Trung thu không bắt đầu từ tháng 8 âm lịch mà từ mấy tháng trước, khi những nghệ nhân "phù phép" để những cốt đầu lân thô sơ hóa thân thành một trong tứ linh với vẻ ngoài uy nghiêm, đẹp mắt.
Khách hàng đều đặn ghé tới hỏi thăm, người nghệ nhân vừa cặm cụi làm vừa xởi lởi nhận đặt hàng, bán sản phẩm. Chỉ riêng vợ chồng ông Nguyễn Tô (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tuyết (78 tuổi) vẫn chăm chú, tỉ mẩn. Khách đến phải nói thật to mới khiến hai cụ rời mắt khỏi con lân đang làm dở.
Ông Tô và bà Tuyết. Ảnh: Phạm Linh. |
Nức tiếng ở phố cổ Thu Xà, đến tuổi già, họ đã truyền nghề và giao lại công việc cho con. Nhưng với ông Tô, bà Tuyết, làm lân dường như không chỉ là một nghề khi đã gắn bó cả đời.
Phố cổ Thu Xà có di tích chùa Ông, với nhiều gia đình phật tử. Múa lân với người dân ở đây không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí mà còn là tâm linh. Thích thú với con lân và nhịp sống, điệu nhảy mỗi mùa Trung thu, từ năm 18 tuổi, ông Tô đã tập tành làm đầu lân và được các sư huynh trong chùa khuyến khích. Từ đó, làm lân trở thành nghề thời vụ của ông suốt thời thanh niên.
Ông nhớ lại, khi ấy, đầu lân chỉ có hai màu đen và trắng. Màu đen chủ đạo dành cho lứa tuổi thiếu nhiên, thanh niên; màu trắng cho lứa tuổi lớn hơn.
Từ mẫu đầu lân sẵn có trong chùa, ông đốn tre vót nan tre làm cốt đầu lân, dán giấy, rồi dùng vôi quét màu. Với đôi bàn tay tài hoa, những nét vẽ xoáy lông, râu ria, mắt của ông khiến con lân trở nên có hồn và đẹp mắt. Những gia đình phật tử xung quanh nghe tiếng, lượng đặt hàng làm lân mỗi mùa Trung thu lên từ vài chục đến cả trăm con.
Theo thời gian, những con lân có nhiều màu sắc hơn, và cũng được làm công phu, hiện đại hơn. Ngồi giữa căn phòng đầu lân treo bốn phía, ông Tô chỉ vào con mắt bằng đèn điện đang nhấp nháp, rồi vuốt đám lông thỏ gắn trên mắt lân. Ông cười phớ lớ, ôn lại thời còn lấy trái mù u làm con mắt, mua dây võng, dây nylon về cắt làm râu, rồi lấy lon bò húc tiện ra làm u giữa trán cho lân.
Ông Nguyễn Tô với bức ảnh chụp những con lân làm mấy chục năm trước. Ảnh: Phạm Linh. |
Người nghệ nhân không chỉ để giữ nghề, mà còn đem nghề ấy về gia đình, cùng vợ con phát triển. Bà Tuyết kể rằng ông và bà cùng lớn lên ở Thu Xà, yêu nhau từ những năm 20 tuổi. Nhưng vì chiến tranh, hai người chưa thể đến với nhau, sợ cảnh có người còn kẻ mất.
Ngày hòa bình, năm ông 37 còn bà 35 tuổi, hai người mới làm lễ cưới. Vợ chồng mưu sinh bằng nghề trồng hoa, như bao nông dân khác ở vùng quê này.
Đến khi sinh người con thứ nhất, bà Tuyết thấy chồng một mình đốn tre, vót nan rồi lọ mọ làm đầu lân một mình đã xắn tay áo lên làm chung. "Người tới mua một đông một mình ổng làm không xuể, tui phụ một tay để có thêm tiền nuôi con", bà hồi tưởng.
Chỉ vài năm luyện nghề cùng ông, gia đình đã có hai nghệ nhân thành thục. Nghề làm đầu lân đã giúp ông bà nuôi bốn người con trưởng thành. Đến nay, cả bốn người con đều có gia đình riêng, họ đều làm lân theo thời vụ. "Có đứa làm giáo viên, ban ngày nó đi dạy, tối về làm thêm", ông Tô khoe.
Những năm gần đây, cụ Tô và cụ Tuyết làm khoảng 300-500 đầu lân mỗi mùa. Nếu tính cả đại gia đình, mỗi mùa Trung thu nhà ông làm cả nghìn đầu lân bán trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai... Giá một đầu lân dao động 150.000 đồng đến một triệu đồng, tùy theo kích cỡ và độ công phu.
Anh Nguyễn Đức Đoàn, con trai cụ Tô chia sẻ, nhiều nguyên liệu làm đầu lân như lông thỏ, giấy dán hay đèn làm mắt lân được nhập từ TP HCM, nhưng làm thủ công chiếm đến 60% để làm ra đầu lân hoàn thiện. "Mỗi năm thị trường đầu lân có một thị hiếu, năm nay các đoàn lân chuộng màu đỏ, vàng thì năm sau phải chọn màu sắc để bán được hàng", anh Đoàn nói.
Ngày xưa, các đoàn lân ở Quảng Ngãi thường múa với một vài con lân. Nhưng ngày nay, nhiều đoàn lân múa Trung thu có đến 6-7 con. Nhu cầu thị trường cao giúp người làm lân có thu nhập khá, như vợ chồng cụ Tô có thể lời đến 30 triệu đồng mỗi vụ.
Bà Tuyết cắt râu cho đầu lân trong lúc chồng thử múa đầu lân vừa làm xong. Ảnh: Phạm Linh. |
Nhưng hỏi về niềm vui khi làm nghề, cụ Tô kể nhiều hơn về những ngày còn trẻ, khi bán xong đầu lân là rong ruổi cùng anh em đi múa lân khắp nơi. Còn cụ Tuyết vẫn tỉ mẩn cắt, dán, vặn, xoay với từng động tác chính xác trên đôi tay gầy guộc, nhăn nheo. "Làm vui mà, bao giờ hết sức thì hết làm thôi", cụ bà hào sảng nói.
Trong lúc ấy, những đứa trẻ quanh nhà đã gõ trống tùng tùng mang lân qua nhà ông nhảy múa. Nhìn chúng, ông xác nhận một lần nữa: "Niềm vui của tui đó chớ đâu xa", rồi cho tiền lũ trẻ để quay lại hoàn thiện những đầu lân cuối cùng, khi ngày Trung thu đến gần.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết địa phương ghi nhận nỗ lực giữ nghề của gia đình ông Tô.
"Ngoài thu nhập cho gia đình, cơ sở lân của ông và các con trai đã tạo công ăn việc làm cho bà con hàng xóm, giúp con em có việc làm thêm, đó là việc làm hết sức ý nghĩa", ông Thanh nói.
Vợ chồng võ sư thức thâu đêm làm đầu lân đón Trung thu
Gần Tết Trung thu, cơ sở làm đầu lân của võ sư Bùi Viết Tưởng (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm việc cả ngày lẫn ... |
Độc đáo nghề làm đầu lân xứ Huế
Những chiếc đầu lân xứ Huế với nhiều nét riêng biệt so với các vùng miền khác, được xuất đi mọi miền đất nước, mang ... |
Nghề làm đầu lân phục vụ Tết Trung thu
Những chiếc đầu lân, đầu rồng đang được các nghệ nhân ở Huế (Thừa Thiên Huế) tất bật hoàn thành cho kịp Tết Trung thu. |
Ngày đăng: 09:06 | 23/09/2018
/ VnExpress